Thực thi chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử tại Việt Nam hiện nay

Bài báo nghiên cứu "Thực thi chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử tại Việt Nam hiện nay" do ThS. Vũ Thị Nga (Giảng viên Trường Đại học Văn Hiến) và Phùng Lữ Thế Hoài (MSSV: 221A320065, Sinh viên Trường Đại học Văn Hiến) thực hiện.

TÓM TẮT:

Rác thải điện tử là vấn đề được đề cập không mới trên thế giới, kể cả tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Bài viết này nghiên cứu, trình bày: (i) khái niệm và các đặc điểm của rác thải điện tử; (ii) chỉ ra vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý rác thải điện tử; (iii) chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử tại Việt Nam hiện nay; và (iv) trên cơ sở việc thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, bài viết đưa ra một số kiến giải nhằm hoàn thiện vấn đề quản lý nhà nước về rác thải điện tử, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải điện tử tới môi trường và sức khỏe con người trong thời gian tới.

Từ khóa: rác thải điện tử, thiết bị điện - điện tử, quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường.

1. Khái luận về rác thải điện tử

“Rác thải điện tử”- một khái niệm còn khá mới mẻ trong nhận thức và tư duy của đại đa số người dân Việt Nam. “Rác thải điện tử” không phải một khái niệm độc lập được quy định riêng, mà đây là khái niệm có tính phân loại so với các loại rác thải khác như rác thải nhựa, rác thải nilong. Tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 quy định: “rác thải điện tử là rác thải tái chế và các nhà sản xuất, kinh doanh phải có điểm thu hồi, tái chế và xử lý theo quy định”. Cho đến nay, văn bản này đã hết hiệu lực, tuy nhiên, đây vẫn là văn bản đầu tiên đề cập đến “rác thải điện tử” tại Việt Nam.

Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khái niệm chất thải được định nghĩa tại khoản 18 Điều 3: “Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Căn cứ vào phụ lục III kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về mẫu biểu quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác), có thể liệt kê chất thải điện tử ở các tên gọi như: “thiết bị điện, điện tử; thiết bị, linh kiện điện tử hoặc thiết bị, bộ phận có linh kiện điện tử (hết nên hạn sử dụng hoặc bị thải bỏ do nhu cầu con người). Các chất thải này được liệt kê trong danh mục chất thải rắn và nguy hại.”

Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi quan niệm về khái niệm “rác thải điện tử” là: “các chất thải bỏ ở thể rắn, nguy hại bao gồm pin, các thiết bị điện-điện tử, nhiệt lạnh; màn hình và thiết bị chứa màn hình; bóng đèn; thiết bị lớn; thiết bị vừa và nhỏ; thiết bị công nghệ thông tin; tấm quang năng thải bỏ, được xác định là chất thải rắn nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”. 

Nghiên cứu về rác thải điện tử, nhóm tác giả nhận thấy một số đặc điểm của rác thải điện tử như sau:

Thứ nhất, rác thải điện tử trước hết là chất thải rắn (do tồn tại ở thể rắn và thuộc danh mục chất thải nguy hại). Theo khoản 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”. Chính vì đặc tính nguy hại này, nên việc quản lý, kiểm soát rác thải điện tử vô cùng quan trọng.

Thứ hai, rác thải điện tử phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đa số người dân và ngày càng gia tăng với tốc độ khó kiểm soát. Theo báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020 do Liên Hợp Quốc công bố: “năm 2019, toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đó và châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn). Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng chất thải điện tử mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...)”[2].

Thứ ba, rác thải điện từ vẫn có thể thu hồi và tái sử dụng ở một số chất, bộ phận thải bỏ, tuy nhiên năng lực tái chế trên thế giới nói chung còn thấp, gây lãng phí tài nguyên tái chế. Rác thải điện tử thực chất là nguồn tài nguyên có giá trị hàng tỷ USD[3], bao gồm các loại khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Thế nhưng, nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí. Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, lượng rác thải điện tử trên toàn thế giới chứa khoảng 4 triệu tấn kim loại được phân loại là nguyên liệu thô quan trọng, chủ yếu là nhôm.

Thứ tư, rác thải điện tử còn có đặc điểm chính là gây tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Các thiết bị điện tử có màn hình và bóng đèn huỳnh quang đều có thủy ngân, nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, chúng dễ dàng xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm của người dân, có thể khiến trẻ em bị dị tật bẩm sinh và người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe. Ngoài ra, chất thải điện tử tác động tiêu cực đến môi trường nước khi chất độc như thủy ngân, chì, asen, bari... có thể xâm nhập vào mạch nước ngầm và đi tới các ao, hồ…, động vật sinh sống dựa vào các nguồn nước này có thể bị bệnh, gây ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái; con người nếu sử dụng nguồn nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp như mắc bệnh ung thư, bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan... thậm chí tử vong. Cùng với đó, chất thải điện tử tác động tiêu cực đến không khí. Khi chất thải điện tử được xử lý tại bãi chôn lấp thông thường, chúng sẽ bị đốt bỏ bằng lò đốt tại chỗ. Quá trình này có thể giải phóng hydrocacbon trong khí quyển, gây ô nhiễm không khí, nếu con người và động vật hít thở trong bầu không khí này sẽ mắc các bệnh về hô hấp, tổn thương phổi, gan, mắc bệnh ung thư... Hơn nữa, những hydrocacbon này có thể góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính[4].

2. Vai trò, ý nghĩa của quản lý nhà nước về rác thải điện tử

            Quản lý nhà nước về rác thải điện tử là một nội dung quan trọng quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường, mà còn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, từ giai đoạn sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, đến hoạt động thương mại, sử dụng của người tiêu dùng và việc thải bỏ, tái chế chúng. Pháp luật bảo vệ môi trường hiện nay chủ yếu tập trung điều chỉnh giai đoạn sau thải bỏ và các quy định về tái chế. Việc quản lý nhà nước đối với rác thải điện tử, nhất là trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật giúp định khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất thiết bị điện tử, thải bỏ, tái chế rác thải điện tử; là cơ sở để các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tuân thủ, thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.

            Quản lý nhà nước đối với rác thải điện tử còn có các ý nghĩa quan trọng[5]:

Thứ nhất, ý nghĩa đối với nền kinh tế: việc quản lý rác thải điện tử trước hết là thực hiện mục tiêu phân loại chất thải rắn, giúp tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu đầu vào mới cho việc sản xuất thiết bị điện tử mới. Những vật liệu có giá trị cao, gồm kim loại thuộc nhóm bạch kim như palladi thường được sử dụng làm chất xúc tác cho pin nhiên liệu hydro hoặc trong bo mạch đều có khả năng thu hồi để phục vụ việc tái chế ở mức cao, lên tới 95%. Việc tận dụng các chất thải rắn có thể tái sinh tái chế giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững, giảm tải chi phí đầu vào. Thay vì khai thác tài nguyên để sử dụng, chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm tái sinh, tái chế này như một nguồn nguyên liệu thứ cấp.

Thứ hai, ý nghĩa đối với môi trường: việc quản lý rác thải điện tử giúp Nhà nước có thể tính toán được, phân loại, tái sử dụng chất thải rắn đúng mục đích, phù hợp có thể giảm được khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp, trong đó giảm các nguy cơ chôn lấp các hóa chất độc hại dưới lòng đất rỉ ra từ thiết bị điện tử, gây nguy hại đến môi trường đất, nước và không khí. Diện tích bãi chôn lấp thu hẹp sẽ góp phần hạn chế hiệu ứng nhà kính do khí của bãi chôn lấp.

Thứ ba, ý nghĩa đối với xã hội: hoạt động quản lý rác thải điện tử của nhà nước và xã hội góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

3. Chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử tại Việt Nam hiện nay

Việt Nam tham gia Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng ngày 13/3/1995. Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam ngày 11/6/1995. Kể từ khi phê chuẩn Công ước Basel cho đến nay, thông qua quy định pháp luật về môi trường, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một nước thành viên tham gia Công ước, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước và hợp tác quốc tế trong công tác quản lý chất thải nguy hại và ngăn chặn các hoạt động vận chuyển trái phép chất thải nguy hại xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, khung khổ pháp luật trong nước hiện hành về quản lý rác thải điện tử được khái quát cụ thể như sau:

Một là, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với các yêu cầu chung về quản lý rác thải điện tử phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (trách nhiệm chung của chủ nguồn thải và các chủ thể trong tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải; vận chuyển chất thải; quy định khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn).

Hai là, các quy định pháp luật tại Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 16/2010/TT-BKHCN và Thông tư số 21/2016/TT-BKHCN) quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thiết bị và điện tử. Đây là cơ sở điều chỉnh hành vi của chủ thể sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị điện, điện tử như chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chất lượng theo quy định.

Ba là, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg) quy định về việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm thiết bị điện, điện tử với nguyên tắc: không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp sau: (i) Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường; (ii) Không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Và chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, văn bản này cũng quy định về 2 tiêu chí cần đáp ứng khi nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, đó là: (i) Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm, trừ một số máy móc, thiết bị trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất và chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột giấy tuổi thiết bị không được vượt quá 20 năm; (ii) Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trường hợp không có quy chuẩn quốc gia liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

            Bốn là, để đảm bảo các chủ thể tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường và quản lý về rác thải điện tử, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm pháp lý của chủ nguồn thải khi vi phạm các quy định pháp luật về môi trường trong quản lý, phân loại, thu gom, tái chế rác thải điện tử thông qua các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm cảnh cáo, phạt tiền tối đa với cá nhân là 1 tỷ đồng và tổ chức là 2 tỷ đồng. Đồng thời, tùy theo loại vi phạm mà chủ nguồn thải còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng các loại giấy phép về môi trường có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn và các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng đối với hành vi vi phạm[6].

4. Thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử tại Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện

Thời gian qua, dù các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rác thải điện tử nói riêng đã đi vào đời sống nhưng vấn đề về thói quen tiêu dùng, nhận thức của người tiêu dùng về tác động tiêu cực của rác thải điện tử chưa đầy đủ, dẫn đến thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật về rác thải điện tử và quản lý rác thải điện tử vẫn còn tồn tại các bất cập sau đây:

Thứ nhất, khung khổ pháp lý quy định trực tiếp về rác thải điện tử vẫn chưa được định danh cụ thể. Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì đây được xem là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, khác với nhiều chất thải nguy hại khác phát sinh trong các hoạt động công nghiệp được nhận thức và xử lý thải bỏ theo quy định, rác thải điện tử lại xuất hiện khá phổ biến trong các hộ gia đình và sinh hoạt hàng ngày như pin, thiết bị điện, điện tử đã hết niên hạn sử dụng hoặc hư hỏng. Thói quen tiêu dùng của người Việt sẽ lưu trữ thiết bị này trong gia đình, hoặc thải bỏ nơi công cộng mà thiếu sự phân loại, thu gom theo quy định khi thải bỏ.

Chính vì vậy, nhóm tác giả cho rằng cần thiết phải có văn bản hướng dẫn quy định về loại chất thải điện tử, đồng thời quy định chỉ dẫn cách thức xử lý lưu trữ, phân loại, thải bỏ chúng chi tiết, nhất là chất thải điện tử trong hộ gia đình và sinh hoạt đời sống hàng ngày.

Thứ hai, khái niệm về “chủ nguồn thải” được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT xác định: “Chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải”. Cách định nghĩa này cùng với các quy định hiện hành dường như chỉ hàm ý chủ nguồn thải rác thải điện tử là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có khả năng phát thải chất thải nguy hại là điện, điện tử. Trong khi đó, việc thải bỏ thiết bị điện, điện tử của người tiêu dùng, họ có thể không phải là chủ nguồn thải, không sở hữu hợp pháp đối với rác thải điện tử, thì không thể áp dụng chế tài xử lý với tư cách là chủ nguồn thải.

Do vậy, kiến nghị khái niệm “chủ nguồn thải” cần được mở rộng, bao gồm các chủ thể là chủ sở hữu nguồn thải, đơn vị trung gian (phân phối, thương mại) và người tiêu dùng (người sử dụng chất thải điện tử). Đồng thời, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong mỗi khâu quản lý, sử dụng, thải bỏ chất thải điện tử.

Thứ ba, trong thực tiễn hiện nay, những người tháo dỡ vật liệu, sản phẩm thải bỏ là rác thải điện tử chủ yếu thực hiện thủ công việc tháo dỡ, bóc tách các kim loại có giá trị để bán, thông qua hoạt động thu gom “đồng nát”. Hoạt động lẻ, nhỏ này khiến việc quản lý nhà nước vô cùng khó khăn, vì thực tế người trực tiếp thu gom cũng chỉ thực hiện việc mua đi bán lại cho các cửa hàng thu mua mà không hiểu rõ quy định pháp luật về rác thải điện tử cần được thải bỏ, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt.

Do vậy, đối với nội dung này, bên cạnh việc bổ sung hành lang và cơ chế pháp lý ngăn chặn các hành vi thu gom, tái chế không đúng quy định, cần tăng cường tuyên truyền, nhận thức của những người mua rác thải điện tử ở khâu trung gian, điều này đồng thời cảnh báo tới họ về các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe khi thực hiện công việc thường xuyên tiếp xúc với rác thải nguy hại chứa các độc tố rò rỉ ra môi trường bên ngoài.

5. Kết luận

Rác thải điện tử là một loại rác thải nguy hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Do vậy, việc thực thi chính sách pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử vô cùng quan trọng và có tính cấp thiết. Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về rác thải điện tử, cần tăng cường các biện pháp đồng bộ trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới các tầng lớp nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cùng các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng nói chung về tác hại rác thải điện tử, bao gồm phổ biến các quy định pháp luật trong quản lý, lưu trữ, phân loại, thải bỏ, tái chế rác thải điện tử an toàn cũng như các chế tài xử lý hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền quản lý cũng cần nghiêm túc thực hiện việc xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm về quản lý rác thải điện tử, tuyên truyền qua các kênh thông tin truyền thông. Qua đó, nhận thức trong nhân dân về rác thải điện tử cũng sẽ ngày một rõ ràng hơn về loại rác thải nguy hại này.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:


[1] Bài viết là một phần của kết quả nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường: Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với rác thải điện tử tại Việt Nam của sinh viên Phùng Lữ Thế Hoài, do giảng viên Vũ Thị Nga hướng dẫn (Theo Quyết định số 543/MYH24/VHU/QĐ ngày 25/3/2024).

[2] Ngọc Lý (2020). Xin đừng vứt pin bừa bãi, Báo Tài nguyên và Môi trường. Truy cập tại: https://baotainguyenmoitruong.vn/xin-dung-vut-pin-bua-bai-317774.html.

[3] Hà Dung (2024). Thúc đẩy tái chế rác thải điện tử. Báo Nhân dân điện tử. Truy cập tại: https://nhandan.vn/thuc-day-tai-che-rac-thai-dien-tu-post808014.html.

[4] Chu Hải Ninh (2020). Rác thải điện tử, mối nguy toàn cầu. Truy cập tại: https://lhhkh.baclieu.gov.vn/-/r%C3%A1c-th%E1%BA%A3i-%C4%91i%E1%BB%87n-t%E1%BB%AD-m%E1%BB%91i-nguy-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u.

[5] Bộ Xây dựng (2018). Lợi ích của việc quản lý rác thải điện tử. Truy cập tại: https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/14710/loi-ich-cua-viec-quan-ly-va-xu-ly-chat-thai.aspx.

[6] Chính phủ (2022). Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14) ngày 17/11/2020.2.     
2. Quốc hội (2012). Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số 15/2012/QH13) ngày 20/6/2012.3.       
3. Quốc hội (2020). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số 67/2020/QH14) ngày 13/11/2020.4.       
4. Chính phủ (2022). Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.5.       
5. Chính phủ (2015). Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.6.       
6. Chính phủ (2019). Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg) quy định về việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về mẫu biểu quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác.
8. Bộ Khoa học và Công nghệ (2009). Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 16/2010/TT-BKHCN và Thông tư số 21/2016/TT-BKHCN) về Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn thiết bị và điện tử.
9.Chu Hải Ninh (2020). Rác thải điện tử, mối nguy toàn cầu.
10.   Hà Dung (2024). Thúc đẩy tái chế rác thải điện tử. Báo Nhân dân điện tử. Truy cập tại: https://nhandan.vn/thuc-day-tai-che-rac-thai-dien-tu-post808014.html.
11.   Ngọc Lý (2020). Xin đừng vứt pin bừa bãi, Báo Tài nguyên và Môi trường. Truy cập tại: https://baotainguyenmoitruong.vn/xin-dung-vut-pin-bua-bai-317774.html.
12.   Bộ Xây dựng (2018). Lợi ích của việc quản lý rác thải điện tử. Truy cập tại: https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/14710/loi-ich-cua-viec-quan-ly-va-xu-ly-chat-thai.aspx.
 

The implementation of policies and regulations on state management

in electronic waste management in Vietnam

Master. Vu Thi Nga1

Phung Lu The Hoai2

1Lecturer, Van Hien University

2Student, Van Hien University

Abstract:

Electronic waste is not a new issue in the world, including in Vietnam. This study presented the concept and characteristics of electronic waste, pointed out the role of state management in electronic waste management, and introduced Vietnam’s policies and regulations on state management in electronic waste management. Based on the practical implementation of policies and laws, this study proposed some solutions to strengthen state management in electronic waste management in order to prevent and minimize the harmful impacts of electronic waste on the environment and human health in the coming time.

Keywords: electronic waste, electrical and electronic equipment, state management, environmental protection.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]