Tóm tắt:
Tác động trực tiếp của thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức trong phát triển du lịch biển bền vững. Sử dụng tiếp cận tăng trưởng xanh trong du lịch, bài viết này phân tích và xác định mô hình sự kiện thể thao xanh, trong du lịch ven biển, có vai trò nâng cao nhận thức, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và nâng cao trách nhiệm xã hội các bên liên quan. Bài viết tổng hợp các nghiên cứu về sự kiện xanh và kinh nghiệm thực tiễn du lịch biển liên quan, đề xuất mô hình phát triển du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh, bao gồm 4 nội hàm chính: đổi mới sáng tạo, giáo dục, bảo tồn và thực hành xanh.
Từ khóa: du lịch biển, sự kiện thể thao xanh, mô hình.
1. Đặt vấn đề
Ngành Du lịch cả nước đang phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2022 đến nay, chương trình thực hiện kế hoạch thích ứng linh hoạt và phục hồi trong hoạt động du lịch, phát triển thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đã được ngành Du lịch triển khai. Với những chính sách thị thực thông thoáng, các địa phương chủ động, sáng tạo trong các hoạt động xúc tiến, truyền thông các chương trình kích cầu nhằm thu hút du khách, từ đó đã dần thay đổi tâm lý ”ngại” tiếp xúc do ảnh hưởng của Covid kéo dài, tăng nhu cầu đi du lịch trở lại của du khách, ngành Du lịch cả nước cũng đã có những tăng trưởng ấn tượng. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 do Tổng cục Thống kê (2023) công bố, trong 3 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2.699.500 lượt, tăng gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022, bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2023 ước đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2023 ước đạt 6.800 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2022.
Du lịch biển ngày càng có sức hút với du khách bởi nhu cầu tăng trải nghiệm với thiên nhiên, với biển xanh, gắn với các sự kiện thể thao tác động tích cực đến tinh thần và sức khỏe của du khách tại điểm đến du lịch biển. Các sản phẩm du lịch của những địa phương ven biển đa dạng khi kết hợp các mô hình tham quan kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực ven biển; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và thể thao biển. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch biển gắn với sự kiện thể thao, văn hóa, ẩm thực… còn mang tính đơn lẻ, chưa mang tính kết nối tương hỗ trong phát triển giữa các sự kiện, hoạt động, nhằm hạn chế các tác động của hoạt động du lịch đến ô nhiễm môi trường biển. Sự liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan, trong đó có sự gắn kết tham gia của cộng đồng địa phương trong các chương trình, không gian sự kiện thể thao biển nhằm tăng nhận thức về thông điệp “thân thiện môi trường” chưa hiệu quả. Thông qua phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết theo tiếp cận sự kiện, du lịch biển theo hướng tăng trưởng xanh và các nghiên cứu quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn liên quan, bài viết đề xuất mô hình phát triển du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh trong phát triển bền vững.
2. Mô hình lý thuyết về du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh
2.1. Du lịch biển (Coastal tourism)
Du lịch biển là một trong những loại hình du lịch diễn ra nhằm thỏa mãn nhu cầu về với thiên nhiên của con người. Cụ thể hơn, đây là hình thức du lịch khai thác môi trường biển gồm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa tại địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho du khách hòa mình với thiên nhiên và còn có sự tham gia của khách du lịch, điểm đến và cộng đồng địa phương (Miller và Hadley, 2005). Hầu hết các hoạt động chính của du lịch biển diễn ra dọc theo bờ biển, ven biển, bao gồm dưới nước và trên bờ, ngoài trời và trong nhà, bao gồm các hoạt động sự kiện, giải trí, thể thao, vui chơi và kinh doanh gắn liền với sự phát triển kinh tế biển. Một trong những điểm thu hút của du lịch biển là sự kiện thể thao biển. Thể thao biển được xem là một hoạt động có lợi cho thể chất và tinh thần cho cộng đồng người tham gia từ hoạt động thi đấu, giải trí, được tổ chức trong môi trường biển làm nền tảng, nhằm thỏa mãn nhu cầu tham gia một số môn thể thao của du khách, cả cho người đến xem thể thao, thu hút sự quan tâm, tham gia đồng thời của cộng đồng địa phương. Qua đó, du lịch biển kết hợp với các sự kiện, nhất là các sự kiện thể thao biển, thường thu hút được một lượng lớn du khách đến nơi tổ chức sự kiện, mang đến những lợi ích kinh tế nhất định cho địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề của du lịch biển cần được giải quyết là mâu thuẫn giữa những lợi ích mà du lịch mang lại cho toàn bộ nền kinh tế và cho môi trường, xã hội tại điểm đến, cũng như các tác động đối với môi trường tự nhiên biển về mặt phát triển bền vững. Các vấn đề có thể kể đến bao gồm: đô thị hóa, tăng lượng chất thải, mất bản sắc và giá trị văn hóa xã hội. Chiu và cộng sự (2020) cho rằng, phát triển du lịch biển với các sản phẩm nghỉ dưỡng gắn với sự kiện thể thao biển cần phải đo lường đến các tác động môi trường từ hoạt động du lịch như: Ảnh hưởng hệ sinh thái; Ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng; Tiêu hao tài nguyên thiên nhiên; Phát thải khí nhà kính; Ô nhiễm đất và nước; Phát sinh chất thải từ việc xây dựng cơ sở vật chất và từ du khách và khán giả.
Do đó, xanh hóa các hoạt động, sự kiện trong du lịch biển sẽ góp phần giúp du lịch biển giảm thiểu tác động đến môi trường biển, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Những thực hành xanh, như sự kiện xanh, là cần thiết nhằm tăng khả năng thích ứng của du lịch biển, nhất là đem lại hiệu quả sử dụng nguồn lực và tác động tích cực lên hệ sinh thái và cộng đồng địa phương. Thêm vào đó, các cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng được xanh hóa cho sự kiện xanh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững trong du lịch biển (Merli và cộng sự, 2019).
2.2. Sự kiện xanh (green events)
Một sự kiện, hoạt động được coi là xanh, khi nó đảm bảo được các đầu ra về đổi mới sáng tạo, giáo dục và bảo tồn về môi trường tại nơi sự kiện, hoạt động đó diễn ra (Goldblatt, 2011). Sự kiện xanh là thuật ngữ chỉ những sự kiện chương trình có sử dụng những yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thông qua sự kiện xanh, người tham dự có cơ hội học hỏi về kiến thức xanh, nâng cao nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường, thực hiện các thực hành xanh gắn liền với xu hướng bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh (Trịnh Thị Thu và Đinh Thế Toàn, 2022).
Sự kiện xanh trong du lịch thường được kết hợp với các mục tiêu, chính sách, yêu cầu về sử dụng các nguồn lực bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường từ trong quản lý và tổ chức thực hiện, vận hành sự kiện, giảm thiểu/hạn chế các tác động tiêu cực đến văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường của điểm đến du lịch (Chiu và cộng sự, 2020). Các nhà tổ chức sự kiện xanh nên thực hiện các thực hành xanh nhằm giảm tác động đến môi trường, thông qua các bước của chiến lược quản lý từ lên kế hoạch, tổ chức, quản lý thực hiện và kiểm tra đánh giá nhằm tận dụng các tài nguyên phục vụ tổ chức sự kiện một cách hiệu quả (Ahmad và cộng sự, 2013).
Việc triển khai sự kiện xanh trong hoạt động du lịch biển mang lại nhiều tác động tích cực đến môi trường và đến cộng đồng địa phương, hướng đến mục tiêu chính là giảm các tác động tiêu cực đến môi trường khi tổ chức sự kiện để bảo vệ môi trường của điểm đến; theo đuổi mục tiêu bền vững môi trường toàn cầu, thúc đẩy bền vững; đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và toàn vẹn môi trường. Như vậy, cộng đồng có thể được hưởng lợi về mặt kinh tế, sức khỏe môi trường, giảm căng thẳng đối với cơ sở hạ tầng công cộng và lợi ích lâu dài của cơ sở vật chất, mang lại một hình ảnh thương hiệu tốt cho điểm đến.
2.3. Sự kiện thể thao xanh (Green sport events)
Sự kiện thể thao xanh là một phần của sự kiện xanh. Sự kiện thể thao là một hình thức sự kiện phổ biến và thường thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến sự kiện, nhất là các sự kiện thể thao biển. Tuy nhiên, các sự kiện thể thao có tác động lớn đến môi trường thông qua tăng lượng lớn du khách là các huấn luyện viên, vận động viên và người hâm mộ. Kết quả là việc tăng lượng xả thải ra môi trường trong quá trình lưu trú và di chuyển của lượng du khách trên trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao. Theo Soritiadou và Hill (2015), để giảm thiểu các tác động trên thì sự kiện thể thao cần phải xanh hơn, thông qua cung cấp và vận hành các hoạt động, sản phẩm phù hợp, thân thiện với môi trường, hay còn gọi là thực hành xanh.
Việc tích hợp các thực hành xanh vào sự kiện thể thao cũng như quảng bá thông điệp xanh của sự kiện thể thao là yếu tố thu hút du khách có nhận thức về khái niệm xanh, muốn tham gia vào những nơi có thể giúp họ thực hiện các thực hành xanh. Đây có thể được xem là yếu tố động lực để các doanh nghiệp du lịch nói riêng và các bên tổ chức nói chung thể hiện các hành động sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách. Do đó, tổ chức sự kiện thể thao xanh, ngoài việc thể hiện trách nhiệm và thông điệp bảo vệ thiên nhiên, còn phải có khả năng tạo ra môi trường thực hành xanh trong các hành động của các đối tượng giam gia, cũng như tác động và giáo dục thái độ, hành vi thân thiện, bảo vệ môi trường và lối sống xanh của người tham gia.
Các sự kiện thể thao xanh có khả năng thu hút du khách vì hai lý do. Đầu tiên là thỏa mãn niềm đam mê đối với bộ môn thể thao yêu thích. Thứ hai là thỏa mãn nhu cầu về thực hành xanh, bao gồm cơ hội tham gia vào các hoạt động thân thiện với môi trường và tăng cường kiến thức thông qua học hỏi các sáng kiến xanh. Do đó, tổ chức sự kiện thể thao xanh cần phải được các bên liên quan đảm bảo các nguyên tắc: (1) quản lý giao thông xanh, (2) sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả, (3) mua sắm tiêu dùng xanh, (4) quảng bá xanh, (5) quản lý tài nguyên hiệu quả, (6) quản lý chất thải (Ramely và cộng sự, 2021). Ví dụ, các thực hành xanh như sử dụng không gian mạng trong phát hành thư mời và tiến hành quảng bá sự kiện, liên lạc xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc đơn giản là giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình diễn ra sự kiện. Theo đó, với cuộc cách mạng 4.0 công nghệ có vai trò trong đổi mới sáng tạo, trong tổ chức sự kiện xanh, thông qua áp dụng công nghệ trong các khâu tổ chức sự kiện nhằm giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên và xả thải.
2.4. Mô hình du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh
Mô hình phát triển du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh được tổ chức theo hướng tiếp cận du lịch xanh, gắn kết với các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển khác của địa phương (Merli và cộng sự, 2019). Các ý tưởng sáng tạo về sử dụng “tài nguyên xanh” và thực hành xanh được phát triển đồng thời trong một sự kiện thể thao xanh với sự tham gia của các bên liên quan trước, trong và sau quá trình lập kế hoạch và tổ chức sự kiện. Các bên liên quan bao gồm khu vực công, khu vực tư nhân, cộng đồng địa phương, vận động viên và du khách. Sự tham gia đồng thời của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp là yêu cầu của một điểm đến thân thiện. Trong khi chính sách và hệ thống cơ sở hạ tầng, như hệ thống giao thông, chiếu sáng và cảnh quan tại điểm đến thuộc về trách nhiệm của khu vực công, trách nhiệm đầu tư cho du lịch, ví dụ cơ sở vật chất, lưu trú, dịch vụ ăn uống, loại hình du lịch và nguồn nhân lực phần lớn tập trung ở khu vực tư nhân. Cộng đồng địa phương đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tăng các giá trị và bản sắc của địa phương trong sự kiện. Trong khi đó, vận động viên, người hâm mộ và những người đam mê thể thao là những người tham gia chính trong các sự kiện thể thao xanh (Herstein và Jaffe, 2008).
Như vậy, sự kiện thể thao xanh không chỉ nhằm thỏa mãn niềm đam mê thể thao của người tham gia, mà còn tạo ra một môi trường thực hành xanh và 3 giá trị: (1) đổi mới sáng tạo, (2) giáo dục, và (3) bảo tồn. Đây là sự kết hợp các yếu tố phát triển của phát triển bền vững, du lịch biển, các sự kiện thể thao và các hoạt động xanh. Nội dung mô hình sự kiện thể thao xanh được minh họa trong Hình 1.
Hình 1: Mô hình du lịch biển và sự kiện thể thao xanh
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
Đổi mới sáng tạo: Sự kiện thể thao xanh là nơi cho phép các ý tưởng xanh được thúc đẩy, khai thác một cách sáng tạo dựa trên các công nghệ xanh mới nổi và áp dụng vào việc tổ chức sự kiện một cách chiến lược, nhằm thể hiện năng lực bảo vệ môi trường thông qua tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm tác động đến môi trường (Chiu và cộng sự, 2020).
Giáo dục: Sự kiện xanh, cụ thể là sự kiện thể thao xanh, là nơi tạo ra và truyền tải những thông điệp liên quan đến bảo vệ môi trường, kèm theo đó là những trải nghiệm đáng nhớ về thực tiễn thực hành xanh, từ đó xây dựng nên ý thức và thúc đẩy hành vi của các đối tượng tham gia trong việc bảo vệ môi trường. Wong và cộng sự (2015) đã tìm ra rằng giá trị của một sự kiện xanh được gia tăng cùng với số lượng của các sáng kiến xanh trong sự kiện. Thêm vào đó, sự kiện xanh đem đến cho những người quan tâm đến môi trường và các hành vi bền vững cơ hội học hỏi và ứng dụng các kiến thức xanh trong thực tế.
Bảo tồn: Một trong những kết quả của sự kiện xanh là tác động đến môi trường được giảm thiểu. Sự kiện thể thao xanh trong du lịch biển cần thể hiện trách nhiệm bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch tại điểm đến cũng như giảm thiểu chất thải ra môi trường biển. Kết quả này chỉ về hiệu quả và hiệu suất của việc sử dụng các nguồn tài nguyên, như năng lượng, thực phẩm, đồ tiêu dùng và mức độ tác động đến môi trường biển ở nơi tổ chức thấp hoặc không có trong quá trình tổ chức sự kiện thể thao xanh.
Thực hành xanh: Sự kiện thể thao xanh thể hiện tính xanh không phải môn thể thao mà là trong quy trình tổ chức, quản lý, vận hành sự kiện. Tuy nhiên, so với các sự kiện khác, sự kiện thể thao còn thu hút thêm các đối tượng là vận động viên, người hâm mộ và người yêu thể thao (Herstein và Jaffe, 2008). Như vậy, các tiêu chí của sự kiện thể thao xanh trong khi phải đảm bảo các nguyên tắc xanh, còn phải lưu ý các vấn đề về số lượng du khách tăng đột biến làm gia tăng áp lực cho môi trường. Do đó, để đảm bảo phát triển được một sự kiện thể thao xanh cho du lịch biển, quản lý sự kiện nên kết hợp các thực hành xanh để tạo ra một sự kiện thân thiện với môi trường, quy định chính sách hướng đến môi trường, thúc đẩy hành vi đạo đức đối với thiên nhiên, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và xả thải, cũng như tối đa các kết quả về quảng bá hình ảnh và sự hài lòng của du khách.
3. Các giải pháp chính trong phát triển du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh
Để phát triển mô hình du lịch biển gắn với sự kiện thể thao xanh, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cần tập trung, đó là:
Xây dựng và triển khai kế hoạch chương trình, tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị, thông điệp sự kiện xanh trước, trong và sau sự kiện. Về các sự kiện thể thao xanh, hợp tác công tư giữa các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, các cơ sở thể thao, trung tâm đào tạo thể thao và sự kiện du lịch đảm bảo sự phân công, phối hợp hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong thực hiện thực hành xanh, bảo vệ môi trường du lịch biển.
Tăng cường nhận thức của các bên liên quan về lợi ích của sự kiện thể thao xanh. Xây dựng lộ trình, tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực xanh cho cấp quản lý, điều hành kinh doanh, đến người thực hiện trực tiếp tại sự kiện thể thao xanh. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch ven biển.
Thu hút, xúc tiến và phối hợp cơ với các tổ chức uy tín trong và ngoài nước trong đấu thầu tổ chức sự kiện để đảm bảo thành công trong việc lập kế hoạch và triển khai sự kiện theo đúng các mục tiêu của sự kiện thể thao xanh trong du lịch ven biển.
Liên kết bền vững trong huy động nguồn lực phát triển sự kiện thể thao xanh. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và thể thao để tạo thành chuỗi chuyên nghiệp nhằm nâng cao sức hút của các sự kiện thể thao biển. Đảm bảo sinh kế của cộng đồng địa phương thông qua tạo vai trò liên kết, tạo hiệu ứng lan tỏa đến du khách về bảo vệ môi trường du lịch bằng hành vi tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm sản xuất tại địa phương và sản phẩm thân thiện môi trường.
Tài liệu tham khảo:
- Trịnh Thị Thu, Đinh Thế Toàn. (2022). Phát triển sự kiện xanh gắn với du lịch bền vững tại thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Văn hóa học. 5(63), 69-84.
- Tổng cục Thống kê. (2023). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/03/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-nam-2023/.
- Ahmad, N. L., Rashid, W. E. W., Abd Razak, N., Yusof, A. N. M., & Shah, N. S. M. (2013). Green event management and initiatives for sustainable business growth. International Journal of Trade, Economics and Finance, 4(5), 331.
- Chiu, L. K., Ramely, A., & Abdul Wafi, A. (2020). Make green growth a priority: issues and challenges in organising green sports tourism events. Malaysian Journal of Sustainable Environment, 7 (1), 53.
- Goldblatt, J. (2011). Special Events: A New Generation and the Next Frontier (6th Ed.). New Jersey: John Wiley & Sons, Inc.
- Herstein, R., & Jaffe, E. D. (2008). Sport hospitality as a business strategy. Journal of Business Strategy, 29(6), 36-43.
- Merli, R., Preziosi, M., Acampora, A., Lucchetti, M. C., & Ali, F. (2019). The impact of green practices in coastal tourism: An empirical investigation on an eco-labelled beach club. International Journal of Hospitality Management, 77, 471-482.
- Ramely, A., Talib, M. F. A., Radha, J. Z. R. R. R., & Mokhtar, M. F. (2021). Green Event Practices: Understanding the Adaptation of Event Organisers Through a Systematic Review. Malaysian Journal of Sustainable Environment, 9 (1), 119-140.
- Sotiriadou, P., & Hill, B. (2015). Raising environmental responsibility and sustainability for sport events: A systematic review. International journal of event management research, 10(1), 1-11.
- Trinh, T. T., & Dinh, T. T. (2022). Sustainable Tourism through Green Event Perspectives in Danang City: Challenges and Solutions. International Journal of Community Service & Engagement, 3(2), 52-67.
- Wong, I. A., Wan, Y. K. P., & Qi, S. (2015). Green events, value perceptions, and the role of consumer involvement in festival design and performance. Journal of Sustainable Tourism, 23 (2), 294-315.
- Miller, M.L., & Hadley, N.P. (2005). Tourism and Coastal Development. In: Schwartz, M.L. (eds) Encyclopedia of Coastal Science. Encyclopedia of Earth Science Series. Springer, Dordrecht. https://doi.org/10.1007/1-4020-3880-1_328.
DEVELOPMENT MODEL OF THE COASTAL TOURISM’S GREEN SPORTS EVENTS
Ph.D Trinh Thi Thu1
Master. Dinh The Toan1
1Vietnam Academy of Social Sciences
Abstract:
The direct impacts of natural disasters, climate change, and the COVID-19 pandemic have posed challenges to sustainable coastal tourism development. Based on the green growth in tourism approach, this study analyzes and identifies a model for the development of coastal tourism’s green sports events. These events play a significant role in raising awareness and conserving marine resources and the environment, bringing economic benefits to the local community, and enhancing the social responsibilities of stakeholders. This study also summarizes research results on green events and related practical experiences of coastal tourism. The study’s proposed model of coastal tourism development associated with green sports events has four main contents, including innovation, education, conservation, and green practice.Keywords: coastal tourism, green sport events, model.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]