Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng

Đề tài Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng do NGUYỄN TRUNG SƠN (Giám đốc Hợp tác xã Enna Glamping Suối Giàng) - TS. HOÀNG SĨ THÍNH (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - ThS. PHẠM XUÂN PHÚ (Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết này phân tích về tiềm năng du lịch văn hóa, đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững trên địa bàn xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Suối Giàng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo, như: các lễ hội đầu năm, các loại hình nghệ thuật, các món ăn truyền thống, đặc biệt là không gian văn hóa gắn với cây chè Shan tuyết.... Nhưng, đến nay, du lịch văn hóa tại Suối Giàng vẫn chưa thật sự phát huy các tiềm năng. Để Suối Giàng trở thành điểm đến của du khách, cần bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc trưng của Suối Giàng; đẩy mạnh phát triển văn hóa trà trong sản phẩm du lịch cấp điểm đến Suối Giàng; cải thiện chất lượng các cơ sở lưu trú; hỗ trợ phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Từ khóa: tiềm năng, phát triển du lịch, du lịch văn hóa, Suối Giàng.

1. Đặt vấn đề

Du lịch có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo ở Việt Nam, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Phát triển du lịch văn hóa bền vững là một hướng phát triển quan trọng của mỗi vùng đất và địa danh mà ở đó có những giá trị đặc trưng riêng không phải nơi nào cũng có thể có được, đặc biệt khi kết hợp với nét đặc trưng của văn hóa bản địa sẽ góp phần tạo sinh kế cho những người dân nơi đó và nâng cao thu nhập. Xã vùng cao Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một minh chứng.

Suối Giàng có diện tích tự nhiên hơn 5.920 ha, nơi có 4 dân tộc người Mông, Kinh, Tày và Dao sinh sống, trong đó trên 98% là người dân tộc Mông. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo như các lễ hội đầu năm, các loại hình nghệ thuật, các món ăn truyền thống, đặc biệt là không san văn hóa gắn với chè Shan tuyết... Đây chính là sự khách biệt tạo nên cho Suối Giàng những tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa. Trong những năm gần đây, nhờ có đầu tư của doanh nghiệp và công tác truyền thông, Suối Giàng - Văn Chấn bắt đầu được du khách biết đến và đến thăm, bước đầu góp phần cải thiện thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, lượng khách đến Suối Giàng vẫn còn rất khiêm tốn, thời gian lưu trú ngắn và chi tiêu còn thấp. Đây là vấn đề cần phải được xem xét nghiên cứu, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa bền vững trong thời gian tới.

2. Khái niệm và nội hàm phát triển du lịch văn hóa bền vững

Theo Luật Du lịch năm 2017: “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống”.

Còn theo quan niệm của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO: “Du lịch văn hóa là những chuyến đi mà mục đích chính hoặc mục đích bao gồm trong đó là thăm các địa điểm, sự kiện mà giá trị văn hóa, lịch sử của chúng khiến chúng trở thành một phần trong di sản văn hóa của một cộng đồng”.

Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống dân tộc, võ thuật, phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực, di sản văn hóa vật thể như các công trình kiến trúc như đình, chùa, đền, lăng tẩm, thành cổ, cố đô... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục, tập quán bản địa thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Du lịch văn hóa có nghĩa tiếp cận văn hóa từ du lịch, thông qua du lịch, thực chất là việc khai thác và biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Du lịch văn hóa là một sản phẩm kinh doanh nên đó là sản phẩm hàng hóa hay nói đúng hơn là sản phẩm hàng hóa văn hóa, một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, qua tiêu thụ không hề mất đi như những sản phẩm hàng hóa vật chất khác mà còn được nhân lên về mặt giá trị tinh thần và hiệu quả xã hội.

Như vậy, du lịch văn hóa bền vững chính là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, nhằm đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu của du khách mà vẫn bảo tồn và phát huy giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc.

3. Tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch văn hóa bền vững

3.1. Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa bền vững

Gần đây, du lịch Suối Giàng đã được biết đến rộng rãi hơn nhờ sự quan tâm phát triển của chính quyền địa phương, đồng thời là sự ghi nhận của thế giới về những nét văn hóa đặc trưng, những sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhân loại như nghệ thuật múa xòe truyền thống của người Thái, Nghệ thuật múa khèn của người Mông… Và gần đây là nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh vừa được công nhận là sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người đồng bào Mông nơi đây vẫn còn lưu giữ được những sản phẩm truyền thống đặc trưng như các hoạt động văn hóa lễ hội đầu năm và cuối năm như ném Pao, đẩy gậy, đánh quay, giã bánh dày, hay món ăn mèn mén… Và đặc biệt là nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh đang được quan tâm gìn giữ và phát triển. Những hoa văn họa tiết của các tác phẩm được làm ra từ bàn tay những thiếu nữ trẻ và những người phụ nữ Mông tại Suối Giàng thường được dùng để làm các họa tiết trên những bộ trang phục của họ và mỗi loại hoa văn họa tiết đều có những câu chuyện và ý nghĩa riêng, thường gắn liền với đời sống thường nhật, hay các sự vật hiện tượng xung quanh…

Du khách khi đến Suối Giàng được tham gia trải nghiệm vào các hoạt động hàng ngày của người dân bản địa như nấu ăn, làm nương làm vườn, hái chè, sao chè,… cũng như được tham dự các khóa học và chương trình trải nghiệm vẽ sáp ong, nấu món ăn truyền thống như mèn mén, dệt vải thổ cẩm, thêu tay, làm rèn kim loại...

3.2. Thực trạng và thách thức phát triển du lịch văn hóa bền vững

Việc kết hợp giữa văn hóa và du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra tính hấp dẫn riêng có của du lịch. Phát triển du lịch văn hóa bền vững vừa bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa nhằm hướng tới việc phát triển du lịch bền vững. Những năm gần đây, Suối Giàng có sự đầu tư mạnh mẽ nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với các điểm du lịch văn hóa và kinh doanh dịch vụ, hướng tới các dịch vụ du lịch xanh, bản sắc. Tiêu biểu với các sản phẩm du lịch văn hóa bản địa sau:

+ Tour điền dã thăm làng dân tộc Mông tại Suối Giàng: Tìm hiểu về văn hóa, phong tục và đời sống của người dân địa phương. Với hơn 98% người dân tại Suối Giàng là người đồng bào dân tộc Mông, bên cạnh đó khoảng gần 2% là người dân tộc Kinh, Dao và Tày… Du khách có thể trải nghiệm tham quan không gian sinh sống của nhà truyền thống người Mông, là dạng nhà gỗ chôn cột, mái bằng gỗ pơ mu… Trải nghiệm tìm hiểu về nghề vẽ sáp ong trên vải lanh truyền thống và nhuộn vải. Và có thể được tham gia vào ngày lễ “Làm Lý”, đặc trưng riêng có của mỗi gia đình người Mông nơi đây.

+ Thưởng thức ẩm thực địa phương: Khám phá các món ăn độc đáo như lẩu ếch Suối Giàng, cá hấp lá trà, hay gà nướng trúc, măng sặt luộc chấm mẻ, các món nướng cuộn lá trà... Hay đặc trưng là các món rau rừng theo mùa…

+ Tham gia nhiều hoạt động vui chơi: Tận hưởng cuộc sống nông thôn, tham gia các hoạt động như hái trà, thăm vườn trà, thăm quan xưởng trà và trải nghiệm làm trà thủ công… Đặc biệt vào những ngày tết cổ truyền du khách sẽ được tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ…

+ Tham gia lớp học pha trà và thưởng thức các sản phẩm trà Shan tuyết truyền thống đặc trưng tại các điểm sản xuất hoặc kinh doanh trà nơi đây. Trải nghiệm các hoạt động văn hóa liên quan đến cây trà như: nghi lễ cúng tế cây chè tổ, lễ hội Tôn vinh cây chè Shan tuyết cổ thụ…

* Về cơ sở lưu trú: Hiện nay, tại Suối Giàng có trên 10 cơ sở lưu trú, chủ yếu là homestay, glamping như: Homestay: ChuLienHome (khả năng đón 50 khách), Bản Giàng Chân Mây (khả năng đón 30 khách), Homestay Phố Núi (khả năng đón 30 khách), Homestay bản mới (khả năng đón 30 khách), Suối Giàng Green (khả năng đón 50 khách), NahiVillage (khả năng đón 100 khách), Enna Glamping (khả năng đón 50 khách), Homestay Thác Chử Lầu (khả năng đón 30 khách), Suối Giàng SkyGate (khả năng đón 30 khách), Homestay Mị (khả năng đón 30 khách)…; Glamping: Enna Glamping (khả năng đón 20 khách), Niềm Mơ Campsite (khả năng đón 30 khách).

Du lịch Suối Giàng đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên số sản phẩm du lịch văn hóa còn ít, số cơ sở cung cấp các sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa có những cơ sở lưu trú chất lượng cao. Bên cạnh đó, sức ép cạnh trạnh lớn của các điểm du lịch tương đồng và nền kinh tế thị trường đang ngày càng lấn lướt những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những thách thức lớn cho địa phương cũng như người dân và những đơn vị làm du lịch tại nơi đây. Việc sử dụng những kiến trúc nhà gỗ chôn cột của người Mông, những nếp mái gỗ pơ mu hay mái cọ cũng đang dần bị mai một, để thay vào đó là những căn nhà xây tường gạch hiện đại làm giảm đi sức hút của du khách khi mong muốn đến để được trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng truyền thống.

4. Các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng

4.1. Định hướng phát triển du lịch của huyện Văn Chấn

Phát triển du lịch bền vững và du lịch xanh, lấy chất lượng và sự hài lòng của du khách làm đầu, lợi ích của doanh nghiệp và đồng bào các dân tộc làm trọng, lấy hiệu quả kinh tế và xã hội làm thước đo thành công, bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường làm điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch.

Phát triển du lịch về chiều sâu, coi trọng chất lượng hơn số lượng, thúc đẩy khách du lịch ở lại nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến.

Phát triển du lịch phải tối đa hóa cơ hội và lợi ích từ du lịch cho cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương và các nhóm yếu thế khác như người nghèo, phụ nữ và người có khuyết tật. Cần tạo cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số bản địa được tham gia và hưởng lợi từ du lịch.

Phát triển du lịch huyện Văn Chấn phải đặt trong mối quan hệ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của huyện, phát triển du lịch chung vùng miền tây Yên Bái, quy hoạch chung của tỉnh và xu thế phát triển du lịch vùng Tây Bắc theo hướng liên kết sản phẩm, liên kết không gian du lịch.

Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài huyện để tạo bước đột phá phát triển du lịch; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đồng bộ, có sức hấp dẫn cao.

4.2. Một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng

Thứ nhất, bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc trưng của Suối Giàng.

Để bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc trưng của Suối Giàng, đã có những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về du lịch chung tay cùng với địa phương và bà con đồng bào Mông tổ chức các hoạt động kết hợp du lịch và trải nghiệm văn hóa bản địa như vẽ sáp ong, làm trà Shan tuyết, hay tổ chức các hoạt động điền dã, tham gia vào các hoạt động thường nhật của người dân để có thể hiểu thêm những nét văn hóa đặc trưng nơi đây.

Về lâu dài, để công tác bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc trưng mang tính bền vững, mỗi người dân Suối Giàng cần hiểu rõ sự quan trọng của những giá trị văn hóa vốn có của đồng bào mình. Đặc biệt, để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và phát triển du lịch, lớp trẻ cần được đào tạo và hướng dẫn để hiểu thêm về những kiến thức và văn hóa dân tộc mình, cũng như được rèn dạy các kỹ năng về giao tiếp, ngoại ngữ, những kỹ năng sống để có thể tự tin nói chuyện hay chia sẻ với du khách trong nước và quốc tế khi đến với Suối Giàng. Các đơn vị làm du lịch cần được hướng dẫn để tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch tương tác như: tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và có trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển văn hóa trà trong sản phẩm du lịch cấp điểm đến Suối Giàng.

Xây dựng sản phẩm trải nghiệm du lịch chè Suối Giàng, bao gồm các thông tin giới thiệu lịch sử trà, quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến trà, công dụng trà và “thưởng trà” tại rừng chè cổ thụ; Nghiên cứu phục dựng mô hình sao chè/chế biến chè thủ công để phục vụ cho nhóm đối tượng ưa thích trải nghiệm (dành cho học sinh, gia đình); Nhân rộng không gian thưởng trà phục vụ các nhóm khách nhỏ bình dân ở các homestay, nhà nghỉ, khách sạn ở Suối Giàng. Khách đến là mời trà mà không phải café hay nước lọc, đưa các câu chuyện về trà tới cho khách…

Thứ ba, cải thiện chất lượng cơ sở lưu trú.

Tư vấn cho các cơ sở kinh doanh cải thiện cơ sở vật chất, nâng cấp và trang trí không gian, hình ảnh theo hướng gần gũi với thiên nhiên và môi trường, đảm bảo phòng ốc và trang thiết bị đáp ứng tối thiểu theo tiêu chuẩn, sạch sẽ, thoáng mát. Thúc đẩy đầu tư các mô hình lưu trú có chất lượng cao, nâng cao chất lượng homestay cộng đồng.

Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật thiết kế cảnh quan, tiểu cảnh chụp ảnh, các hoạt động trải nghiệm văn hóa cộng đồng…

Tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch cộng đồng (bao gồm: vận hành homestay, nấu ăn, hướng dẫn tại điểm, vận chuyển du lịch, sơ cấp cứu, kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng…).

Thứ tư, hỗ trợ phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng của đồng bào dân tộc thiểu số theo mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay); khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn khách du lịch khi tới tham quan, lưu trú tại các bản làng, điểm du lịch ở vùng dân tộc thiểu số tuân thủ và tôn trọng phong tục tập quán, lối sống và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

5. Kết luận

Suối Giàng đã và đang phát huy tiềm năng thế mạnh, đi đôi với gìn giữ, khai thác giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng riêng của địa phương để phát triển du lịch văn hóa bền vững. Quá trình này đòi hỏi có sự thông hiểu, chung sức và quyết tâm lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Luật Du lịch 2017.
  2. Bùi Minh, (2023), Yên Bái: Huyện Văn Chấn phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/45808
  3. Hồng Duyên, (2023), Trải nghiệm Suối Giàng, Yên Bái, truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/38093
  4. Nguyễn Đình Hòa, (2016), Phát triển du lịch bền vững với du lịch văn hóa. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Phát triển du lịch bền vững: Vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Potential and solutions for sustainable cultural tourism development in Suoi Giang

Nguyen Trung Son1

Ph.D Hoang Si Thinh2

Master. Pham Xuan Phu3

1Director, Enna Glamping Suoi Giang Cooperative

2Faculty of Tourism and Foreign Languages, Vietnam National University of Agriculture

3Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

This paper analyzed the current and potential of cultural tourism development in Suoi Giang commune, Van Chan district, Yen Bai province. Suoi Giang preserves many unique traditional cultural values, such as New Year's festivals, art forms, and traditional foods, especially the cultural space associated with Shan Tuyet tea trees. However, Suoi Giang’s cultural tourism activities have not really exploited their potential fully. To make Suoi Giang a tourist destination, it is necessary to preserve Suoi Giang's unique culture, promote its tea culture in tourism products, improve the quality of accommodation facilities, support tourism development according to a sustainable and responsible model, and ensure that ethnic minority communities have the right to participate in and benefit from tourism activities.

Keywords: potential, tourism development, cultural tourism, Suoi Giang.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương