TÓM TẮT:
Du lịch văn hóa là xu hướng của các nước đang phát triển vì đem lại giá trị lớn cho cộng đồng xã hội. Gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Hà Nam thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế để thu hút mạnh mẽ thị trường khách từ thủ đô và các tỉnh lân cận. Hà Nam có kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú đa dạng với gần 2.000 di tích lịch sử, văn hóa... Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam, doanh thu từ du lịch năm 2020 đã đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, song mới chỉ đạt 50,3% kế hoạch đề ra. Vì vậy, cần nghiên cứu thực trạng và đề xuất những giải pháp cấp bách, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa tỉnh Hà Nam trong tương lai.
Từ khóa: phát triển du lịch, di sản văn hóa, du lịch văn hóa, tỉnh Hà Nam.
1. Thực trạng phát triển du lịch văn hóa tỉnh Hà Nam những năm qua
1.1. Thực trạng thị trường khách du lịch văn hóa của Hà Nam
Về số lượt khách
Lượt du khách đến với tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng lên, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 20 đến 25%. Các dự án du lịch trọng điểm vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm. Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc là điểm đột phá để thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo, đồng thời mở ra hướng liên kết phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong vùng như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh.
Năm 2019, du lịch Hà Nam có mức tăng trưởng nhảy vọt, tổng lượt khách đến với Hà Nam ước đạt 2.895.600 lượt khách (trong đó khách du lịch về Khu du lịch Tam Chúc ước đạt 1.670.000 lượt), vượt 123,4% so cùng kỳ năm 2018. Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh trong năm 2021, lượng khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 2.539.000 lượt khách (trong đó khách nội địa đạt 2.473.900 lượt, khách quốc tế 65.100 lượt).
Về doanh thu từ khách du lịch
Năm 2019, Hà Nam đón khoảng 2.895.600 lượt du khách, ước đạt 716 tỷ đồng doanh thu du lịch, vượt 141.9% so với năm 2018. Khu du lịch Tam Chúc mở cửa đón khách đến chiêm bái, tham quan đã góp phần tạo bước đột phá này. Nhưng đến năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu du lịch Hà Nam ước đạt 1.006 tỷ đồng, chỉ đạt 50,3% kế hoạch. Nhờ thực hiện nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn dịch bệnh, doanh thu du lịch năm 2021 ước đạt 1.614 tỷ đồng, tăng 60,4% so với năm 2020. (Xem Bảng)
Bảng. Doanh thu du lịch của Hà Nam từ 2018-2021
Năm |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
Doanh thu (đv: tỷ đồng) |
296 |
716 |
1006 |
1614 |
% tăng doanh thu so với năm trước |
141 |
40,5 |
60,4 |
Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch Hà Nam
Đặc điểm nguồn khách và cơ cấu thị trường khách
Về mục đích du lịch, lượng khách đến với Hà Nam chủ yếu là khách du lịch văn hóa (90%), chủ yếu vì tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử và công trình kiến trúc nghệ thuật. Khi khu du lịch Tam Chúc đi vào hoạt động bắt đầu mở cửa, rất nhiều du khách đến để thăm quan, chiêm bái ngôi chùa lớn nhất thế giới. Lượng khách du lịch tăng và thường tham gia các tour du lịch văn hóa, tâm linh vào thời điểm đầu năm và sau Tết Nguyên đán.
Khách du lịch nội địa vẫn là lượng khách chủ yếu của tỉnh, trung bình hàng năm chiếm 97% tổng lượng khách đến Hà Nam. Khách đến từ một số tỉnh phụ cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ trọng cao nhất, sau đó là các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Đối với khách quốc tế đến Hà Nam thì thị trường khu vực Đông Á chiếm tỷ lệ đa số và có xu hướng tăng.
1.2. Thực trạng cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch văn hóa tỉnh Hà Nam
Về cơ sở lưu trú: Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 176 cơ sở lưu trú, trong đó có 27 cơ sở là khách sạn từ 1 - 5 sao với tổng số 1.297 buồng phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 3 sao, chiếm tỉ lệ 15,3%. Số còn lại là các nhà nghỉ, trong đó có 107 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn với 1.218 buồng phòng và 42 nhà nghỉ đạt điều kiện tối thiểu với 521 buồng phòng. Số lượng cơ sở lưu trú tăng đều đặn ở mức 16,6%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh lưu trú chưa đáp ứng được sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng khách trong những năm gần đây.
Về cơ sở ăn uống: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 nhà hàng độc lập và trong các cơ sở lưu trú du lịch kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của du khách. Riêng hệ thống quán ăn trên phố Trần Phú phục vụ khách qua đường dựa vào đặc sản ẩm thực Hà Nam là bánh cuốn chả, bánh đa cá rô. Các cơ sở tập trung phần lớn ở thành phố Phủ Lý. Hầu hết đều là các nhà hàng có quy mô nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, nhân sự tại các nhà hàng còn thiếu tính chuyên nghiệp, số nhân viên đào tạo qua các trường lớp chiếm tỷ lệ không cao.
Về cơ sở vui chơi, giải trí và dịch vụ bổ sung: Hệ thống các cơ sở vui chơi giải trí chưa được quan tâm, đầu tư phát triển. Khách du lịch đến hầu hết chỉ tham quan điểm đến, di tích. Các dịch vụ bổ sung còn đơn điệu, hạn chế nên chưa khai thác tối đa nhu cầu của du khách, chưa làm gia tăng giá trị cho sản phẩm du lịch, chưa nâng cao được chất lượng phục vụ cho khách du lịch.
1.3. Nhận xét
Số lượt khách và doanh thu du lịch văn hóa từ Hà Nam không ngừng tăng trong những năm qua. Đặc biệt là từ năm 2019, khi khu du lịch chùa Tam Chúc bắt đầu đón khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Năm 2019, du lịch Hà Nam đã đón gần 2,9 triệu lượt khách, tăng hơn 10 lần so với năm 2011. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 theo giá hiện hành đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so với năm 2011. Tăng trưởng doanh thu du lịch lữ hành tỉnh Hà Nam bình quân đạt 39%/năm giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến Hà Nam chủ yếu là khách nội địa. Các sản phẩm du lịch đơn điệu, do vậy khả năng thu hút khách du lịch còn hạn chế. Chưa có nhiều sản phẩm trở thành thương hiệu. Các đầu tư lớn về cơ sở vật chất chưa nhiều. Chưa xây dựng được các trung tâm thương mại, thể thao, giải trí, để kích cầu tiêu dùng.
2. Một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa tỉnh Hà Nam
Theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh, tập trung phát triển du lịch sinh thái - tâm linh, khu lịch văn hóa - lễ hội, du lịch giải trí, du lịch sáng tạo, sản phẩm du lịch có thương hiệu bền vững. Tiếp tục tập trung khai thác các thị trường truyền thống và có chiến lược khai thác thị trường mới. Đồng thời cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Trên cơ sở đó, tập trung một số giải pháp sau:
2.1. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa
Đa dạng hóa sản phẩm: cần phải tập trung mở rộng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch.
Dựa trên tài nguyên du lịch phong phú, có thể tạo ra nhóm các sản phẩm chính như sau: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái, nghỉ cuối tuần, du lịch làng nghề, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao (golf) chủ yếu phát triển ở các cụm Du lịch Kim Bảng, Lý Nhân, Duy Tiên và các sông Đáy, sông Châu Giang. Triển khai đầu tư xây dựng tuyến du lịch trên sông Đáy để khai thác lợi thế du lịch sinh thái trên sông.
Nhóm sản phẩm liên kết gồm: Tour Du lịch tâm linh, kết nối các điểm du lịch tâm linh giữa Hà Nội (Chùa Hương) - Hà Nam (Long Đọi Sơn, Đền Trần Thương, Ngũ Động Sơn, Chùa Bà Đanh, Tam Chúc) - Nam Định (Phủ Dầy), Thái Bình (Đền Trần) - Ninh Bình (Tràng An - Bái Đính).
Tour Du lịch sông Hồng: Kết nối Hà Nội, Nam Định, Hà Nam với các điểm tham quan trên tuyến gồm Hà Nội (Cổ Loa), Hà Nam (Đền Lảnh, Đền Trần Thương), Nam Định (Đền Trần).
Để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo riêng có thể thu hút khách như: Du lịch trên sông Đáy, thưởng thức tour du lịch có tính nghệ thuật cao, du lịch thưởng thức đặc sản, phố đi bộ, du lịch đêm. Tập trung vốn đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, độc đáo nhằm thu hút du khách.
2.2. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Về nguồn vốn đầu tư
Nguồn vốn Nhà nước bao gồm ngân sách của tỉnh và xin hỗ trợ từ Trung ương, nguồn này dùng chủ yếu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng các đề án liên quan phát triển du lịch thuộc danh mục ưu tiên để xin hỗ trợ từ trung ương.
Nguồn vốn huy động từ các DN, tổ chức, cá nhân chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho kinh doanh của các DN ở các khu, điểm du lịch. Tỉnh cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Các lĩnh vực nên ưu tiên đầu tư
Xây dựng, nâng cấp, cải tạo mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, bến xe, bến tàu,... Đầu tư bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, đặc biệt là các di tích mang tầm quốc gia. Đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao, như các khách sạn cao cấp, kết hợp trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, trung tâm có khả năng tổ chức hội nghị, hội thảo quy mô lớn,... Cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kết hợp lưu trú, với dịch vụ ăn uống, dịch vụ hội nghị, bar, phòng thể hình, spa,... Đầu tư xây dựng các trung tâm giải trí, mua sắm như khu vui chơi, trung tâm thương mại, thể thao, khu hội trợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo quốc tế, phố đi bộ, ẩm thực đêm,...
2.3. Đào tạo nhân lực du lịch văn hóa
Nâng cao trình độ đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch văn hóa: Liên kết với các trường đại học có chuyên ngành quản lý du lịch để đăng ký nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý, cập nhật kiến thức mới. Đồng thời cử cán bộ, chuyên viên đi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm kinh nghiệm quản lý, tổ chức du lịch ở các nước phát triển du lịch. Đồng thời thành lập quỹ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực về công tác quy hoạch phát triển Du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch: Doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu nhân lực cho từng bộ phận và từng thời kỳ. Từ đó đưa ra kế hoạch tuyến dụng với các yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, ngoại ngữ, độ tuổi,... Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo về du lịch nhằm thu hút các sinh viên giỏi thông qua các chương trình nhận sinh viên thực tập, cấp học bổng tài năng trẻ,...
Chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ: các doanh nghiệp cần nắm vững tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ du lịch để hướng dẫn, phổ biến cho toàn thể cán bộ, nhân viên. Mở rộng quan hệ với các tổ chức, hiệp hội du lịch, các khách sạn, nhà hàng lớn để tạo cơ hội học hỏi cho đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp.
2.4. Phát triển thị trường du lịch văn hóa
Đối với khách du lịch nội địa: Cần tập trung khai thác thành phần khách du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, khách du lịch tâm linh, hành hương đến các chùa chiền, dự lễ hội; nghỉ cuối tuần. Liên kết với các tỉnh khác để tạo thành các tour du lịch kết hợp nhiều điểm du lịch, thu hút du khách đến từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Đối với khách du lịch quốc tế: Chủ yếu là khách đi lẻ, khách công vụ, doanh nhân. Ưu tiên khai thác nhóm du khách là khách du lịch thông thường, nhất là khách du lịch văn hóa, khách du lịch công vụ và khách du lịch MICE. Thiết kế các tour du lịch phù hợp từng nhóm đối tượng về chất lượng, dịch cả, giá cả,… tương xứng nhu cầu, mục đích, khả năng chi trả của từng nhóm khách hàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- UBND Hà Nam (2016), Đề án Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Nam.
- UBND Hà Nam (2022), Phương án phát triển hệ thống du lịch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Hà Nam.
- UBND Hà Nam (2018), Quyết định số 1606/QĐ-UBND, ngày 07 tháng 9 năm 2018 về việc phê duyệt tổng thể Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Hà Nam.
- Cục Thống kê Hà Nam (2022), Niên giám thống kê Hà Nam các năm 2018, 2019, 2020, 2021.
- https://svhttdl.hanam.gov.vn
- http://dulichhanam.vn
Some solutions to promote the cultural tourism in Ha Nam province
Master. Le Thi Van Anh
University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Cultural tourism is a new tourism trend in developing countries as it brings great value to communities. Recently, cultural tourism has considered as a specific tourism product of developing countries and it has attracted many international tourists. Ha Nam is situated in the south of Vietnam's Red River Delta and the province is located on the trans-Vietnam tourist route. The province also has an extremely rich cultural heritage treasure with nearly 2,000 historical and cultural relics. It has advantages to strongly attract tourists from Hanoi and neighboring provinces. However, according to Ha Nam Department of Culture, Sports and Tourism, the province’s annual tourism revenue reached over 1 trillion VND in 2020, equal to only 50.3% of the province’ set plan. Therefore, it is necessary to study the current situation and propose solutions to promote cultural tourism in Ha Nam province in the future.
Keywords: tourism development, cultural heritage, cultural tourism, Ha Nam province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2022]