Yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách giữa mong đợi của xã hội và trách nhiệm của kiểm toán viên khi kiểm toán báo cáo tài chính

TS. PHAN THỊ HẰNG NGA (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech))

TÓM TẮT:

Bài viết này nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách giữa mong đợi của xã hội và trách nhiệm của kiểm toán viên khi kiểm toán báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp. Các yếu tố được nhận diện bao gồm: Trình độ của người đọc báo cáo tài chính; Khả năng chuyên môn của kiểm toán viên (KTV); trách nhiệm pháp lý của KTV với kết quả kiểm toán; dịch vụ kiểm toán. Nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu, sau khi làm sạch gồm 178 phiếu khảo sát từ người sử dụng báo cáo tài chính (BCTC) và KTV. Xử lý dữ liệu sơ cấp bằng mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy (RA), kết quả chỉ ra có 4 yếu tố tác động đáng kể đến khoảng cách giữa mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC. Trên cơ sở đó, nghiên cứu cũng gợi ý chính sách để có giải pháp rút ngắn khoảng cách của xã hội với trách nhiệm của KTV, đồng thời nhằm đảm bảo KTV luôn thực hiện hết trách nhiệm của mình khi kiểm toán BCTC.

Từ khóa: Yếu tố, khoảng cách mong đợi, trách nhiệm, báo cáo tài chính, kiểm toán viên.

1. Đặt vấn đề

Thông tin tài chính của các công ty, đặc biệt là các công ty niêm yết được rất nhiều đối tượng quan tâm và sử dụng, vì vậy thông tin tài chính có chất lượng giúp người sử dụng BCTC ra được các quyết định tài chính thích hợp.

Các thông tin tài chính này không chỉ bị ảnh hưởng bởi các đối tượng bên trong công ty như người quản lý, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành và kiểm toán nội bộ mà còn chịu sự ảnh hưởng bởi các đối tượng bên ngoài công ty như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Hội nghề nghiệp, Bộ Tài chính, cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước và một đối tượng rất quan trọng đó là kiểm toán độc lập. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã ban hành các quy định về kiểm toán độc lập như hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luật và nghị định về kiểm toán độc lập, trong đó cũng rất chú trọng đến các quy định về trách nhiệm của KTV trong kiểm toán BCTC. Cụ thể, trong chuẩn mực kiểm toán, nghị định, thông tư đã ban hành có quy định trách nhiệm của KTV là xem xét liệu gian lận hoặc sai sót có gây sai lệch trọng yếu trên BCTC, doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật và các quy định trong lập BCTC. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, xã hội đang rất lo ngại đến chất lượng BCTC mặc dù những BCTC này đã được kiểm toán, điều này có thể bắt nguồn từ một số vụ tai tiếng liên quan đến kiểm toán như Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết, Công ty Cổ Phần Dược Viễn Đông và Công ty Cổ phần Bibica… Và một vấn đề được đặt ra là những sai phạm của những công ty này có trách nhiệm của KTV và công ty kiểm toán không, nếu có thì mức độ đến đâu, trách nhiệm của họ với cổ đông và nhà đầu tư thế nào? và tháng 1/2012, UBCKNN cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số kiểm toán viên vì không đưa ra một số sai phạm trên BCTC đã kiểm toán của một số công ty niêm yết, trên cơ sở nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán cho các tổ chức niêm yết… Hậu quả của những sự kiện trên đã gây nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư và họ đã nảy sinh nhiều nghi ngờ về chất lượng, tính trung thực của báo cáo kiểm toán. Chính vì vậy, phát sinh khoảng cách mong đợi của xã hội với kết quả kiểm toán của KTV và công ty kiểm toán. Xã hội kỳ vọng nhận được kết quả chính xác từ báo cáo kiểm toán của KTV nhưng với thực trạng trên đã làm người đọc BCTC thất vọng, mất niềm tin với chất lượng của báo cáo kiểm toán.

Như vậy, nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách giữa mong đợi xã hội và trách nhiệm của KTV trong quá trình đi kiểm toán BCTC là rất quan trọng, vì nó giúp các nhà quản lý có những điều chỉnh khung pháp lý kịp thời nhằm ổn định và phát triển thị trường chứng khoán trong tiến trình hội nhập vào khu vực và quốc tế của Việt Nam, đồng thời giúp cho các công ty kiểm toán ở nước ta hoạt động uy tín và chuyên nghiệp hơn.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Một số khái niệm cơ bản

Kiểm toán: Theo Adeniji (2010); Semiu & Johnson (2011), kiểm toán là: Sự đánh giá độc lập và diễn đạt ý kiến về sự tuân thủ những quy định trên BCTC của một tổ chức bởi một KTV được chỉ định.

Cùng quan điểm đó, Millichamp & Taylor (2008); Mahdi Salehi & Mahadevaswamy (2008) cho rằng, kiểm toán BCTC là KTV trình bày ý kiến của mình về sự chính xác, độ tin cậy, không gian lận trong trình bày thông tin trên BCTC của một tổ chức. Ý kiến này của kiểm toán hữu ích cho các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài. Như vậy, mục tiêu chính của kiểm toán là đưa ra ý kiến về sự trung thực và hợp lý của BCTC.

Trách nhiệm của kiểm toán viên: Theo AICPA ban hành SAS 53 năm 1998 quy định về trách nhiệm của KTV là phải phát hiện và báo cáo các sai sót; Theo SAS 82 năm 1997 là đánh giá gian lận trong kiểm toán BCTC.

Theo ISA 200, KTV phải tuân thủ quy định của pháp luật tại từng quốc gia, tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ chuẩn mực kiểm toán. Cụ thể, KTV phải có thái độ hoài nghi nghề nghiệp đúng mực và phải thực hiện các xét đoán chuyên môn, phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để giảm thiểu rủi ro kiểm toán tới một mức thấp có thể chấp nhận được. Theo ISA 240, KTV có trách nhiệm phát hiện sai sót và gian lận trọng yếu. Nhưng KTV không thể hoàn toàn đảm bảo rằng toàn bộ sai sót và trọng yếu trong BCTC được phát hiện.

Khoảng cách mong đợi: Theo Mahdi Salehi & Mahadevaswamy(2008), cho rằng, khoảng cách mong đợi là sự khác nhau giữa mức độ nhận thức về khả năng thực hiện giữa kiểm toán viên và xã hội. Theo Semiu & Johnson (2011) mô tả khoảng cách mong đợi là mong đợi của xã hội về vai trò và trách nhiệm của KTV độc lập khác với trách nhiệm và vai trò của KTV theo quy định của luật và chuẩn mực.

Theo nghiên cứu của Best & ctg (2001), Fadzly & Ahmad (2004) cho rằng, sự tồn tại của khoảng cách mong đợi là do sự khác nhau về nhận thức giữa xã hội bao gồm khách hàng, ngân hàng, nhà đầu tư… và KTV.

Nghiên cứu của Humphrey & ctg (1992), xác định các nhân tố chính ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi là sự độc lập của KTV, KTV phải chịu trách nhiệm với ai, khả năng thực tế của KTV, khía cạnh kinh tế của kiểm toán và trách nhiệm của KTV đối với việc phát hiện gian lận.

Theo nghiên cứu của Boyd (2001) là sự hiểu không đúng về chức năng kiểm toán của những người sử dụng báo cáo kiểm toán. Nói cách khác, sự thiếu kiến thức của những người sử dụng báo cáo kiểm toán đã dẫn đến mong đợi của xã hội quá cao.

Nghiên cứu của Porter & Gowthorpe (2004), họ thực hiện nghiên cứu ở Anh và kết quả khảo sát cho thấy sự thiếu kiến thức của xã hội là nhân tố chính gây ra sự kỳ vọng quá cao của xã hội về chức năng của kiểm toán. Công chúng quá phóng đại những thiếu sót của kiểm toán và kỳ vọng nhiều vào những dịch vụ mà nghề nghiệp kiểm toán đang nỗ lực thực hiện để đáp ứng yêu cầu của công chúng.

Với kết quả của các nghiên cứu trên thì tác giả thừa kế để ứng dụng nghiên cứu tại Việt Nam để xác định yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách giữa mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC cho các doanh nghiệp, gồm:

H1: Khả năng của KTV ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của mình khi kiểm toán BCTC

H2: Trình độ chuyên môn của người đọc BCTC ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC

H3: Trách nhiệm pháp lý của KTV ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của mình khi kiểm toán BCTC

H4: Dịch vụ cung cấp kiểm toán ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC.

Dựa trên 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC như đã phân tích ở trên, mô hình nghiên cứu được đề xuất 4 giả thuyết từ H1 đến H4; trong đó 4 nhóm yếu tố (H1 đến H4) là các biến độc lập, định lượng tác động trực tiếp đến biến phụ thuộc là khoản cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu phát phiếu đến từng đối tượng, cụ thể: Tổng số phiếu khảo sát: 200 mẫu, số mẫu hợp lệ là 178 mẫu, trong đó 100 mẫu là người đọc BCTC, 78 mẫu là KTV. Đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbachs alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA) để phân tích và mô hình hồi quy (RA) nhằm xác định với các quan hệ tuyến tính để kiểm định các yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC.

Nội dung và các biến quan sát trong các thang đo được xây dựng phù hợp mục tiêu nghiên cứu theo thang đo Likert 5 mức độ với lựa chọn 1: Rất không đồng ý cho đến 5: Rất đồng ý.

Lập luận và đặt ra các giả thuyết có quan hệ cùng chiều với mô hình để nhận diện các yếu tố tác động và đánh giá mức độ ảnh hưởng của 4 yếu tố đến khoản cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của kiểm toán viên

(Nguồn: Tổng hợp của tác giả)

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định cuối cùng các thang đo như sau:

Như vậy, qua phân tích kiểm định Cronbachs Alpha, mô hình gồm 05 thang đo và 25 biến đặc trưng.

Kết quả kiểm định KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) và Bartlett để đo lường sự tương thích của mẫu khảo sát được bảng kết quả sau:

Sau khi loại những biến quan sát có trọng số nhỏ hơn 0,5, mô hình nghiên cứu còn lại 21 biến quan sát, trích thành 04 nhóm yếu tố. Các giá trị Eigenvalues đều lớn hơn 1, trị số phương sai trích 57,9% điều này có nghĩa là 57,9 % thay đổi của 4 yếu tố được giải thích bởi 21 biến quan sát. Biến phụ thuộc sau khi xoay nhóm 1 nhân tố có phương sai trích 52,166% đạt yêu cầu.

Như vậy, qua các kiểm định chất lượng thang đo và các kiểm định của mô hình EFA có 04 thang đo đại diện cho các yếu tố ảnh hưởng đến khoản cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC

Để xác định, đo lường và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến khoản cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC, nghiên cứu sử dụng RA đối với 4 yếu tố ảnh hưởng từ kết quả phần EFA, đưa 4 yếu tố vào chạy hồi quy bằng phương pháp Enter nhằm đánh giá mức độ phù hợp của mô hình, kết quả lần cuối như sau:

Kiểm định tương quan từng phần của các hệ số hồi quy nhằm xem xét các biến độc lập tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc hay không? Từ kết quả chạy mô hình (phần Coefficients a), kết quả như sau:

Sử dụng kiểm định trị thống kê F bằng phân tích ANOVA và kiểm định Spearman. Kết quả cho giá trị F = 86,093, giá trị Sig. rất nhỏ cho thấy mô hình hồi quy bội phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được. Kết quả kiểm định tương quan tất cả 04 biến TN, CM, DV, TĐ có mức ý nghĩa (Sig.) nhỏ hơn 0,05 nên kết luận rằng cho biết phương sai của phần dư mô hình trên không thay đổi. Vậy sau khi kiểm định, phân tích nhân tố khám phá và chạy hồi quy bội cho thấy mô hình xây dựng phù hợp với dữ liệu thu được và kết quả cho thấy khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC phụ thuộc vào 4 yếu tố: TN, CM, DV, TĐ; trong đó: yếu tố TĐ (trình độ chuyên môn của người đọc BCTC) ảnh hưởng nhiều nhất, kế tiếp là yếu tố CM (khả năng chuyên môn của KTV) và yếu tố ảnh hưởng ít nhất trách nhiệm pháp lý của KTV đối với BCTC được kiểm toán. Mặt khác, khi kiểm tra sự vi phạm các giả định cần thiết trong hồi quy bội thì hầu hết các giả định đều được thỏa mãn. Từ đó, ta xác định được phương trình hồi quy bội như sau:

Y = 0,256*TĐ + 0,149*CM + 0,135*DV + 0,112*TN

3.2. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Mô hình cho thấy các biến độc lập đều ảnh hưởng thuận chiều đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV với độ tin cậy 95%. Qua phương trình hồi quy ta thấy khi điểm đánh giá về Trình độ chuyên môn của người đọc BCTC tăng lên 1 thì mức độ ảnh hưởng của nó đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC cũng sẽ tăng trung bình 0,256 điểm (giữ nguyên các biến độc lập khác không đổi). Tương tự vậy, khi điểm đánh giá về khả năng chuyên môn của KTV tăng lên 1 thì mức độ ảnh hưởng của nó đến khoản cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC cũng sẽ tăng trung bình 0,149 điểm (giữ nguyên các biến độc lập khác không đổi). Khi điểm đánh giá về Dịch vụ kiểm toán tăng lên 1 thì mức độ ảnh hưởng của nó đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC cũng tăng trung bình 0,135 điểm (giữ nguyên các yếu tố khác không đổi). Điểm đánh giá về trách nhiệm pháp lý tăng lên 1 thì mức độ ảnh hưởng của nó đến khoản cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC sẽ tăng trung bình 0,112 điểm (giữ nguyên các yếu tố khác không đổi). Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước như của Humphrey & ctg (1992); Semiu & Johnson (2011); Porter & Gowthorpe (2004)

4. Kết luận và gợi ý chính sách

4.1. Kết luận

Dựa trên kết quả hồi quy, nghiên cứu này đã chỉ ra 04 nhóm yếu tố tương ứng với 21 biến quan sát ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC: Trình độ chuyên môn của người đọc BCTC, khả năng chuyên môn của KTV, dịch vụ kiểm toán, trách nhiệm pháp lý của KTV đối với kết quả kiểm toán BCTC với mức độ giải thích được 49,6% thay đổi về vấn đề nghiên cứu, còn lại 50,4% các biến quan sát khác cũng ảnh hưởng đến mô hình nhưng chưa được nghiên cứu do phạm vi và đối tượng nghiên cứu bị giới hạn. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy vai trò của các yếu tố ảnh hưởng khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC được xác định rõ nét thông qua cơ cấu và tỷ trọng của hệ số β.

4.2. Gợi ý chính sách

Từ kết quả phân tích định tính và định lượng về yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC, nghiên cứu này đề xuất một số hàm ý rút ngắn khoảng cách mong đợi của xã hội và trách nhiệm của KTV khi kiểm toán BCTC.

Thứ nhất: Do người đọc BCTC cần có trình độ nhận biết nhất định về kiến thức chuyên môn, do đó trong báo cáo kiểm toán của KTV và công ty kiểm toán cũng cần có hướng dẫn cách đọc và giải thích các thuật ngữ chuyên môn để giúp đọc hiểu dễ hơn. Bên cạnh đó trong thuyết minh BCTC cũng nên có nội dung hướng dẫn đọc BCTC và báo cáo kiểm toán.

Thứ hai: Khả năng chuyên môn của kiểm toán là một yếu tố tác động đến khoảng cách mong đợt của xã hội, vì vậy bản thân KTV phải luôn trao dồi kiến thức chuyên môn để hoàn thành tốt nhất việc phát hiện các sai phạm trên BCTC. Công ty kiểm toán cần thường xuyên cho KTV tập huấn về các kiến thức mới và phương pháp mới để phát hiện các sai phạm ngày càng tinh vi của doanh nghiệp.

Thứ ba: Trách nhiệm pháp lý của KTV cần quy định cụ thể và chi tiết hơn, vì trong chuẩn mực chủ yếu đề cập đến công ty kiểm toán, do đó chưa đủ mạnh để kiểm toán viên thực hiện công việc với sự thận trọng nghề nghiệp cao nhất.

Thứ tư: Dịch vụ kiểm toán, do hiện nay theo phương châm “khách hàng là thượng đế” nên các công ty kiểm toán cũng phải phục vụ theo yêu cầu của khách hàng, do đó làm cho yếu tố khách quan bị giảm chất lượng kiểm toán giảm, vì vậy Nhà nước cần kiểm tra giám sát chặt đối với các công ty kiểm toán độc lập và cần có quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Carl Pacini, William Hillison & David Sinason (2000), Auditor liability to the third parties: an international focus, Managerial Auditing Journal, 15 (8), 394 - 406.

2. Richard Baker & Rainer Quick (1996), A comparison of auditors legal liability in the USA and selected European countries, European Business Review, 96 (3), 36 - 44.

3. Dixon, R., Woodhead M. & Sohliman M. (2006), An investigation of the expectation gap in Egypt, Managerial Auditing Journal, Vol 21, No 3, 293 - 302.

4. Mahadevaswamy & Mahdi Salehi. (2008), Audit expectation gap in auditor responsibilities: Comparison between India and Iran, International Journal of Business and Management, vol 3, No 11, 134 - 146.

5. Gregory Shailer, Roger Willett, Kim Len Yap & Margo Wade (2001), Internationalisation of perceptions of litigation risk, Managerial Auditing Journal, 16, 1/2.

6. Hung - Chao Yu (2001), Experimental evidence of the impact of the increasing auditors legal liability on firm new investment, Contemporary Acounting Reseach, 18, 3, pg 495.

7. Joni J. Young (1997), Defining auditors responsibilities, The accounting Historians Journal, 24.2, pg. 25.

8. McEnroe, J. E & Martens S. C. (2001), Auditors and Investors perception of expectation gap, Accouting Horizons, Vol 15, No 4, December, 345 - 58.

9. Salehi & V. Rostami (2009), Audit expectation gap: International Evidence, International Journal of Academic Research, Vol 1, No 1, Septemper, 140 - 46.

10. Mohamed Narzi Fadzly & Zauwiyah Ahmad (2004), Audit expectation gap: the case of Malaysia, Managerial Auditing Journal, 19, 7, 897 - 915.

11. Lin, J. Z., & Chen F. (2004), An empirical study of audit “Expectation gap” in the Peoples Republic of China, International Journal of Auditing, Vol. 8, 93 - 115.

12. Odia James & F.I.O Izedonmi (2010), Evidence of audit expectation gap between auditors and users of financial reports in Nigeria, Journal of Business and Organization Development, Volume 2, Septemper 2010, 114 - 128.

13. Semiu Babatunde Adeyemi & John Kolawole Olowookere. (2011), Stakeholders perception of audit performance gap in Nigeria, International Journal of Accounting and Financial Reporting, Vol 1, No 1, 152-172.

14. Vitalija. B. (2011), An empirical study of audit expectation gap: the case of Lithuania, Master thesis.

15. Porter, B., Simon, J & Hatherly, D. (2005), Principles of external auditing. John Wiley & Sons, Ltd.

FACTORS AFFECT THE DISTANCE BETWEEN THE

EXPECTATIONS OF SOCIETY AND THE RESPONSIBILITY OF

AUDITORS WHEN AUDITING THE FINANCIAL STATEMENTS

PhD. PHAN THI HANG NGA

Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

This article explores the factors that affect the distance between the expectations of society and the responsibilities of auditors when auditing financial statements of enterprises.

Identified factors include (1) qualification of the reader of the financial statement, (2) professional competence of the auditor, (3) the auditor's liability with audit results, and (4) auditing services. The study carried out data collection, after cleaning up of 178 questionnaires from the users of the financial statements and auditors. Primary data was processed by Exploratory Factor Analysis (EFA) and Regression models. The results indicate that there are four factors that significantly affect the distance between the expectations of society and the responsibility of auditors when auditing financial statements. On that basis, research also suggests policies to reduce the distance of society with the responsibility of the auditor and at the same time to ensure that the auditors always carry out their responsibilities when auditing financial statements.

Keywords: Factors, expected distance, responsibility, financial statements, auditor.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.