Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
VCCI nhận định, Dự thảo xây dựng phương thức thu thuế mới với các cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, thay cho phương thức cũ đang được áp dụng.
Việc thu thuế là cần thiết nhưng cần xây dựng phương thức thu thuế đảm bảo giảm thiểu thủ tục hành chính, gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong phương thức mới, các quy định cũng cần phân định rạch ròi trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Đơn giản hóa thủ tục kê khai, nộp thuế với cá nhân kinh doanh
Dự thảo quy định cá nhân kinh doanh không đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động kinh doanh thường xuyên trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số phải kê khai thuế theo tháng. Hộ cá nhân phải kê khai doanh thu, số thuế phải nộp và chi phí kinh doanh.
Như vậy, Dự thảo không cho phép các cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử đóng thuế theo phương pháp khoán. Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này không phù hợp với các cá nhân mới kinh doanh hoặc có quy mô nhỏ. Do nguồn vốn nhỏ, các cá nhân này không mua các phần mềm hỗ trợ kinh doanh và do đó sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện kê khai.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng cho phép kê khai theo thuế khoán áp dụng với cá nhân kinh doanh có số lượng đơn hàng dưới ngưỡng (thông tin về số lượng đơn có thể trích xuất thông qua các đơn vị vận chuyển).
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng yêu cầu các cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử phải kê khai cả chi phí kinh doanh. Theo VCCI, việc này là không cần thiết với các cá nhân kinh doanh nhỏ (không thuộc diện quy mô lớn).
Thuế được tính trên doanh thu nên việc yêu cầu kê khai chi phí là không cần thiết. Hơn nữa, yêu cầu kê khai chi tiết về giá vốn, chi phí nhân công, điện, nước, vận chuyển, tiếp thị quảng cáo sẽ tạo ra gánh nặng lớn với các cá nhân do mô hình quản lý của các cá nhân này vô cùng đơn giản, khó tách bạch cũng như xác định chính xác các chi phí này.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu phải kê khai chi phí kinh doanh với các cá nhân không đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng phát triển. Quy mô thị trường các năm gần đây đã tăng trưởng mạnh từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên đến 20,5 tỷ USD năm 2023 và dự kiến đạt 25 tỷ USD trong năm 2024.
Tuy nhiên, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số. Tổng số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại diện tử của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường thương mại điện tử và tỷ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024.
Bên cạnh đó, việc quản lý thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số chưa thực sự hiệu quả. Nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số và các hoạt động kinh tế số khác; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Đồng thời đảm bảo các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như các đối tượng kinh doanh khác; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian, tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số trong việc hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện quản lý thu thuế.
Bên cạnh đó, tận dụng dữ liệu và công nghệ của các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử và nền tảng số để giám sát các hoạt động giao dịch trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cá nhân kinh doanh giảm bớt thủ tục hành chính, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế dễ dàng hơn, khuyến khích sự tự nguyện tuân thủ nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh; ngăn chặn các hình thức trốn thuế khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số...