
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử, Bộ Công Thương xác định 5 chính sách lớn khi xây dựng Luật Thương mại điện tử.
Chính sách 01: Bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Mục tiêu của chính sách nhằm quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử và đảm bảo hài hòa với các Luật khác hiện hành; bảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chính sách 02: Quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia; đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Chính sách 03: Trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử nhằm tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử; tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu để các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các nền tảng thương mại điện tử.
Chính sách 04: Quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.
Chính sách 05: Quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022). Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 đến 20,5 tỷ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20 - 30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.
Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.
Có được kết quả khả quan nêu trên là do các quy định pháp luật về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch cho hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại hai văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85).
Tuy nhiên, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Những vướng mắc và bất cập trong việc quản lý lĩnh vực thương mại điện tử đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật, cần được nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và đảm bảo theo kịp sự phát triển của các nền thương mại điện tử trên thế giới.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành một Luật chuyên ngành thương mại điện tử chuyên biệt sẽ không chỉ để giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, và lợi ích doanh nghiệp.