UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa qua đã có văn bản phản hồi về đề nghị xem xét của Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) về việc thực hiện Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, và một số vấn đề cần địa phương hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác chuẩn bị mặt bằng Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo UBND huyện Bình Sơn, các cơ quan chức năng đã và đang chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, vận động các hộ dân di dời, dọn cây cối, và xử lý các trường hợp tranh chấp hoặc chưa xác định chính xác ranh giới để bàn giao mặt bằng cho Lọc hoá dầu Bình Sơn để thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
UBND huyện Bình Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét cho cơ chế đặc cách nhằm tạo điều kiện sớm thực hiện đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ dân sinh để nhanh chóng bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có chỉ đạo, giao cho các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi nghiên cứu, giải quyết các nội dung đề nghị của Lọc hoá dầu Bình Sơn và có văn bản phúc đáp hướng dẫn công ty thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục có liên quan theo quy định.
Về phía Lọc hoá dầu Bình Sơn, công ty chủ động cử cán bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị nêu trên để giải quyết các nội dung tồn tại, vướng mắc liên quan đến Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hồi cuối tháng 3/2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã công bố thông tin về Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư là 1,489 tỷ USD. Con số này tăng 18,55% so với tổng mức đầu tư tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023 (31.240 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD).
Theo đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ, đồng thời nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy.
Để đáp ứng các mục tiêu này, hàng loạt phân xưởng công nghệ sẽ được đầu tư mới hoặc hiệu chỉnh, cải hoán. Thời gian thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng này là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và mục tiêu đưa Dự án vào vận hành trong năm 2028.
Để thu xếp vốn, Lọc hoá dầu Bình Sơn cho hay, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 40/60, nhưng cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn.
Lọc hoá dầu Bình Sơn thuê tư vấn thu xếp vốn dưới hình thức tín dụng xuất khẩu và vay ngân hàng thương mại trong và ngoài nước. Còn nguồn vốn chủ sở hữu sẽ được công ty thu xếp từ nguồn nội bộ của công ty, từ lợi nhuận sau thuế để lại hàng năm (2020-2025), sau khi trích các quỹ và chia cổ tức, nguồn khấu hao sau khi đã trả nợ vay dài hạn và phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cổ đông mới trong trường hợp các nguồn trên không đủ.
Trong đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Phương án tăng vốn hiện đang được Lọc hóa dầu Bình Sơn báo cáo cổ đông lớn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận.