Ngày 8/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với dự án luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban Quốc hội với dự luật.
Về chính sách với nhà giáo, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện các nội dung chính sách.
Một trong số các chính sách đáng chú ý trong dự án Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề.
Theo dự thảo, bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học.
Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).
Nếu chính sách này được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỉ đồng/tháng, hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là hơn 9.000 tỷ đồng.
Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói dự luật quy định miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong quá trình công tác là nhân văn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu việc miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ.
Đồng thời đề nghị cần làm rõ các điều kiện đảm bảo cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.
Bên cạnh đó, đối với những nội dung chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi dự thảo (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục... ).
Dự án Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.