TÓM TẮT:
Một vấn đề cấp thiết đang được đặt ra đối với mọi doanh nghiệp là sự tiếp cận nguồn thông tin kế toán nói chung và thông tin kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh nói riêng của các đối tượng đang bị hạn chế cả về thông tin kế toán tài chính (cung cấp cho bên thứ ba) và thông tin kế toán quản trị (cung cấp cho nhà quản lý trong doanh nghiệp) do tính minh bạch của thông tin. Trong đó, để đảm bảo thông tin kế toán quản trị là linh hoạt và kịp thời, cần hiểu được mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Trong bài viết này, tác giả đề xuất xây dựng mô hình và cơ chế vận hành kinh tế quản trị doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh ở các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc, nhằm nâng cao vai trò và tính hiệu quả của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp này.
Từ khóa: Mô hình kế toán quản trị doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.
I. Đặt vấn đề
Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước có tỷ trọng nông nghiệp lớn trong cơ cấu ngành nghề của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) chế biến thức ăn chăn nuôi (CBTĂCN) là một trong những “mắt xích” quan trọng để vận hành tốt hơn quy trình hoạt động và phát triển của cả ngành Chăn nuôi Việt Nam. Theo Báo cáo tổng kết của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2010-2016, số lượng DN CBTĂCN ở miền Bắc là 106 trên tổng số 203 DN, chiếm 52,21%. Theo phân tích của dự án CARD 030/06 VIE, các DN CBTĂCN đang gặp phải vô vàn khó khăn về vốn, công nghệ, nguyên liệu và đặc biệt thị trường đầu ra luôn chịu ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, mùa vụ và không thể thiếu sự cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài sau khi Việt Nam tiến hành hội nhập sâu, rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Do đó, việc giảm thiểu các chi phí, xây dựng chiến lược bán hàng hợp lý, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ là nhiệm vụ quan trọng với các DN này. Một thách thức lớn đặt ra cho các nhà quản trị DN là phải vận dụng các công cụ kỹ thuật quản trị mới để ứng phó, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của DN mình. Và việc vận dụng KTQT sẽ tận dụng được các công cụ quản trị để giúp nhà quản trị có được các thông tin kịp thời và thích hợp nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định. Qua kết quả khảo sát thực tế của 58/106 DN CBTĂCN ở miền Bắc, tác giả nhận thấy việc vận dụng KTQT nói chung và KTQT doanh thu (DT), chi phí (CP) và kết quả kinh doanh (KQKD) nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hệ quả tất yếu là trong thực tế tỷ lệ vận dụng KTQT trong các DN CBTĂCN ở miền Bắc vẫn còn thấp, tính hiệu quả chưa cao.
II. Đề xuất mô hình kế toán quản trị doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc
Mô hình KTQT áp dụng cho các DN nói
chung và các DN CBTĂCN ở miền Bắc nói riêng thể hiện tổng quát các yếu tố cấu
thành nên KTQT và quyết định đến việc thực thi, định hướng xây dựng và phát
triển KTQT. Cụ thể, mô hình này như sau:
Khi xác định mô hình KTQT áp dụng cho DN CBTĂCN ở miền Bắc cần đảm bảo các vấn đề sau:
(1) Cụ thể hóa nền tảng ảnh hưởng đến sự hình thành và quyết định nhu cầu thông tin quản trị. Qua phân tích đặc điểm hoạt động, quản trị hoạt động của các DN này cho thấy, quy trình công nghệ sản xuất TĂCN mang tính chất sản xuất hàng loạt, sản xuất liên tục và khép kín. Về tổ chức quản lý sản xuất, các DN này thường tổ chức chung một phân xưởng sản xuất bao gồm các bộ phận tham gia vào tất cả các khâu trong quy trình sản xuất từ khâu nạp nguyên liệu đến khâu đóng gói nhập kho thành phẩm. Công nghệ sản xuất TĂCN ảnh hưởng đến dòng chi phí phát sinh, tính chất chi phí, từ đó ảnh hưởng đến KTQT CP, DT và KQKD trong các DN CBTĂCN ở miền Bắc. Tại các DN này thường bán hàng thông qua hai hình thức là đặt hàng và bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, sản phẩm đặt hàng cũng được sản xuất tương tự như sản phẩm sản xuất hàng loạt, do mọi sản phẩm đều phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Như vậy, một mẻ sản phẩm sản xuất ra có thể vừa để xuất cho một đơn hàng nào đó, vừa có thể để bán hàng loạt cho một khách hàng hay giao đại lý. Đặc điểm sản phẩm và tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có ảnh hưởng đến công tác KTQT DT, CP và KQKD trong các DN CBTĂCN ở miền Bắc.
Qua phân tích đặc điểm hoạt động, quản lý sản xuất của các DN này cho thấy các DN này đã và đang tiến hành thực hiện quy trình hoat động kinh doanh theo thị trường; vận hành quy trình hoạt động theo nguyên lý kết hợp chặt chẽ giữa thỏa mãn nhu cầu thị trường với công nghệ sản xuất - kinh doanh và kết quả kinh tế, tài chính của DN.
(2) Đảm bảo được đặc điểm của KTQT DT, CP và KQKD, thể hiện đúng chức năng của KTQT và thuận lợi trong khai thác, sử dụng các phương pháp kỹ thuật KTQT như các mô hình quản trị, các chỉ tiêu kinh tế tài chính thể hiện hoạt động kinh doanh, các phương pháp định lượng thông tin, phương pháp so sánh đối chiếu phân tích, phương pháp lựa chọn thông tin thích hợp…
(3) Xây dựng các nội dung thông tin đạt được sự liên kết, tính ổn định, đón đầu được định hướng phát triển. Cụ thể: (a) xây dựng tiêu chuẩn nội bộ về DT, CP và KQKD như tiêu chuẩn định tính, định lượng và nhận diện các loại CP, DT và KQKD cần thiết trong điều hành hoạt động kinh doanh của DN; (b) xây dựng thông tin định hướng hoạt động kinh doanh như dự toán giá bán, dự toán DT, dự toán thu tiền bán hàng, dự toán sản xuất, dự toán CP , dự toán KQKD, dự toán thu chi tiền, dự toán tài sản và nguồn vốn…; (c) xây dựng thông tin thực hiện kết quả hoạt động như thông tin CPSX và giá thành SP, thông tin kết quả hoạt động sản xuất, thông tin kết quả hoạt động tiêu thụ…(d) xây dựng thông tin kiểm soát và đánh giá hoạt động kinh doanh như thông tin về biến động kết quả và nguyên nhân của hoạt động tiêu thụ, thông tin biến động kết quả và nguyên nhân của hoạt động kinh doanh, thông tin biến động kết quả và nguyên nhân của hoạt động sản xuất…(e) xây dựng thông tin phục vụ cho việc ra quyết định quản trị như thông tin phân tích phương án kinh doanh mới, thông tin phân tích phương án kinh doanh thay thế, thông tin phân tích giá bán, thông tin phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận…
(4) Xây dựng bộ máy KTQT thích hợp, linh hoạt, tiết kiệm để vận hành công tác KTQT, thực hiện những nội dung KTQT theo từng DN có quy mô, trình độ khoa học công nghệ, đặc điểm quản lý khác nhau.
III. Cơ chế vận hành các nội dung kế toán quản trị doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc
1. Xây dựng tiêu chuẩn nội bộ và hệ thống báo cáo về DT, CP và KQKD tại các DN CBTĂCN ở miền Bắc
1.1. Nhận diện DT, CP và KQKD
Cách phân loại DT hiện nay ở các DN CBTĂCN thuộc khu vực miền Bắc chủ yếu phục vụ cho công tác KTTC và giúp DN xác định DT của từng loại SP. Để phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị, các DN nên thực hiện phân loại DT của đơn vị theo mối quan hệ với điểm hòa vốn. Theo cách phân loại này, DT của các DN sẽ được chia thành 2 loại: Doanh thu hòa vốn và doanh thu an toàn. Phân loại DT của DN theo mối quan hệ với điểm hòa vốn giúp nhà quản trị xem xét quá trình kinh doanh một cách chủ động và tích cực, xác định được ở mức tiêu thụ, khối lượng sản phẩm bao nhiêu thì DN hòa vốn, cũng như xác định được đến thời gian nào trong kỳ kinh doanh thì DN hòa vốn.
Các DN CBTĂCN ở miền Bắc cần nhận diện được chi phí theo các cách phân loại chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu lập kế hoạch, kiểm soát chi phí và ra quyết định kinh doanh. Chi phí trong DN này bao gồm rất nhiều khoản mục chi phí và yếu tố chi phí. Việc nhận thức về chi phí sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng thông tin chi phí cho việc ra quyết định. Chi phí trong các DN CBTĂCN cần được phân loại theo cách ứng xử của chi phí. Chi phí trong DN CBTĂCN nếu chia theo khoản mục chi phí bao gồm chi phí sản xuất (CP NVLTT, CP NCTT, CP SXC) và chi phí ngoài sản xuất (CP BH và CP QLDN). Trong từng khoản mục chi phí có thể có chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí hỗn hợp. Ngoài ra, để phục vụ quá trình lựa chọn phướng án, CP nên được chia thành 3 loại là: CP chênh lệch, CP cơ hội và CP chìm. Đây cũng là cơ sở để nhận diện và phân loại KQKD về sau.
Tại các DN CBTĂCN ở miền Bắc đang phân loại KQKD thành lợi nhuận kinh doanh, lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác. Cách phân loại này thể hiện lợi nhuận theo chức năng hoạt động SXKD của DN trong môi trường pháp lý mà DN đó hoạt động. Các DN này có thể tiến hành phân loại lợi nhuận thành lợi nhuận thực tế và lợi nhuận tiềm ẩn. Lợi nhuận thực tế là mức chênh lệch tăng giữa thu nhập thực tế và chi phí thực tế phù hợp trong từng thời kỳ, lợi nhuận tiềm ẩn là mức chênh lệch tăng giữa thu nhập tiềm ẩn và chi phí tiềm ẩn của từng thời kỳ. Lợi nhuận thực tế thể hiện lợi nhuận cá biệt của DN, lợi nhuận tiềm ẩn thể hiện lợi ích kinh tế tiềm tàng trong xã hội và trong môi trường hoạt động kinh doanh của DN.
1.2. Hệ thống báo cáo KTQT DT, CP và KQKD tại các DN CBTĂCN ở miền Bắc
Qua khảo sát thực tế cho thấy các báo cáo KTQT DT, CP và KQKD của các DN CBTĂCN ở miền Bắc chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và chưa có hệ thống. Do vậy, đối với các DN này cần thiết phải xây dựng hệ thống báo cáo KTQT đáp ứng được yêu cầu quản lý. Tác giả đề xuất ba nhóm báo cáo:
(a) Báo cáo quản trị thực hiện:
Báo cáo KTQT quản trị thực hiện được lập trên cơ sở tổng hợp số liệu từ hệ thống sổ kế toán quản trị, định mức và dự toán. Cụ thể, nhóm báo cáo về chi phí SXKD thực tế và giá thành các loại sản phẩm của DN, bao gồm: Báo cáo về CP NVL trực tiếp (chi tiết theo từng NVL xuất dùng); CP NC trực tiếp (chi tiết cho từng khoản và chi tiết theo biến phí và định phí), CP SXC (chi tiết theo từng nội dung CP và chi tiết theo biến phí và định phí) thực tế phát sinh, báo cáo CPBH, CP QLDN (chi tiết theo nội dung CP và theo biến phí và định phí); báo cáo về giá thành từng loại SP do sản xuất hoàn thành (báo cáo có thể lập theo khoản mục chi phí, nội dung chi phí, đồng thời lập báo cáo giá thành trên cơ sở phân loại chi phí thành biến phí và định phí); báo cáo GTSX toàn bộ, báo cáo GTSX theo biến phí, báo cáo giá thành toàn bộ theo biến phí…; nhóm báo cáo về tình hình tiêu thụ và DT tiêu thụ cũng như các khoản giảm trừ DT bao gồm báo cáo bán hàng theo từng mặt hàng, từng chi nhánh, từng đại lý, từng nhân viên bán hàng; báo cáo về các khoản giảm trừ DT phát sinh trong kỳ…; nhóm báo cáo về KQKD trong kỳ gồm báo cáo KQKD lập theo chức năng, theo nội dung; lập dưới dạng lãi trên biến phí chi tiết cho từng loại TĂCN, từng chi nhánh, từng đại lý.
(b) Báo cáo đánh giá hiệu quả bộ phận
Báo cáo đánh giá hiệu quả bộ phận (Báo cáo bộ phận) sẽ giúp nhà quản trị DN CBTĂCN ở miền Bắc có được những đánh giá toàn diện về từng mặt hoạt động của DN. Từ đó, nhà quản trị sẽ đánh giá được thành quả của từng trung tâm trách nhiệm và thành quả của quản lý bộ phận, từ đó có những thông tin hữu ích để đánh giá cũng như kiểm soát hoạt động của các bộ phận trong DN.
Khi xác định các trung tâm trách nhiệm, các doanh nghiệp CBTACN có thể chia thành các trung tâm trách nhiệm (1) Trung tâm đầu tư: Hội đồng quản trị (đối với các công ty cổ phần), Ban giám đốc (đối với Công ty TNHH), các công ty con, chi nhánh (đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn có công ty con và chi nhánh); (2) Trung tâm lợi nhuận: Là các nhà máy; (3) Trung tâm doanh thu: Các chi nhánh tiêu thụ, bộ phận bán hàng tại công ty; (4) Trung tâm chi phí: Trung tâm chi phí cấp độ nhà máy hoặc cấp độ phân xưởng. Báo cáo đánh giá hiệu quả bộ phận bao gồm các báo cáo chủ yếu, như: Báo cáo kết quả kinh doanh theo nhà máy, Báo cáo kết quả kinh doanh theo phân xưởng, Báo cáo kết quả kinh doanh theo từng loại sản phẩm, Báo cáo kết quả kinh doanh theo từng chi nhánh tiêu thụ.
(c) Báo cáo kế toán quản trị phân tích, tư vấn
- Báo cáo phân tích biến động chi phí:
Các DN CBTĂCN ở miền Bắc đã thực hiện phân tích chênh lệch CP nhằm kiểm soát CP, tuy nhiên việc phân tích mới chỉ dừng lại ở việc so sánh giữa CP (khối lượng) thực hiện với CP (khối lượng) định mức, kế hoạch mà chưa phân tích sự chênh lệch, lý do chênh lệch và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến nguyên nhân chênh lệch đó. Vì vậy, các DN nên lập Báo cáo phân tích biến động CP. Việc phân tích biến động CP sẽ giúp các DN này có thể xác định được khả năng tiềm tàng, nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động đến sự tăng giảm CP thực tế so với CP định mức, dự toán đặt ra trước đó. Trên cơ sở đó, nhà quản trị có những giải pháp đúng đắn, kịp thời để chấn chỉnh hoặc tiếp tục phát huy những biến động đó theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
- Báo cáo phân tích chi phí so với doanh thu:
Thông qua báo cáo phân tích CP so với DT, nhà quản trị DN CBTĂCN ở miền Bắc biết được để đạt được một đồng DT cần bỏ ra bao nhiêu đồng CP. Đồng thời đánh giá được sự thay đổi của CP ảnh hưởng đến DT như thế nào.
- Báo cáo phân tích thu nhập theo từng loại sản phẩm:
Để có thông tin về thu nhập mà từng loại SP mang lại cho DN cũng như nắm bắt được các thông tin về tình hình DT, GV, CP, quan hệ so sánh giữa GV với DT, lợi nhuận với CP hay lợi nhuận với DT của từng loại SP, thì các DN cần lập Báo cáo phân tích thu nhập theo từng loại sản phẩm theo mẫu.
- Báo cáo phân tích thông tin liên quan đến mối quan hệ C-V-P:
Từ thông tin trên các báo cáo thực hiện về DT, biến phí, định phí, sản lượng tiêu thụ của từng loại SP, từng mặt hàng có thể dễ dàng xác định các chỉ tiêu được dùng phổ biến trong phương pháp hạch toán chi phí biên (hay còn gọi là phương pháp số dư đảm phí) để xây dựng mối quan hệ C-V-P. Cụ thể là các chỉ tiêu: đơn giá bán, biến phí đơn vị, lãi trên biến phí đơn vị, tổng lãi trên biến phí, tỷ lệ lãi trên biến phí… Việc vận dụng các chỉ tiêu này giúp ích hiệu quả cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị DN liên quan đến tiếp tục sản xuất và tiêu thụ loại sản phẩm nào nữa không? Có nên mở rộng thị trường tiêu thụ hay không? Với năng lực dư thừa có nên thúc đẩy sản xuất sản phẩm nào? Xác định có nên hay không nên tăng (giảm) biến phí, định phí nào đó để tăng khối lượng tiêu thụ, tăng doanh thu…
- Báo cáo phản ánh các thông tin thích hợp cho việc ra quyết định:
Để có thể lập được các báo cáo phản ánh thông tin thích hợp cho việc lựa chọn các phương án, kế toán tiến hành thu thập những số liệu ước tính về DT và CP hoạt động của các phương án, sử dụng phương pháp phân tích chênh lệch để tiến hành so sánh các phương án có thể thay thế lẫn nhau, thông qua việc chú trọng vào chênh lệch về DT và CP ước tính của các phương án. Tiến hành sắp xếp những thông tin liên quan để xác định phương án nào có mức độ đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận hoặc có chi phí thấp nhất, lưu ý là chỉ có những dữ liệu khác nhau giữa các phương án mới nằm trong báo cáo này.
1.3. Quy trình thu thập thông tin lập hệ thống báo cáo KTQT DT, CP và KQKD tại các DN CBTĂCN ở miền Bắc
(a) Xây dựng chứng từ kế toán
Theo điều 117, chương IV, Thông tư số 200/2014/TT-BTC, hệ thống chứng từ không bắt buộc phải tuân thủ. Các DN được chủ động xây dựng và thiết kế mẫu biểu chứng từ kế toàn phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý mình nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán và đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu. Về mặt nguyên tắc chung vẫn duy trì hệ thống chứng từ liên quan đến phần hành kế toán này theo TT 200/2014/TT-BTC và TT 133/2014/TT-BTC.
(b) Xây dựng tài khoản kế toán
TKKT cần được chi tiết nhằm phục vụ cho KTTC và cung cấp thông tin cho KTQT, đặc biệt là KTQT doanh thu và chi phí. Trong các DN CBTĂCN được khảo sát thì 100% các DN đều sử dụng phần mềm kế toán. Do vậy, việc mã hóa số hiệu tài khoản và ứng dụng phần mềm giúp việc thu thập và ghi nhận thông tin về doanh thu, chi phí, để từ đó có thể lập được các báo cáo KTQT trong DN một cách nhanh chóng và hiệu quả.
+ Đối với các tài khoản chi phí sản xuất:
- 3 chữ số đầu tiên: Là số hiệu tài khoản cấp 1 theo quy định.
- Chữ số tiếp theo: Chi phí được chi tiết theo yếu tố chi phí.
- Chữ số tiếp theo thể hiện mối quan hệ giữa chi phí và mức độ hoạt động. Quy ước: 1 là chi phí cố định; 2 là chi phí biến đổi và 3 là chi phí hỗn hợp.
- Chữ số tiếp theo thể hiện nơi phát sinh chi phí.
- Tiếp theo là mã sản phẩm cụ thể: Thể hiện đối tượng chịu chi phí.
Ví dụ: TK 62121B592: CP NVL trực tiếp, là CP biến đổi, phát sinh ở phân xưởng 1, sản xuất sản phẩm cám hỗn hợp lợn thịt.
+ Đối với các tài khoản phản ánh giá vốn hàng bán:
Nhằm xác định KQKD theo từng sản phẩm, từng khách hàng, từng chi nhánh và tổng hợp lại sẽ xác định được kết quả kinh doanh toàn DN. Nên TK Giá vốn hàng bán được mã hóa như sau:
- 3 chữ số đầu tiên: Là số hiệu của TK cấp 1 theo quy định.
- Chữ số tiếp theo: Chi phí về giá vốn được chi tiết theo chi nhánh. Quy ước: 1 là chi nhánh miền Bắc; 2 là chi nhánh miền Trung và 3 là chi nhánh miền Nam.
- Chữ số tiếp theo: Chi phí về giá vốn được chi tiết theo khách hàng.
- Chữ số tiếp theo: Chi phí về giá vốn được chi tiết theo từng sản phẩm.
Ví dụ: TK 6321ABB592: Giá vốn của sản phẩm cám hỗn hợp lợn thịt của chi nhánh miền Bắc, chi tiết trang trại An Bình.
+ Đối với các tài khoản kế toán phản ánh doanh thu:
Tương ứng với các TKKT phản ánh chi phí về giá vốn, các TK phản ánh DT cũng được mã hóa tương ứng như vậy để có thể xác định được KQ của từng hoạt động, từng bộ phận, lập báo cáo KTQT theo yêu cầu quản trị DN. Ví dụ: TK 5111ABB592: DT của SP cám hỗn hợp lợn thịt của chi nhánh miền Bắc, chi tiết cho trang trại An Bình.
(c) Xử lý thông tin lập hệ thống báo cáo
Sau khi nhập hoặc nhận chứng từ DT và CP, căn cứ vào kí hiệu được mã hóa, máy tính hoặc kế toán nhận dạng, phân tích và ghi nhận DT, CP trên tài khoản các cấp tương ứng. Cuối kỳ hoặc khi có nhu cầu thông tin DT, CP, tổng hợp thông tin này lập các báo cáo theo các yêu cầu quản trị của DN. Đối với KQKD, khi đến kỳ tính KQ, căn cứ CP, DT đã nhập liệu hoặc kế toán tổng hợp trên các tài khoản chi tiết về DT, CP kết hợp với nguyên tắc phù hợp giữa CP và DT đã được quy định tại DN lập báo cáo KQKD theo yêu cầu quản trị.
2. Cơ chế vận hành nhân sự KTQT tại các DN CBTĂCN ở miền Bắc
Cơ chế vận hành nhân sự thực hiện KTQT nhằm xác lập quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong chỉ đạo, thực hiện quy trình thu thập, trao đổi thông tin cần thiết để đảm bảo thiết lập hệ thống báo cáo KTQT hữu ích hay đảm bảo phù hợp với cơ chế vận hành nội dung KTQT. Trong các DN CBTĂCN ở miền Bắc, với sự phân cấp quản trị, mỗi nhà quản trị ở từng cấp khác nhau sẽ có những quyền hạn, trách nhiệm nhất định về hoạt động của họ trước cấp trên, trước các thành viên. Vì vậy, để vận hành KTQT, người có lợi ích, chịu trách nhiệm cũng như có quyền chỉ đạo về xây dựng thực hiện KTQT không ai khác chính là những nhà quản trị các cấp trong DN. Mặt khác, KTQT là một ngành kế toán độc lập trong phân hệ của hệ thống kế toán, nên người đứng đầu bộ phận kế toán chính là người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn của KTQT và từng nhân viên, từng nhóm nhân sự tham gia vào công tác KTQT là người chịu trách nhiệm cụ thể từng phần hành chuyên môn của KTQT.
Để đảm bảo sự chỉ đạo của giám đốc, sự chỉ đạo về chuyên môn của kế toán trưởng, KTQT được xây dưng thành một bộ phận chuyên môn riêng nhưng đặt trong bộ phận kế toán, kết nối linh hoạt với bộ phận KTTC và với ban giám đốc của DN. Đồng thời, nhân sự thực hiện công tác KTQT được tổ chức linh hoạt thành từng nhóm chuyên môn hóa theo thông tin thực hiện các chức năng quản trị ví dụ nhóm soạn thảo dự toán, nhóm soạn thảo tiêu chuẩn nội bộ về DT, CP và KQKD, nhóm soạn thảo về báo cáo thực hiện…
3. Đề xuất mô hình tổ chức bộ máy KTQT trong các DN CBTĂCN ở miền Bắc
Xuất phát từ nhu cầu thông tin của nhà quản trị cũng như căn cứ vào quy mô và năng lực kinh tế của đơn vị mình, các DN này cần hoàn thiện bộ máy kế toán để thực hiện công tác KTQT. Dựa vào đặc điểm của các DN CBTĂCN ở miền Bắc, tác giả đề xuất các DN này tổ chức bộ máy KTQT theo mô hình KTQT kết hợp với KTTC. Theo mô hình này, hệ thống KTQT được xây dựng kết hợp để đáp ứng với các yêu cầu khác nhau của công tác quản trị DN bên cạnh công tác KTTC. Mô hình cụ thể như sau:
Sơ đồ 2: Mô hình tổ chức bộ máy kế toán theo mô hình kết hợp giữa KTQT và KTTCTheo mô hình này, kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của doanh nghiệp, phụ trách toàn bộ công tác kế toán bao gồm cả kế toán tài chính và kế toán quản trị và chỉ đạo thực hiện theo mô hình trực tuyến chức năng.
Với DN có quy mô vừa và nhỏ thì kế toán trưởng chỉ đạo trực tiếp đến nhân viên kế toán các phần hành. Đối với các DN có quy mô lớn thì bố trí 02 phó phòng kế toán. Trong đó, 01 phó phòng phụ trách KTTC: chịu sự chỉ đạo của kế toán trưởng thực hiện quản lý nghiệp vụ KTTC, ngoài ra còn phối hợp với KTQT trong việc thực hiện chức năng chuyên môn. Và 01 phó phòng kế toán phụ trách KTQT: chịu sự chỉ đạo của kế toán trưởng thực hiện các nội dung của KTQT. Các thông tin mà kế toán thu thập bao gồm cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính nhằm phục vụ cho lập dự toán, phân tích, đánh giá hoạt động và tư vấn cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị.
Tóm lại, việc tổ chức ứng dụng KTQT là tái cấu trúc thông tin KTQT sao cho phù hợp với nhu cầu thông tin quản trị và phù hợp với đặc điểm, quy mô của đơn vị. Hơn nữa, cần phải xác định tổ chức ứng dụng KTQT không phải là yêu cầu bắt buộc của mọi DN. Các DN CBTĂCN ở miền Bắc có quyền lựa chọn những hình thức tổ chức phù hợp, lựa chọn hệ thống báo cáo là hữu ích cho DN mình ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (giai đoạn 2012 - 2016) của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngày 28/3/2017.
2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
3. Dự án CARD 030/60 VIE: Xây dựng chiến lược nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ nông thôn trong chuỗi giá trị nông nghiệp: Trường hợp ngành thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
4. Phạm Văn Dược (2006), Kế toán quản trị, NXB Thống kê.
5. Phạm Văn Dược, Huỳnh Lợi (2009). Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính.
SUGGESTING MODELS AND MECHANISM FOR OPERATING
THE REVENUE-COST MANAGEMENT ACCOUNTING MODEL:
BUSINESS RESULTS IN THE ANIMAL FEED PROCESSING
ENTERPRISES IN THE NORTH OF VIETNAM
● MA. PHAM HOAI NAM
Banking Academy
ABSTRACT:
An urgent issue facing all businesses is the access to accounting information in general and accounting information on revenues, costs and results of business in particular are restricted. Due to the transparency of the information, both financial accounting information (provided to third parties) and management accounting information (provided to managers in the enterprise) are also limited. In order to ensure the management accounting information is flexible and timely, it is necessary to understand the model and operation mechanism of management accounting in enterprises. In this paper, the author proposes the models and mechanism for operating the revenue-cost management accounting model: business results in the animal feed processing enterprises in the north of Vietnam, aiming to raise the role and the effectiveness of management accounting in these enterprises.
Keywords: Revenue management accounting models, costs, business results, feed processing enterprises.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 2 tháng 2/2018 tại đây