Côn Lôn tức Côn Đảo là một quần đảo xa xôi trên biển Đông, gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km², nơi đã từng là “địa ngục trần gian” giam cầm những người Việt Nam yêu nước, chiến sỹ cách mạng chống lại chế độ thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn trong suốt 113 năm (1862 - 1975).
Trong những ngày cả nước vừa kỷ niệm 48 năm thống nhất đất nước, Tạp chí Công Thương đã tổ chức cho cán bộ, phóng viên chuyến về nguồn, đi thực tế thăm lại nơi chứng tích lịch sử tại Côn Đảo, để cùng nghe lại những ngày tháng vô cùng gian khổ nhưng rất anh hùng ở nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của bao lớp chiến sỹ cách mạng năm xưa. Đây cũng là một hoạt động sinh hoạt chính trị của Tạp chí Công Thương.
Sử Việt trước thế kỷ XX thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Ngày 28/11/1861, Pháp chiếm đảo, sau đó 2 tháng Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập khu giam cầm tại Côn Đảo, lập tức ở vị trí đó họ đã cho xây dựng lên một nhà ngục tạm thời bằng vách đất mái tranh và 50 tù nhân đầu tiên có mức án từ 1 đến 10 năm tù bị đưa ra Côn Đảo giam tại đây vào đầu tháng 3 năm 1862.
Sau đó 3 tháng vào đêm 28/6/1862 năm mươi tù nhân này đã kết hợp với hơn một trăm quan lính triều Nguyễn làm cuộc khởi nghĩa nổi dậy đốt phá trại giam, đánh đuổi khoảng một chục tên cai ngục Pháp xuống một chiếc thuyền nhỏ về nước. Nhưng sau cuộc khởi nghĩa số nghĩa binh này không tìm được phương tiện về đất liền nên hai tuần lễ sau Thực dân Pháp đã phái một thông hạm tên Nozazaray đến Côn Đảo tàn sát số nghĩa binh, họ giết chết hơn 100 người và bắt sống 20 tù nhân. Họ buộc 20 tù nhân này phải mang hơn 100 xác chết lên trên một đồi cát chôn chung một mồ sau đó chôn sống luôn 20 tù nhân đó (nay là Di Tích Bãi Sọ Người). Sau đó thực dân Pháp cho xây dựng một nhà ngục kiên cố với tổng diện tích là 12.015m2 có tường dày bao bọc bên ngoài. Kể từ đó Địa ngục Côn Lôn chính thức hình thành.
Nghĩa trang Hàng Dương là nơi đoàn chúng tôi đến đầu tiên khi đặt chân lên Côn Đảo trong một buổi chiều đầy nắng và gió. Nghĩa trang Hàng dương rộng khoảng 20ha, trong 113 năm tồn tại của địa ngục, đã có trên 20 ngàn người bị vùi xác nơi đây, phần mộ ở đây đa phần là những mộ vô danh. Gió thổi, mưa trôi thấy xương nổi lên người ta xây thành mộ, không ai dám bới lên xem dưới đó có mấy lớp xương người, nên đã có câu:
“Đất Côn Lôn che dưới lớp xương người
Không bia mộ, không tên không tuổi”.
Trên bia mộ của mỗi người tù vô danh chỉ duy nhất một ngôi sao đỏ. Các ngôi mộ quay về các hướng khác nhau theo như vị trí khi bị vùi lấp nhưng các bát nhang vẫn đầy chân hương, các anh không lạnh lẽo nơi này. Những gốc dương già che chở các phần mộ và thiên nhiên tĩnh mịch ru các anh trong cõi vĩnh hằng...
Ngôi mộ được nhiều người đến viếng và đặt hoa nhất là mộ chị Võ Thị Sáu. Chị Sáu quê ở Đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu sinh năm 1933. Chị hoạt động trong đội quân biệt động bị địch bắt lúc mới 17 tuổi, là lứa tuổi vị thành niên nên chúng không xử bắn được, chúng giam chị vào khám lớn Chí Hoà. Mùa Thu năm 1952 chúng đem chị ra Côn Đảo, đưa vào trại biệt giam và sáng ngày hôm sau đem ra trường bắn. Chị đã ra đi khi tuổi đời mới tròn 19, cái tuổi đẹp đẽ nhất của đời người con gái. Chị sống mãi vì dân tộc với lứa tuổi thanh xuân trong trắng của mình và muôn năm được nhân dân gọi là chị. Nhưng dân đảo tôn thờ họ gọi chị là cô Sáu linh thiêng… Mỗi một nắm đất của nghĩa trang Hàng Dương là dấu tích của bao sự kiện đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, lớp trước ngã xuống lớp sau đứng lên tiếp bước.
Có đến nơi này, và tận mắt chứng kiến sự dã man của thực dân đế quốc đối với những chiến sỹ cách mạng, chúng tôi mới thấy hết được sự tàn bạo của ngục tù Côn Đảo, một Địa ngục tại trần gian – một địa ngục với nhiều tầng địa ngục: 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”. Trong chốn lao tù Côn Đảo, người tù không chỉ mất tự do. Họ còn chịu khổ sai, nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ ngày này qua ngày khác. Mỗi nhà lao Côn Đảo là một tầng địa ngục.
Các kiểu khủng bố hành hạ thời trung cổ được kết hợp với những kiểu tra tấn, đàn áp vận dụng các “thành tựu khoa học kỹ thuật” hiện đại tinh vi để đánh lên mọi giác quan của con người. Kiểu “tra tấn tinh thần” này có thể nhìn thấy rõ ở chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ. Giả dụ như ở Trại giam Phú Bình, Mỹ - Ngụy làm những phòng tù rộng chỉ vài mét vuông, những tên cai ngục gõ vào đó để “tra tấn” cái tai của các chiến sỹ, chúng lợp mái fibro xi-măng dưới cái nắng cháy da ở Côn Đảo để người tù thấy bức bối, rồi bên ngoài là cả một không gian cây xanh thật rộng, thật mát mẻ. Để khi người tù công kênh nhau lên mà ngó qua song sắt, họ sẽ càng thấy khát vọng tự do, họ càng muốn ra ngoài thì lại càng nhụt ý chí chiến đấu.
Trải qua 113 năm, Côn Đảo là chiến trường đặc biệt của cuộc đấu tranh sống còn giữa những người yêu nước và chiến sĩ cách mạng với kẻ thù, trước hết là thực dân Pháp và tay sai Nam triều, tiếp đó là đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Xà lim Chuồng Cọp hẳn là tầng địa ngục tận cùng trên thế gian. Lại có Hầm Phân Bò, nơi có hệ thống cống ngầm đưa phân từ chuồng nuôi bò sang để ngâm người tù xuống đó mà tra tấn, hành hạ bí mật.
Một lần đến với Côn Đảo, chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về giá trị của độc lập tự do được đổi bằng máu xương của bao thế hệ chiến sỹ cách mạng, của bao lớp cha anh đi trước. Một lần về Côn Đảo để nhận thức rõ hơn về một hòn đảo anh hùng, một chứng tích lịch sử vĩ đại, Côn Đảo mãi là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau.
Tôi cứ nhớ mãi lời của chị Đặng Thị Ngọc Thu – Tổng Biên tập Tạp Chí Công Thương: “Nếu chỉ ngồi nhà đọc sách thôi thì chưa đủ. Phải đến tận nơi, chứng kiến từng hình ảnh chân thật, nghe từng câu chuyện thấm đẫm nước mắt từ cô hướng dẫn viên thì mới thấy cha anh chúng ta kiên cường thế nào, mới thấy được… Giá trị của Độc lập - Tự do”.