Dệt may TNG: Tích cực ứng dụng công nghệ và chuyển đổi xanh trong ngành dệt may

Tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu năng suất lao động...Đó là những giải pháp mà Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) đã thực hiện trong thời gian qua nhằm đạt mức doanh thu gần 3.527 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 193 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lợi thế cạnh tranh của Dệt may TNG

Dệt may TNG có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với ngành nghề kinh doanh cốt lõi là sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Trải qua quá trình gần 50 năm phát triển, đến nay công ty đã mở rộng quy mô với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại cùng với đội ngũ hơn 17.000 lao động tay nghề cao. Các đối tác của Dệt may TNG đều là các nhà bán lẻ có thương hiệu lớn như Decathlon, Columbia TCP, H&M, The Children’s Place, Capital, Itochu, Cahard, John New York...

Bên cạnh chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, một điểm mạnh khác của Dệt may TNG trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp là luôn đáp ứng được thời gian giao hàng đúng hạn. Để thực hiện được được cam kết về thời gian, Dệt may TNG đã triển khai sử dụng hệ thống ERP – hệ thống kiểm soát năng suất, tiến độ sản xuất giao hàng của từng mã hàng theo từng giờ, từng ngày, cảnh báo kịp thời nếu hàng có nguy cơ trễ hạn giao hàng. Nhờ thế, Dệt may TNG được nhiều đối tác đánh giá cao và tin tưởng đặt hàng lâu dài, ổn định.

Cũng như các doanh nghiệp dệt may khác, sau giai đoạn đại dịch Covid-19, Dệt may TNG cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của ngành. Đứng trước những thách thức, công ty đã mạnh dạn tăng cường chủ động chuyển đổi, tăng cường cung cấp nguyên phụ liệu và chuyển dần sang làm mẫu phát triển để gia tăng giá trị lợi nhuận trên sản phẩm.

Hơn thế, để tận dụng các ưu đãi thuế quan, công ty cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao sản xuất ngay tại Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu đặt hàng, nhập nguyên phụ liệu đến sản xuất và xuất khẩu, nhằm đảm bảo cam kết với khách hàng. Nhờ những chiến lược kinh doanh đột phá, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành may mặc chật vật tồn tại trong giai đoạn khó khăn thì Dệt may TNG vẫn tự tin trụ vững với mức tăng trưởng khá.

Ứng dụng công nghệ AI trong ngành dệt may

Điểm khác biệt nổi bật của Dệt may TNG không chỉ nằm ở kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu mà còn ở sự tiên phong trong đầu tư vào nghiên cứu, cải tiến công nghệ, tự động hoá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành dệt may. Đón sóng công nghệ, năm 2022, Dệt may TNG thành lập Chi nhánh giải pháp công nghệ TRE với nhiệm vụ chủ lực khi đó là thực hiện Dự án Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình quản trị, sản xuất, giảm thiểu các rủi ro, dự báo các nguy cơ rủi ro về nhân sự, nguyên vật liệu đầu vào, bán hàng và quản trị tài chính, thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường.

Tiếp sức từ thành công của TRE, năm 2023, Dệt may TNG tiếp tục đưa vào hoạt động Chi nhánh TOT (công nghệ tự động hoá) với kỳ vọng hiện thực hoá mục tiêu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm máy tự động hoá công nghệ cao dành cho lĩnh vực may mặc, nhằm tăng năng suất lao động, giảm bớt chi phí nhân công, tiết kiệm chi phí đầu tư máy tự động bên ngoài.

Với những động thái tiếp cận công nghệ, Dệt may TNG đã cho thấy tầm nhìn của doanh nghiệp trong tương lai là muốn định vị Dệt may TNG trở thành doanh nghiệp dệt may cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh. Đại diện Dệt may TNG Chủ tịch Nguyễn Văn Thời đã khẳng định: “Mục tiêu trong tương lai, Dệt may TNG sẽ trở thành đơn vị cung ứng phần mềm quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cho các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước”.

dệt may TNG

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh

Với mục tiêu đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng xu hướng toàn cầu về xanh hoá, những năm gần đây, Dệt may TNG đã dành nhiều công sức để nghiên cứu và từng bước áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.

Một trong số những động thái cụ thể của doanh nghiệp là: lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà máy Việt Đức, Việt Thái; lắp đặt hệ thống lò Biomas tại Chi nhánh Bao bì; 100% các nhà máy được lắp đặt các hệ thống quan trắc nước thải tự động;  sử dụng các sản phẩm, nguyên vật liệu có hàm lượng chất gây ô nhiễm môi trường thấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Dệt may TNG cũng đã gần như thay thế toàn bộ các lò hơi đốt than sản sinh nhiều CO2 bằng các lò hơi điện thân thiện với môi trường. Hệ thống chiếu sáng của Công ty cũng được đổi từ bóng điện sợi đốt sang bóng huỳnh quang. Hệ thống điện chiếu sáng ngoài nhà được thay thế bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Các nhà máy mới của Dệt may TNG đều được xây dựng theo hướng xanh hoá, đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà máy xanh như nàh máy TNG Võ Nhai đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED và LOTUS...

Dựa trên những thay đổi cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, Dệt may TNG đang cho thấy cam kết mạnh mẽ của mình trong định hướng phát triển doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường.

Định hướng tới năm 2030, Ban điều hành của Dệt may TNG đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm việc đẩy mạnh tốc độ phát triển và duy trì mức tăng trưởng bình quân từ 5-10% mỗi năm.

Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời đã chia sẻ: “Chúng tôi sẽ nắm bắt những thời cơ mới nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển của Dệt may TNG và phấn đấu đến năm 20230 trở thành một trong các công ty có doanh thu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD”.

Tin tưởng với sự đổi mới không ngừng và cam kết hướng đến xuất khẩu bền vững, Dệt may TNG đã đang và sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc định hình lại ngành công nghiệp dệt may Việt Nam với những quy chuẩn xanh hoá, tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế, góp phần hiện thực hoá giấc mơ vươn xa của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.

Minh Huế