Hà Sơn là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Hà Trung – Thanh Hóa, nổi tiếng bởi cụm di tích danh lam thắng cảnh Hàn Sơn gồm: chùa Ngọc Sơn, đền Hàn Sơn, đền Ba Bông và các thắng cảnh liên quan được Nhà nước công nhận từ năm 1992.
Từ cầu Lèn (thị trấn Hà Trung) ngược về hướng Tây khoảng 9 km là đền Hàn Sơn, du khách có thể đi bằng ô tô, xe máy hay đi bộ. Nhưng thú vị nhất là bằng thuyền, ca nô đến Hàn Sơn. Lòng khách sẽ thấy say đắm về một vùng non nước kỳ vĩ, nên thơ. Khi đi qua xã Hà Ngọc, chúng ta có dịp ghé thăm vùng đất lịch sử đậm đặc không gian văn hóa Lý - Trần như: chùa Linh Xứng và đền thờ Lý Thường Kiệt. Sau đó, khách sẽ đến với cụm di tích danh lam thắng cảnh Hàn Sơn.
Hà Sơn là một vùng đất linh kiệt, sơn thủy hữu tình, có núi non tầng tầng lớp lớp, có mây trời lãng đãng tựa non tiên du khách xưa nay tìm đến trầm tư mặc tưởng và đắm mình vào lễ hội. Xưa kia, thôn Kẻ Nước, Chí Thủy là khu vực đền Hàn Sơn bây giờ, điều này thật thú vị khi ngã ba Bông là nơi sông Mã tách dòng trước khi ra biển cả. Về mặt địa lý, vùng đất này nằm lọt vào vùng rốn nước trung tâm của châu thổ sông Mã. Ở miền sông nước lại có núi non bao quanh, cái tên Hàn Sơn cũng được cắt nghĩa thật đơn giản. Về triết tự, Hàn có nghĩa vực, thác ngầm, Sơn là núi… ở khúc sông chảy qua. Quả núi liền kề nơi dòng sông đi qua chỗ Hàn được gọi là núi Hàn và ngôi đền có tên gọi Hàn Sơn.
Tương truyền vào năm Hồng Đức (Vua Lê Thánh Tông năm 1470) sai Thái úy Lê Thọ Vực chấn ải ngã ba sông Mã, nơi “rừng thiêng nước độc”. Trong lúc tình thế nguy cấp bỗng có người phụ nữ xiêm áo trắng (sau này gọi là Mẫu Đệ Tam) từ trên mây bước xuống bên võng mà rằng: “Hãy về nơi Nhị sơn hạ thủy vây hãm, cầu Mẫu thoải (mẹ nước) tất ứng linh”. Y lời, mạc Tướng về nơi Chí Thủy (Đền Hàn Sơn bây giờ) bố trí binh trận. Khi nước triều dâng lên cũng là lúc quân Mạc kéo đến, mạc Tướng cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến, giả thua chạy về. Khi quân Mạc kéo vào nơi phục binh bị mạc Tướng cho quân ra đuổi đánh, quân giặc chết vô kể, máu nhuộm đỏ sông.
Người con ái ngồi trên kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy là con gái Ngọc Hồng thượng đế (Công chúa Mai Hoa), nay gọi là Cô Ba hoặc Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tân Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một.
Để đáp lại ân đức của các thánh thần tướng Lê Thọ Vực tâu lên vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bãi bồi ven ngã Ba Bông hiện nay, đền thờ thánh Mẫu đệ tam ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di chuyển xuống ven sông để nhân dân thuận lợi thăm viếng). Lại nhớ ơn công đức của tướng Lê Thọ Vực, nhân dân lập đền thờ ông ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái (từ đó đến nay vẫn giữ nguyên vị trí sắp xếp đó).
Từ đó lễ hội Hàn Sơn được ra đời, tổ chức vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm. Phần chính của Lễ hội là ngày rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ từ đền Ba Bông về hầu thánh Mẫu đệ tam đền Hàn (từ ngày mùng 9 – 12/6 âm lịch). Khi thực hiện xong nghi lễ lại rước cô trở về.
Đền Hàn Sơn tựa như một bức tranh sơn dầu - thủy mặc, nhưng lại mang trong mình yếu tố tâm linh mà nơi khác không có được. Ngôi đền được lập ở nơi sườn non sơn thủy. Nhìn bên ngoài, đền Hàn Sơn không tráng lệ nhưng ấn tích và thời gian càng làm tăng thêm giá trị cổ kính, uy nghi và thiêng liêng của ngôi đền. Cổng đền hướng ra bờ sông Lèn, ở giữa là bức đại tự “Hàn Sơn linh từ”. Bên trong, đền được lập theo 4 cấp với 4 cung uy nghi, tráng lệ.
Sau hậu cung lên tới đỉnh núi ngự khoảng gần cây số là nơi Mẫu Đệ tam giáng thế. Tuy là đỉnh núi nhưng rất bằng địa ở giữa là một phiến đá rộng khoảng chục mét vuông, xung quanh rừng thông bạt ngàn ngày đêm lộng gió.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng rõ nhất cụm danh lam thắng cảnh Hàn Sơn và đồng ruộng, xóm làng con người luôn cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Lòng du khách nhẹ đi rất nhiều!. Khi về đêm, toàn cảnh TP.Thanh Hóa, TP.Ninh Bình hay biển Đông như hiện ra trước mắt ta trong tiếng gió vi vu của đại ngàn rừng thông. Quả thật là:
"Đỉnh non cao thạch bàn chúa ngự
Dưới thác Hàn sóng vỗ reo ca"
Nằm trong cụm Di tích danh lam thắng cảnh Hàn Sơn, đền Ba Bông (còn gọi là đền cô Ba, cô Bơ) cũng không kém hấp dẫn. Theo lộ trình, du khách thường bắt đầu từ đền Thánh Mẫu, sau đó ngược lên phía tây khoảng 2 km, là đền Ba Bông. Đến đây, ta không chỉ được gọt rửa bao điều phiền muộn trong cuộc sống mà còn cảm thấy được che trở như có một nguồn sức mạnh kỳ diệu truyền vào cơ thể. Người tham gia lễ hội rất đông đúc nhưng không chen lấn, có đủ mọi thành phần đến từ khắp mọi niềm trên cả nước.
Theo lộ trình, Lễ hội xong du khách sẽ đi về phía Đông Bắc (cách quốc lộ 127 khoảng 2 km) để ra Quốc lộ 1A về nhà, chúng ta sẽ còn được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ của vọng cảnh hồ Sun. Nơi đây, sẽ trở thành khu sinh thái nghĩ dưỡng lý tưởng phục vụ lòng khách sau thời gian dài tham quan thắng cảnh, lễ hội Hàn Sơn.