Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia dự kiến hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để thực hiện các đề án như hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm gỗ điêu khắc nghệ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến lâm sản; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ép tiêu chuẩn CARB – P2 phục vụ thị trường xuất khẩu; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ dân dụng và xuất khẩu theo công nghệ ván ghép thanh; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì chất lượng cao...
Phần còn lại, chương trình khuyến công địa phương dự kiến hỗ trợ gần 3 tỷ đồng để thực hiện các đề án như hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 9 đơn vị; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ tại các tỉnh và khu vực phía Bắc năm 2019; hỗ trợ tổ chức phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn.
Ông Hoàng Xuân Phong – Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngay sau khi được phê duyệt, Trung tâm đã sớm tiến hành ký kết hợp đồng với các đối tượng thụ hưởng, đưa các đề án vào triển khai. Với sự chủ động và cầu thị trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã có nhiều cách làm hay; đa dạng hơn về nội dung, mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng. Thông qua hoạt động khuyến công đã huy động thêm nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Cũng theo ông Phong, mục tiêu của chương tình những tháng còn lại cuối năm là hoàn thành 100% đề án; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020 đúng thời hạn... Trong khi đó, số lượng cán bộ khuyến công của Trung tâm hạn chế; cán bộ khuyến công cấp huyện, xã và cộng tác viên chưa có. Vì vậy, công việc triển khai các đề án, và nhiệm vụ thường xuyên vẫn phải trông chờ vào đội ngũ cán bộ kiêm nghiệm tại Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện, thị xã, thành phố...