Với mục tiêu xây dựng Thọ Xuân trở thành huyện NTM (năm 2019) có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, Ban chỉ đạo XD NTM huyện Thọ Xuân đã giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT) huyện Thọ Xuân là đơn vị nòng cốt trong triển khai và thực hiện mục tiêu của chương trình.
Ông Lý Đình Sỹ, Trưởng phòng KTHT Thọ Xuân cho biết: Thực hiện kế hoạch xây dựng huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM vào năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nâng cao chất lượng, hiệu quả của quy hoạch và lập dự án về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu ngân sách; phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, ưu tiên dự án trọng điểm, dự án lớn và chúng tôi đã có những kế hoạch, phương án cụ thể cho từng công việc, đảm bảo chương trình về đích đúng hẹn!
Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, do vậy trong những năm qua, huyện Thọ Xuân tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đặc biệt triển khai làm đường theo cơ chế đặc thù từ thiết kế mẫu. Thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn của huyện cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất, dân sinh cũng như tiêu chí NTM. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa chỉ đạt 50%, đường giao thông thôn xóm còn hơn 300 km là đường đất, đá cấp phối, nhiều tuyến đường bị ngập úng vào mùa mưa; đường trục nội đồng chủ yếu là đường đất; nền và mặt đường nhỏ, hẹp.
Giai đoạn 2011-2019, tỉnh và huyện hỗ trợ 38.500 tấn xi măng cho các xã (trong đó huyện hỗ trợ 14.873 tấn), từ nguồn xi măng hỗ trợ các xã đã huy động nhân dân hiến đất, góp tiền, của, ngày công lao động,…. cùng các nguồn vốn hợp pháp khác đã thực hiện bê tông hóa, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 999,9 km đường giao thông nông thôn; 610,9 km đường giao thông nội đồng; nạo vét, cải tạo và xây mới 107,1 km kênh mương nội đồng.
Tất cả các tuyến giao thông từ đường trục xã, thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đảm bảo cho việc sinh hoạt của nhân dân, các xã thường xuyên phát động nhân dân, các tổ chức đoàn thể tham gia phong trào làm vệ sinh môi trường các tuyến đường; vận động nhân dân tự tháo dỡ vi phạm hành lang an toàn giao thông; phát động nhân dân trồng hoa ven đường tạo vẻ đẹp cảnh quan khu dân cư.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản có bước phát triển liên tục với tốc độ khá cao. Đây là một trong những nội dung chủ yếu, quan trọng nhất của chương trình xây dựng NTM, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài của chương trình, nhưng cũng là nội dung khó nhất. Trong những năm qua, phòng KTHT đã tham mưu cho lãnh đạo huyện triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành Công nghiệp - TTCN - Xây dựng của huyện, hàng năm tăng từ 17,1%/năm. Giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng năm 2018 chiếm tỷ trọng 50,2%, tương ứng với tổng giá trị sản xuất là 8.197,7 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011.
Trên địa bàn huyện có 4 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 92 ha, hạ tầng đang được từng bước đầu tư đồng bộ, đã có 3 doanh nghiệp lớn được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như may mặc xuất khẩu, chăn nuôi quy mô lớn, tạo công ăn việc làm khoảng gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, ông Sỹ cho biết thêm.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 4 công ty may xuất khẩu gồm: Công ty May Tiên Sơn với quy mô 6 ha, thu hút trên 1.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 - 6,0 triệu đồng/người/tháng; Công ty giày Phúc Thành với quy mô 2,0ha, thu hút trên 200 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; Công ty may Hồ Gươm với quy mô 4ha, thu hút trên 500 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 - 6,0 triệu đồng/người/tháng.
Công ty May Tùng Phương với quy mô 3 ha, thu hút trên 500 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã thu hút được nhiều lao động với mức thu nhập bình quân 4 -4,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ có vậy, phòng KTHT còn thể hiện rõ nét vai trò của mình trong việc cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đến nay, Thọ Xuân đã nâng cấp 26/26 chợ nông thôn đảm bảo đúng quy định và đạt tiêu chí chợ an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, góp phần lưu thông hàng hoá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của phiên chợ vùng nông thôn. Đối với 15 xã không quy hoạch chợ đều có các điểm kinh doanh, các siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Sau 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, Chương trình xây dựng nông thôn mới được các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực tham gia, đồng tình ủng hộ và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng hiệu quả; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và sản xuất kinh doanh. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn đã đổi mới rõ nét.
Trong dịp đầu xuân năm mới, Đảng bộ, Chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Thọ Xuân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận huyện NTM năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động Hạng ba.