Kể từ khi dịch virus Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 1/2020, các hãng hàng không trên toàn cầu đã phải huỷ hơn 200.000 chuyến bay do nhu cầu đi lại giảm mạnh, đặc biệt là nhu cầu đến và đi từ Trung Quốc – thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
Dữ liệu của hãng tư vấn hàng không Cirium cho thấy, chỉ tính riêng tháng 2/2020, số chuyến bay đến, đi và trong khu vực Trung Quốc đã giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 23/1/2020 đến 18/2/2020, đã có gần 100.000 chuyến bay bị huỷ và gần 90% số này là các chuyến bay nội địa tại Trung Quốc.
Nhu cầu di chuyển giảm mạnh trong bối cảnh hành khách hạn chế đi lại lo ngại lây nhiễm virus Covid-19; đồng thời, các lệnh hạn chế di chuyển của chính quyền Trung Quốc cũng khiến nhu cầu giảm xuống. Tính đến hết ngày 21/2, đã có 76.288 người bị nhiễm virus Covid-19 và 2.360 trường hợp tử vong, 98% các trường hợp này là xảy ra tại Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế toàn cầu cảnh báo dịch virus Covid-19 có thể bùng phát tại nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc trong thời gian tới khi hai ổ dịch mới bùng phát tại Hàn Quốc và Iran. Điều này có thể tiếp tục gây áp lực lớn hơn đối với ngành hàng không toàn cầu.
Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không giảm kéo theo đó là giá nhiên liêu bay giảm mạnh. Nhiên liệu bay là khoản chi phí lớn thứ hai, sau chi phí lao động, đối với các hãng hàng không. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts, giá nhiên liệu bay trên toàn cầu đã giảm 17% tính từ đầu năm đến nay và chạm mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Claudio Galimberti của hãng S&P Global Platts nhận định mặc dù nhu cầu về nhiên liệu có thể bật tăng mạnh trở lại trong nửa cuối năm 2020 khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không phục hồi nhưng tình hình hiện nay cho thấy năm 2020 sẽ là một năm rất khó khăn với ngành hàng không.
Thông thường, chi phí nhiên liệu thấp hơn sẽ là tin tức được các hãng hàng không mong đợi nhưng sự sụt giảm mạnh về nhu cầu đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không.
Kể từ thời điểm bùng phát dịch SARS cuối năm 2002, thị trường du lịch hàng không khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên quan trọng với ngành hàng không toàn cầu. Nhu cầu du lịch bằng đường hàng không của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu toàn cầu trong năm 2019, tăng so với mức 27% hồi năm 2002. Dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2025.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến lần đầu tiên nhu cầu du lịch hàng không trên toàn cầu giảm xuống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA). IATA dự báo dịch virus Covid-19 sẽ gây thiệt hại hơn 29 tỷ USD cho các hãng hàng không trên toàn cầu và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất.
Một số hãng hàng không lớn trên thế giới đang bắt đầu tính toán thiệt hại do dịch virus Covid-19 gây ra. Trong ngày 20/2, hãng hàng không lớn nhất Australia là Qantas cho biết dịch virus Covid-19 có thể khiến hãng này phải cắt giảm 16% số chuyến bay tại khu vực Châu Á từ nay cho đến cuối tháng 5/2020 và khiến doanh thu nửa cuối năm 2020 giảm 99,5 triệu USD.
Hãng Qantas hiện đã hoãn vô thời hạn các chuyến bay tại thị trường Trung Quốc. Hãng cũng giảm đáng kể số chuyến bay đến Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore, hai khu vực đang có nhiều người bị nhiễm virus Covid-19.
Hãng Cathay Pacific, hãng hàng không lớn nhất Hồng Kông đã cho tất cả nhân viên nghỉ không lương ba tuần. Trong khi đó, hãng Hong Kong Airlines sa thải trên 400 nhân viên trong tổng số 3.500 nhân viên; đồng thời, ngưng cung cấp các dịch vụ trên chuyến bay để tiết giảm chi phí.
Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương do phải giảm hơn 70% số chuyến bay tới Trung Quốc. Hiện nay, kể cả những chuyến không bay qua Trung Quốc cũng đã bị hủy. Hãng hàng không Thai Airways cũng cắt giảm số chuyến bay nối từ Bangkok tới Seoul và Singapore do vắng khách.
Liên minh hàng không lớn nhất Châu Âu là Air France – KLM cũng đã huỷ bỏ toàn bộ chuyến bay tại thị trường Trung Quốc và cho biết, tính đến cuối tháng 4/2020, dịch bệnh có thể khiến hãng này thiệt hại 217 triệu USD.
Các chuyên gia nhận định các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực châu Á rất dễ bị phá sản nếu tình hình như hiện nay kéo dài. Nok Air, hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan hiện đang trong tình trạng khó khăn bởi 10 trong 19 điểm đến ở nước ngoài của hãng này là các thành phố ở Trung Quốc. Đối với Asiana Airlines, vốn đang phải đối mặt với khoản lỗ 562 triệu USD trong năm 2019, sự bùng phát của dịch virus Covid-19 chắc chắn sẽ khiến hãng này chìm sâu hơn vào thua lỗ.