Ngày 19/3/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên địa bàn tỉnh nhưng chúng ta không được chủ quan, phải ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh ngay tại chỗ.
“Chống dịch như chống giặc”
Trao đổi với đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn vào ngày 9/3/2019 sau khi phát hiện ổ dịch tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư.
Nguyên nhân chính được xác định do chủ hộ chăn nuôi cho đàn lợn sử dụng thức ăn thừa (xúc xích) chưa qua xử lý nhiệt. Ngay sau khi công bố dịch, huyện Hoa Lư đã thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trực 24/7 để phòng, chống dịch bệnh đồng thời ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.
Cùng với đó, UBND huyện Hoa Lư đã mua 45 tấn vôi tiêu độc khử trùng trong đó 20 tấn vôi, 400 lít hóa chất được sử dụng cho xã Ninh Khang, số còn lại được khử trùng tại các xã lân cận.
Hiện, toàn tỉnh Ninh Bình có 18 chốt kiểm dịch động vật, gồm 03 chốt do UBND tỉnh thành lập (Chốt cầu Khuất tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; chốt cầu Non Nước tại phường Đông Thành, TP. Ninh Bình; chốt Dốc Xây, phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp), 11 chốt do UBND các huyện thành lập, 4 chốt kiểm dịch cấp xã.
Trong số 18 chốt kiểm dịch trên, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tham gia 3/3 chốt kiểm dịch cấp tỉnh, 6/11 chốt kiểm dịch cấp huyện và 2 Đoàn kiểm tra lưu động. Các chốt kiểm dịch thực hiện chế độ trực luân phiên, đảm bảo trực 24/24.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời về kết quả kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Dịch tả lợn châu Phi tại Ninh Bình đã được kiểm soát
Ông Bùi Văn Quý, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Ninh Bình cho biết, để chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, Cục QLTT tỉnh đã yêu cầu các Đội QLTT thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa phương, kịp thời báo cáo về Cục khi có bất thường. Đồng thời, yêu cầu các cán bộ trực tại các chốt thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình tại chốt theo chế độ báo cáo ngày.
Tính đến ngày 18/3/2019, tại 03 chốt kiểm dịch do tỉnh thành lập đã kiểm tra 74 phương tiện chở gia súc, gia cầm. Trong đó có 72 phương tiện có giấy kiểm dịch và đã được tiến hành phun khử trùng, tiêu độc khi qua chốt; 01 phương tiện không có giấy kiểm dịch, các lực lượng tại chốt đã yêu cầu xe quay trở lại; 01 phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng.
Các phương tiện chở tổng số 36.750 con gia súc, gia cầm trong đó có 11.498 con lợn, 1.927 con trâu/bò, 120 con dê và 23.205 con vịt/gà.
Với hai biện pháp được triển khai, đó là ngăn chặn, khoanh vùng tiêu hủy và vệ sinh tiêu độc, khử trùng, 10 ngày trôi qua từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện, Ninh Bình không phát hiện thêm ổ dịch mới.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của tỉnh hiện nay đó chính là khâu tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đề nghị “Bộ xem những địa phương có nhu cầu lượng thịt lớn kết nối với Ninh Bình để tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi tại Ninh Bình”.
Không chủ quan, đẩy lùi dịch bệnh tại chỗ
Trước những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao những giải pháp UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện. “10 ngày kiểm soát không có thêm dịch mới đó là thành công của Ninh Bình”.
Thứ trưởng cho rằng, tỉnh Ninh Bình cần phải xác định đang ở trung tâm của dịch bệnh với diễn biến phức tạp. Dù bước đầu đã khống chế tốt sự lây lan của dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được chủ quan.
Với việc hỗ trợ thấp nhất 80% giá trị sản phẩm cho bà con chăn nuôi vùng bị nhiễm dịch, UBND tỉnh đã cơ bản tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người nông dân. Việc làm này đã đảm bảo bà con nông dân không giấu khi đàn lợn bị nhiễm bệnh, thuận lợi cho quá trình phát hiện và khống chế dịch bệnh ngay tại chuồng.
Tuy nhiên, hiện nay, tổng cầu đang bị ảnh hưởng bởi thịt lợn, nếu không có phương án tái đàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu sau này. Chính vì vậy, mục tiêu đưa ra không để bệnh lây lan vào khu vực phía Nam.
Nhắc lại phương châm của Thủ tướng Chính phủ “phòng dịch như chống dịch”, “chống dịch như chống giặc” Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh đã “chống giặc” thì tất cả phải chống chứ không riêng các cơ quan chức năng như ngành nông nghiệp và thú y. Đặc biệt, trong lúc chống dịch thì người dân có vai trò quan trọng. Nếu cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm và kiên quyết, nếu đủ điều kiện phải truy tố.
Với phương châm đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị, Ninh Bình cần triển khai thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không” để khống chế dịch bệnh đó là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt hạn chế dịch lây lan.
Đối với các cơ quan của Bộ Công Thương, Thứ trưởng yêu cầu “QLTT dành toàn bộ lực lượng cho công tác chống dịch”.“Trọng tâm hiện nay chính là chống dịch, các công tác chuyên môn khác tạm thời gác lại”.
Do vậy, Thứ trưởng đề nghị, Ninh Bình cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, có thể mở riêng chuyên mục về dịch tả lợn châu Phi trên một số báo, đài, tuyên truyền qua mạng xã hội. “Nếu kích cầu không bắt đầu từ khâu tuyên truyền sẽ rất khó thành công”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chỉ đạo riêng lực lượng QLTT tỉnh phải gấp rút triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường các biện pháp để kích cầu tiêu dùng bởi mục tiêu hướng đến là thịt lợn sạch vẫn phải tiêu thụ được. Đối với đối tượng nghi vấn, trước khi tiêu huỷ, lực lượng QLTT phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch, Thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh.
Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc tại UBND tỉnh Ninh Bình, đoàn công tác Bộ Công Thương đã kiểm tra thực tế tại chốt kiểm dịch chân cầu Quất trên QL 1A - chốt kiểm soát xe lưu thông hướng Hà Nam - Ninh Bình. Đây là một trong những chốt trọng tâm trên địa bàn tỉnh bởi lượng xe chở lợn và các sản phẩm từ lợn lưu thông qua tuyến đường khá lớn, cung cấp hầu hết thịt lợn và các sản phẩm được chế biến cho toàn thị trường miền Bắc.
Trước đó, sáng ngày 19/3/2019, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT làm trưởng đoàn kiểm tra công tác, phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại 03 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Nam Định.
Theo đó, dù diễn biến dịch bệnh được đánh giá là phức tạp, song việc phát hiện phương tiện vận chuyển lại khá hạn chế, đại diện các địa phương cho rằng, vì nhiều nguyên nhân, như: nhu cầu của người dân hiện đã xuống rất thấp nên thị trường cũng giảm theo; giá thịt lợn giảm sâu cũng không kích thích người dân liều lĩnh kinh doanh thịt lợn…
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng QLTT tại các điểm chốt kiểm dịch động vật tại các địa phương, song ông Trần Hữu Linh cho rằng, để công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả không thể chủ quan, không thể chỉ bằng “cảm quan” mà cần chủ động hơn trong việc kiểm tra, giám sát từ nguồn, đẩy mạnh công tác trinh sát, phát hiện từ xa đối với các tổ chức, cá nhân cố tình thu gom, vận chuyển lợn bệnh trái phép.
Ông Trần Hữu Linh đề nghị, lực lượng QLTT các tỉnh cần chủ động phối hợp với các lực lượng tại chỗ tiến hành lấy mẫu kịp thời để có thể xác định lợn có mầm mống dịch bệnh hay không để kịp thời xử lý. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với mục tiêu kép là phòng, chống dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình cung - cầu thị trường đối với thịt và các sản phẩm từ lợn không nhiễm bệnh.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan đến các tỉnh phía Nam. Tính đến trưa ngày 19/3/2019, cả nước đã có 19 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Thừa Thiên Huế là tỉnh mới nhất vừa công bố dịch bệnh, 18 tỉnh trước đó đã công bố dịch bệnh bao gồm: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An.