Bên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên ở điểm số 79,94; tăng 0,55 điểm (0,7%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,92 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 388,49 tỷ đồng. Số mã tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 122, 55 và 79.
Điểm đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay là: Mặc dù hai chỉ số chính và hàng loạt các cổ phiếu trên thị trường đồng loạt tăng điểm, tuy nhiên thanh khoản thì lại sụt giảm đáng kể so với phiên hôm qua. Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, tổng thanh khoản trên sàn TPHCM và Hà Nội phiên 6/5 lần lượt là 89,29 và 50,20 triệu đơn vị. Trong khi đó, con số này ở phiên hôm nay chỉ khiêm tốn ở mức 70,11 và 34,92 triệu đơn vị.
Theo ý kiến phân tích của một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm thì nhiều khả năng nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là do hôm nay những cổ phiếu được "bắt đáy" ở phiên giảm sâu ngày 4/5 đã về tới tài khoản. Đây được cho là một lượng cung tiềm năng rất lớn dành cho thị trường. Quan trọng hơn nữa, phần lớn các cổ phiếu được mua ngày hôm đó khi về tài khoản đều kèm theo một khoản lợi nhuận nhỏ. Do vậy, đa số nhà đầu tư có xu hướng không vội mua hay bán trong phiên hôm nay mà dành thời gian quan sát xem lượng cung tiềm năng đó có được đưa ra thị trường hay không và nếu có thì cách thức hấp thụ của thị trường là như thế nào… trước khi quyết định hành động tiếp theo.
Trở lại với những diễn biến chính trên thị trường, với tâm lý thận trọng như vậy nên không khó để giải thích tại sao cả VN-Index và HNX-Index lại đỏ điểm ngay sau khi mở cửa. Tuy nhiên, thời gian đỏ điểm là không lâu khi nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn kết hợp với nhóm thị trường đồng loạt vươn lên tăng điểm. Điều này giúp cho diễn biến khớp lệnh trên cả hai sàn trong phiên chiều có đôi chút cải thiện so với phiên sáng.
Thời gian khớp lệnh chính thức kết thúc, nhóm cổ phiếu có kết quả giao dịch tốt và đồng đều nhất lại thuộc về các mã thuộc ngành Khoáng sản với các đại diện tiêu biểu như KSA, KSB, KSS và KTB. Trong số đó, KSA và KSS nổi bật nhất khi đóng cửa ở mức giá trần, riêng KSA còn có khối lượng dư mua trần cuối phiên lên tới gần 600 nghìn đơn vị.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu gây thất vọng nhất cho nhà đầu tư vẫn là OGC. Thống kê sơ bộ cho thấy, tính cả phiên hôm nay, OGC đã có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp. Đặc biệt trong các phiên này, tại OGC luôn có khối lượng dư bán giá sàn lên đến hàng chục triệu đơn vị trong khi tổng thanh khoản cả phiên không vượt quá 1 triệu đơn vị. Và sau chuỗi các phiên giảm sàn đó, giá của OGC hiện chỉ còn là 3.200 đồng/cổ phiếu.