Nhằm phát huy hiệu quả các thế mạnh, khắc phục được các điểm yếu của tỉnh, nắm bắt được các cơ hội, lường trước các thách thức, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, Công tác lập quy hoạch tỉnh Điện Biên đã được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030 (đã được đã được Hội đồng thẩm định Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, thống nhất thông qua), tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.
Quy hoạch tỉnh cũng lựa chọn kịch bản tăng trưởng khả thi với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trung bình nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6,54%/năm; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 18,64%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 12,7%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 42,4% (trong đó Công nghiệp chiếm 12,1% tổng GRDP) và Dịch vụ chiếm 41,2% trong GRDP. Tổng vốn đầu tư theo giá hiện hành cần có để đạt được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 326.000 tỷ đồng theo giá hiện hành.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức không gian với 3 vùng kinh tế; 4 trục phát triển kinh tế; 4 cực tăng trưởng chính là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé. Tỉnh kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp chế biến (chế biến nông, lâm sản) và dịch vụ, tăng cường và tạo ra các liên kết phát triển mới với các tỉnh trong vùng cũng như với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc nhằm đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao.
Về không gian vùng công nghiệp gắn với quy hoạch phân bố không gian phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trên cơ sở hiện trạng phát triển các ngành công nghiệp và phát huy được tiềm năng, lợi thế, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Cụ thể, Vùng Công nghiệp 1 (Trục kinh tế động lực QL279 và quốc lộ 12): Đây là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, hiện tại các ngành công nghiệp của tỉnh hầu hết cũng đang tập trung tại Vùng này (chiếm 80- 85% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh). Vùng Công nghiệp 1 tập trung thu hút đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới như: Điện mặt trời, điện gió, điện rác, điện sinh khối. Khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch các loại, bê tông các loại, đá granite...), chế biến nông sản, cà phê, cao su, sản xuất thức ăn chăn nuôi,...
Tại trục kinh tế động lực, phấn đấu đến năm 2025, đầu tư kết cấu hạ tầng và hình thành 03 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Na Hai huyện Điện Biên, Cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo và Cụm công nghiệp Hỗn Hợp huyện Mường Ảng) là những hạt nhân phát triển của vùng và của tỉnh Điện Biên trong các giai đoạn phát triển tới.
Dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương, sẽ đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Các làng nghề và nghề truyền thống trên địa bàn của vùng tiếp tục được khuyến khích và đầu tư phát triển gắn với phát triển du lịch như: Dệt thổ cẩm tại xã Núa Ngam, Thanh Nưa huyện Điện Biên, bản Him Lam 2 thành phố Điện Biên Phủ, dệt thổ cẩm tại Mường Luân (huyện Điện Biên Đông), làng nghề mây tre đan tại Nà Tấu (thành phố Điện Biên Phủ)...
Ngoài ra, một số nghề tiểu thủ công cũng được khuyến khích và có kế hoạch phát triển là nghề chế biến miến dong tại Nà Tấu (thành phố Điện Biên Phủ), nghề làm bánh đa, bún khô tại xã Thanh Hưng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên...
Vùng Công nghiệp 2 (Vùng kinh tế sinh thái sông Đà: Mường Lay, Mường Chà, Tủa Chùa): Các ngành, sản phẩm công nghiệp sẽ tập trung phát triển và chiếm tỷ trọng cao, trong công nghiệp của vùng giai đoạn tới dự kiến sẽ là: Khai thác khoáng sản (quặng, chì, kẽm,...); sản xuất vật liệu xây dựng (đá xây dựng, gạch không nung, sản phẩm từ xi măng...); sản xuất thức ăn chăn nuôi; chế biến chè; cơ khí sửa chữa, sửa chữa đóng tàu, thuyền (Thị xã Mường Lay), Huổi Só huyện Tủa Chùa, thủy điện, năng lượng tái tạo...
Các ngành tiểu thủ công nghiệp của Vùng Công nghiệp 2 được khuyến khích phát triển, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho dân cư và lao động như: Thêu ren, thêu, dệt thổ cẩm ở xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa); làng nghề trồng, chăm sóc và chế biến chè cổ thụ kết hợp du lịch (huyện Tủa Chùa); vùng nguyên liệu song mây (huyện Mường Chà); mây tre đan...
Vùng Công nghiệp 3 (Vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé): Tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp như: Thủy điện nhỏ, năng lượng tái tạo, Chế biến cao su, chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng (gạch không nung, đá xây dựng...),...
Việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Điện Biên, từ đó tạo đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh. Quy hoạch tỉnh sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Điện Biên trong tương lai.