Thu hút nguồn vốn đầu tư gắn với phục hồi kinh tế
Điện Biên có đường biên giới với Lào và Trung Quốc dài gần 456 km là điều kiện giúp kinh tế cửa khẩu địa phương phát triển. Quy mô đất đai rộng lớn, có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, thủy văn... là những điều kiện thuận lợi để phát triển vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, chuyên canh lúa gạo, khai khoáng, thủy điện...Đặc biệt, di tích lịch sử Điện Biên Phủ cùng hệ thống di sản văn hóa các dân tộc phong phú, cảnh quan tươi đẹp là nền tảng để Điện Biên phát triển du lịch.
Để “mở đường” cho phát triển kinh tế xã hội, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành 09 nghị quyết chuyên đề, 06 chương trình hành động, 08 kế hoạch và hàng trăm văn bản chỉ đạo thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành 98 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm; trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực.
Nhờ đó, thời gian qua, kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm, tăng cao so mục tiêu Nghị quyết (tăng 2,33 điểm %). GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, ước thực hiện năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,88%, công nghiệp - xây dựng chiếm 20,92%, dịch vụ chiếm 58,11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,09%.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Điện Biên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 2.870 tỷ đồng. Đồng thời đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, đề xuất và triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh, như: dự án trồng rừng tạo vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối; các dự án phát triển đô thị; các dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược liệu...;tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên và các dự án trọng điểm khác. Đặc biệt, dự án trọng điểm nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên Phủ đã hoàn thành và đưa vào khai thác trở lại vào ngày 2/12.
Những năm qua ngoài việc ban hành nhiều chủ trương, các cơ chế chính sách về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Điện Biên còn tập trung rà soát, nghiên cứu và ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực có thế mạnh để mời gọi, thu hút đầu tư.
Thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút đầu tư, Điện Biên đã và đang triển khai các giải pháp tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện các đề án quy hoạch đã và đang triển khai; hoàn thiện các dự án đang cho nghiên cứu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó góp phần tăng trưởng GDP của tỉnh, từng bước đưa Điện Biên phát triển bền vững theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, các dự án trồng cây Mắc ca, các dự án thủy điện,...Tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh như: du lịch, dịch vụ, trồng rừng, dược liệu, thủy điện, điện gió, điện tích năng,...
Tập trung công tác tham mưu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL 279 và QL 12, tỉnh Điện Biên; Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Điện Biên; các dự án trong kế hoạch di chuyển trung tâm chính trị, hành chính tỉnh,...Phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên theo kế hoạch (dự kiến hoàn thành trong quý III năm 2023). Tập trung chỉ đạo triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1.