Vào lúc 11h42 sáng nay (ngày 17/4, theo giờ Việt Nam), giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,4% xuống còn 5,28-1/2 USD/giạ (27,2 kg).
Giới phân tích nhận định các nhà đầu tư trên thị trường lúa mì hiện chưa đẩy mạnh hoạt động giao dịch do đang đợi một số quốc gia dỡ bỏ lệnh phong toả và đánh giá lại nhu cầu sử dụng lúa mì.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà giao dịch lúa mì thuộc một công ty giao dịch hàng hoá quốc tế cho biết “Chúng tôi kỳ vọng một số quốc gia khu vực Châu Á sẽ dỡ bỏ lệnh phong toả vào giữa tháng 5 tới đây, lúc đó chúng tôi sẽ biết nhu cầu sử dụng lúa mì đã bị giảm bao nhiêu dưới các tác động của đại dịch Covid-19”.
Trong khi đó, hãng tư vấn hàng hoá nông nghiệp Strategie Grains dự báo lượng dự trữ lúa mì cuối niên vụ 2019/2020 của khu vực Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tăng mạnh do nhu cầu sử dụng các loại ngũ cốc trong nội khối EU sụt giảm dưới các tác động của đại dịch Covid-19.
Hiện tại thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ. Thị trường kỳ vọng hoạt động xuất khẩu lúa mì của nước này sẽ tăng lên trong thời gian tới sau khi Romania, một đối thủ xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ, tuyên bố cấm xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Trước đó, các nước xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới như Nga và Ukarine cũng áp đặt hạn ngạch xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tính từ đầu tuần đến nay, giá lúa mì đã giảm hơn 5% - mức sụt giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 3/2019. Trong khi đó, giá ngô và giá đậu tương đã lần lượt giảm hơn 3% và 1,7%. Giá ngô đang hướng đến tuần giảm giá thứ 2 trong 3 tuần gần đây mặc dù dữ liệu cho thấy lượng xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ vẫn ở mức tốt.
Nguyên nhân chủ yếu do triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol tại Hoa Kỳ ở mức thấp trong bối cảnh cách biện pháp cách ly xã hội khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu ở nước này xuống mức thấp và giá dầu thô đang giảm mạnh làm giảm sức hấp dẫn của nhiên liệu sinh học.
Trong khi đó, giá đậu tương vẫn chịu áp lực giảm sau khi các số liệu cho thấy doanh số xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ ở mức thấp; đồng thời, việc chuỗi cung ứng thịt tại nước này bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 đã làm giảm triển vọng nhu cầu sử dụng đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc.