Diễn đàn nằm trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật do Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức. Đây là hoạt động do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì cùng sự tham gia của nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước.
Hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 50 doanh nghiệp Liên bang Nga đã đăng ký tham gia Diễn đàn và các phiên thảo luận Bàn tròn trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, vận tải và logistics, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, kinh tế số - công nghệ số.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao mối quan hệ kinh tế - thương mại phát triển hết sức tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua trên nền tảng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thiết lập từ năm 2012 và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Kinh tế Á - Âu được ký kết năm 2015. Hai nước tiếp tục coi nhau là đối tác ưu tiên quan trọng trong chính sách kinh tế - thương mại của mình.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmirty Chernyshenko bày tỏ, đối với Liên bang Nga, Việt Nam luôn là một đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã được hưởng những lợi ích đáng kể từ Hiệp định. Liên bang Nga và Việt Nam sẵn sàng thảo luận về các biện pháp mới để khai thác hiệu quả hơn nữa Hiệp định này.
Nhân dịp này Phó Thủ tướng Dmirty Chernyshenko khẳng định với các doanh nghiệp Việt Nam rằng Liên bang Nga là một đối tác quốc tế đáng tin cậy. Ưu tiên hàng đầu của Liên bang Nga là phát triển một nền kinh tế mở, hỗ trợ doanh nghiệp tự do kinh doanh. Doanh nghiệp Nga làm việc với các đối tác trên cơ sở tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng, trung thực và cởi mở trong công việc.
Chính phủ Liên bang Nga ưu tiên các hướng phát triển mới trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ số, du lịch và sẵn sàng chia sẻ các thành tựu cũng như công nghệ trong các lĩnh vực này trong các dự án chung của hai nước. Chính phủ Nga cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại trong vận tải và logistics để thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước, đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài phát triển tại thị trường Nga.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện về môi trường đầu tư và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Liên bang Nga, có môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi tại thị trường Việt Nam. Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững và xanh của kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ là nơi phù hợp và thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước thảo luận với các cơ quan chức năng về những giải pháp cụ thể tháo gỡ các khó khăn hiện hành cũng như trao đổi chi tiết về những cơ hội mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Tham gia và phát biểu tại Diễn đàn còn có lãnh đạo của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Viễn thông và Truyền thông Đại chúng của Liên bang Nga.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định dựa trên quan hệ hữu nghị và truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Liên bang Nga là rất lớn.
Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ chiếm chưa đầy 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của mỗi nước. Đây là một con số khiêm tốn. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước sang thị trường của nhau vẫn còn ở mức hạn chế.
Là quốc gia thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN với trên 600 triệu dân nằm ở khu vực được dự báo có kinh tế năng động, tốc độ phát triển nhanh trên thế giới; ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 15 Hiệp định Thương mại tự do được ký kết với 55 quốc gia vùng lãnh thổ và 02 Hiệp định Thương mại tự do mới đang đàm phán, Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ cho hàng hoá Liên bang Nga tiếp cận khu vực và thị trường các quốc gia là đối tác trong Hiệp định Thương mại Việt Nam đã ký kết. Việt Nam cũng có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực của các doanh nghiệp Liên bang Nga.
Thứ trưởng đề xuất, trong thời gian tới, doanh nghiệp hai nước cần khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ trợ của hai nền kinh tế. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Việt
Nam có nhu cầu thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất, …
Trong khi đó, Liên bang Nga là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Do đó, doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối, trao đổi thông tin, nắm rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường, tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại của hai nước để kết nối giao thương hiệu quả, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư cụ thể.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam sẽ luôn là cầu nối tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, trong đó có Liên bang Nga trong mọi hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Tại Diễn đàn đồng thời đã diễn ra bốn phiên Bàn tròn kết nối doanh nghiệp theo các chủ đề: Hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics; Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; Hợp tác công nghiệp và sản xuất xanh; Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số. Các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn và cởi mở về nhu cầu hợp tác, các định hướng quan trọng trong từng lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm, để từ đó tạo tiền đề triển khai hiệu quả và thực chất các dự án hợp tác trong tương lai.
Đứng trước tiềm năng và những cơ hội, thách thức mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã cho thấy sự sẵn sàng nắm bắt thời cơ để cùng Chính phủ hai nước hiện thực hóa những cam kết mà hai Bên đã đạt được trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật được tổ chức cùng ngày.
Về thương mại, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016, thương mại song phương Việt Nam – Liên bang Nga đã bứt tốc mạnh mẽ, tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016 - 2021, tương ứng với mức tăng trưởng thường niên khoảng 15%, và đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2021.
Năm 2022, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã bị ảnh hưởng đáng kể. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, thương mại hai chiều năm 2022 đạt 3,55 tỷ USD giảm 35,4% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,55 tỷ USD giảm 51,4%; nhập khẩu đạt 1,99 tỷ USD, giảm 13,2%.
Về đầu tư, tính đến tháng 3 năm 2023, Liên bang Nga có 171 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đăng ký đạt 531,2 triệu USD, chiếm 54,7% tổng vốn đăng ký đầu tư; tiếp theo là ngành dịch vụ với 203,7 triệu USD; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 131,2 triệu USD.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Liên bang Nga đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, chiếm 7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.