Thay đổi diện mạo nông thôn
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020, ông Đặng Ngọc Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc có đặc điểm địa hình chia cắt mạnh, tạo nên tiềm năng lớn để phát triển thủy điện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 53 thủy điện đã được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành với tổng công suất lắp máy là 3.668,9MW. Sản lượng điện năm 2020 ước đạt 12 tỷ kWh, bằng 4,5% sản lượng điện và 16,5% sản lượng thủy điện của cả nước.
Tuy vậy, với trên 80% là dân tộc thiểu số, thì kết thúc năm 2015, tỷ lệ hộ được sử dụng điện của Sơn La mới đạt 86,7%, thấp hơn só với trung bình của cả nước (khoảng 98,5%) và thấp hơn trung bình các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, tỉnh Sơn La đã đưa nhiệm vụ cấp điện nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, là chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La đã đầu tư cấp mới cho 16.528 hộ dân; nâng cấp điện an toàn cho 1.012 hộ dân; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020.
Những kết quả này đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,46% của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng năm 2020 đạt 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh, thành vùng trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước.
Các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách xã hội được triển khai tốt, đời sống nhân dân, đặc biệt người dân khu vực nông thôn không ngừng cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 34,44% năm 2015 xuống còn 18,62% năm 2020, bình quân giảm 3%/năm.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015.
Khẳng định Chương trình cấp điện nông thôn có “công” lớn trong thành quả này, ông Đặng Ngọc Hậu cho biết tỉnh Sơn La đánh giá rất cao chương trình với ý nghĩa nhân văn mà nó mang lại.
“Tại huyện Quỳnh Nhai, rõ ràng đường dây cao thế 110kV, 500kV của Thủy điện Sơn La chạy qua nhà dân, nhưng người dân khi ấy lại chưa được hưởng lợi. Chỉ có nhờ chương trình điện nông thôn này, người dân mới hưởng lợi. Điều này khẳng định yếu tố nhân văn và cũng cho thấy đây là Chương trình rất trúng và đúng”, ông Đặng Ngọc Hậu chia sẻ.
Tận dụng lợi thế của năng lượng tái tạo
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Đại - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Cao Bằng, nhờ triển khai các công trình cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia và nguồn năng lượng điện tái tạo, đến nay tỷ lệ số hộ được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 93,8%. Trong đó, Dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn điện năng lượng tái tạo giai đoạn 2018-2020 tỉnh Cao Bằng sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2019.
Dự án có tổng mức đầu tư 58,824 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU) là 50 tỷ đồng; nguồn ngân sách tỉnh đối ứng là 8,824 tỷ đồng được triển khai trong giai đoạn năm 2018-2020. Được đầu tư xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời với công suất trung bình 0,5 kW/hộ; cấp điện cho 617 hộ dân, tại 38 thôn/bản, thuộc 9 xã, thuộc 3 huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Đến nay, dự án đã hoàn thành và đang trong quá trình vận hành chạy thử, nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng.
Qua thực tế triển khai thực tế tại 7 hộ dân, với 4km đường dây trung thế, 1 trạm biến áp và 2 km đường dây hạ thế, việc đầu tư xây dựng cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia có suất đầu tư cao tương đương khoảng 450 triệu đồng/hộ, trong khi đó đầu tư cấp điện bằng nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 80 triệu đồng/hộ.
“Việc này đã mang lại hiệu quả nguồn lực đầu tư và kinh tế - xã hội, giúp người dân yên tâm “bám đất bám làng” và nhất là các hộ dân ở giáp ranh biên giới tuyến đầu của Tổ quốc, đảm bảo mục tiêu của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Chính phủ”, ông Nguyễn Trọng Đại cho biết.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Sở Công Thương Cao Bằng xây dựng dự thảo quy chế tổ chức quản lý, vận hành hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời, sẽ giao trách nhiệm về từng địa phương hưởng lợi. Cụ thể, mỗi xã sẽ thành lập 1 tổ quản lý, vận hành, chịu sự quản lý, hướng dẫn của UBND xã, UBND huyện.
Để tối ưu về công tác quản lý vận hành, giảm chi phí nhân lực quản lý, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm gói phần mềm quản lý tại 2 xã Xuân Trường và Thượng Hà, huyện Bảo Lạc với 91 hộ dân trong đó có điểm dân không có sóng điện thoại, nhằm kiểm soát việc vận hành hệ thống pin, ắc quy, để quá trình sử dụng điện được an toàn, bền vững lâu dài và thủ tục liên quan đến thanh toán tiền điện.
Tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai Chương trình
Đại diện Sơn La, Cao Bằng và nhiều địa phương đều chia sẻ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, nguồn lực vẫn là thách thức lớn nhất đặt ra cho điện khí hóa nông thôn. Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, kết thúc giai đoạn 2016-2020, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện Chương trình là 4.743 tỷ đồng, tỷ lệ 18,5%, bao gồm 2.218 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước giao trung hạn) và 2.525 tỷ đồng vốn nước ngoài (vốn ODA không hoàn lại của EU).
Trong đó, có tới 19 tỉnh chưa được cấp vốn, 8 tỉnh được cấp vốn dưới 20%, 16 tỉnh cấp vốn từ 20-50% và 5 tỉnh được cấp vốn trên 50%.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, chuyển tiếp vốn còn thiếu là 20.856 tỷ đồng, cộng với việc đang trình Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung cấp điện cho đảo An Sơn - Nam Du (vốn ngân sách trung ương 948 tỷ đồng); tỉnh Quảng Ninh cấp điện đảo Cái Chiên và thôn bản (khoảng 248 tỷ đồng), tương ứng vốn còn thiếu là 22.052 tỷ đồng; Côn Đảo (vốn ngân sách trung ương 4.080 tỷ đồng), tương ứng vốn ngân sách trung ương còn thiếu 26.132 tỷ đồng.
Như vậy, nếu loại vốn do tỉnh Quảng Ninh tự đầu tư, nhu cầu vốn cho Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025 là 25.884 tỷ đồng.
Để đúng hẹn với mục tiêu hầu hết các hộ dân được sử dụng điện đạt tiêu chí số 4 về điện vào năm 2025, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân, Trung ương và Địa phương cùng làm để huy động được mọi nguồn lực trong xã hội, từ Trung ương đến địa phương và những người dân trong vùng dự án, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa.
Đồng thời, sử dụng tối ưu, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, bao gồm hỗ trợ từ ngân sách trung ương và các nguồn ODA để đầu tư xây dựng các dự án thuộc Chương trình.
Về phía mình, các địa phương khẳng định sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong triển khai Chương trình, đặc biệt vận động người dân khu vực trực tiếp hưởng lợi từ Chương trình tự nguyên tham gia, đóng góp trong công tác giải phóng mặt bằng tại các vị trí cột và hành lang tuyến đường dây.