Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo và đại diện một số Bộ, ngành, UBND, Sở Công Thương của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia Chương trình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đại sứ, Trưởng Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính quốc tế; tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn). Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Chúng ta có thể thấy rất rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của người nông dân.
Từ việc giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt, và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng công cụ máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới.
Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình nông dân, đã cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Giai đoạn từ năm 2013, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.
Quyết định số 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu cấp từ lưới điện quốc gia cho 17 xã chưa có điện; cấp điện khoảng 1.055.000 hộ dân trên địa bàn 9.890 thôn, bản. Quyết định có điều chỉnh một số mục tiêu so với Quyết định số 2081/QĐ-TTg như cung cấp điện cho các trạm bơm tưới quy mô vừa và nhỏ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố), cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 21.000 hộ dân và tăng cường cấp điện cho 2 huyện đảo và 3 xã đảo.
Giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho Chương trình là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: cấp điện cho 17/17 xã đạt 100%; Số hộ dân được cấp điện là 204.737 hộ dân, cấp điện cho 5 đảo (Đảo Lý Sơn; Bạch Long Vỹ; Nhơn Châu; Cù Lao Chàm; đảo Trần và Cái Chiên).
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; Các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đã đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm qua, phân tích những tồn tại hạn chế, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng đề xuất triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, giám sát chặt chẽ của Quốc hội; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương cùng sự nỗ lực của EVN; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan giai đoạn 2021-2025 Chương trình sẽ thành công tốt đẹp.
Hình ảnh trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các cá nhân, đơn vị có đóng góp trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020: