Trong bối cảnh bình thường mới, Năm 2022, EVN chọn chủ đề năm "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số. Thực hiện mục tiêu này, Công ty Điện lực (PC) Đồng Tháp đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng
Ngay từ đầu năm 2022, PC Đồng Tháp đã chủ động đáp ứng các nhu cầu về điện phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân, đáp ứng điện cho tất cả các thành phần phụ tải và bảo đảm điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Sản lượng điện thương phẩm 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty đạt 2.265 triệu kWh, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2021, dự kiến cuối năm đạt 2.762 triệu kWh, tăng 9,72% so với năm 2021. Tổn thất điện năng 9 tháng là 3,79%, thấp hơn 0,09% so với cùng kỳ năm 2021, dự kiến cuối năm đạt 4%, giảm 0,05% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện và tổn thất điện năng đạt và vượt yêu cầu.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 143/143 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; đã có 529.234/529.320 hộ dân trong toàn Tỉnh có điện, đạt tỷ lệ 99,98%, trong đó số hộ dân thành thị có điện là 99.457/99.467 hộ, đạt tỷ lệ 99,99% và hộ dân nông thôn có điện là 429.777/429.853 hộ, đạt tỷ lệ 99,98%.
Nhằm thích ứng và phát huy những tiềm lực sẵn có để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của Đơn vị và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Lãnh đạo và tập thể PC Đồng Tháp luôn tìm cách đổi mới trong quản lý điều hành. Công ty đang bám sát tiến độ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử của Tỉnh để chủ động kết nối liên thông 1 cửa đến hệ thống dịch vụ công của các UBND địa phương, nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp điện đối với khách hàng, đồng thời hoàn thành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của ngành Điện.
Trong vận hành hệ thống điện, Công ty đã triển khai hệ thống SCADA để điều khiển, giám sát từ xa các thiết bị điện. PC Đồng Tháp đã xây dựng hoàn tất trạm biến áp không người trực tại 11 trạm 110kV trên địa bàn, ứng dụng công nghệ mới trong kiểm tra, bảo trì và sửa chữa lưới điện như: Vệ sinh cách điện và sửa chữa điện hotline, sử dụng flycam trong kiểm tra lưới điện đặc biệt là lưới điện 110kV.v.v…
Xác định chuyển đổi số cần xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ, linh hoạt, đặt nền tảng cho tiến trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, tạo môi trường quản lý hiện đại, hòa nhập với nền kinh tế số, PC Đồng Tháp quyết tâm vươn tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 và phát triển ngang tầm với ngành điện các nước tiên tiến trong khu vực.
Theo đó, Công ty đã thúc đẩy các dịch vụ điện trực tuyến, trong đó chuyển đổi hình thức thu tiền điện tại nhà, thu tiền điện trực tiếp tại cơ sở sử dụng điện sang hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; tăng cường tỷ lệ khách hàng cài đặt và sử dụng App chăm sóc khách hàng của EVNSPC, Zalo.v.v… nhằm giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ một cách thuận lợi, nhanh chóng, chuẩn xác và an toàn. Đến nay, PC Đồng Tháp đã triển khai 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp điện trực tuyến cấp độ 4 đạt 99,93%; tỷ lệ khách hàng giao dịch 12 dịch vụ cung cấp điện qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng và Trung tâm/Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 100%;
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã ứng dụng công nghệ đo đếm điện năng tiên tiến, thông minh; sử dụng công nghệ công tơ đọc và thu thập dữ liệu từ xa để cải tiến dịch vụ phục vụ khách hàng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ tiêu rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, tăng năng suất lao động, ứng dụng công nghệ hướng đến doanh nghiệp số.
Trong hoạt động PC Đồng Tháp tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo chiều sâu. Đến năm 2025, Công ty phấn đấu lắp đạt 100% công tơ điện tử trên địa bàn tỉnh; tổn thất điện năng đến năm 2025 còn 3,9%; chỉ số SAIDI (thời gian mất điện khách hàng bình quân) đến năm 2025 còn 182 phút.
Thời gian tới, PC Đồng Tháp tranh thủ các nguồn vốn được phân bổ từ Tổng công ty Điện lực miền Nam, vốn vay trong nước, vốn của các địa phương.v.v… để đầu tư phát triển, cải tạo lưới điện xóa các điện kế mất an toàn nhằm cung cấp điện an toàn đến người dân sử dụng. PC Đồng Tháp đầu tư, cải tạo lưới điện hàng năm theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt và triển khai đầu tư các dự án từ nguồn vốn vay nước ngoài gồm: Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Đồng Tháp” đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 11832/QĐ-BCT với tổng mức đầu tư là 741 tỷ đồng và Dự án “Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp”, vay vốn từ Ngân hàng tái thiết Đức với tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng.