Sức mua sẽ tăng từ 15-20%
Nếu như từ đầu năm đến giữa năm 2020, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến cộng đồng DN chịu thiệt hại nặng nề, thì đến cuối năm, nhờ vào khả năng chống dịch hiệu quả, các DN Việt Nam đã dẫn lấy lại đà phục hồi.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Công ty Bibica cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá các loại nguyên phụ liệu tăng từ 10% đến gần 30% nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, sau khi chuỗi cung ứng được khôi phục vào nửa cuối năm, DN này đã có thể hoạt động trở lại bình thường mà không tăng giá bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng Giám đốc Bibica cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Công ty dự kiến đưa ra thị trường 3.000 tấn bánh kẹo, tăng 29% so với năm trước, với 80 chủng loại sản phẩm khác nhau. DN này tung ra số lượng lớn như vậy do đặt kỳ vọng rất lớn vào lượng tiêu thụ vụ Tết, với sức mua được kỳ vọng không tăng trưởng quá mạnh nhưng cũng sẽ đóng góp rất lớn vào doanh thu của DN.
Theo ông Hoàng, mùa tết Trung thu vừa qua, do đúng vào thời gian cao điểm dịch bệnh nên sản lượng tiêu thụ của DN có giảm sút, nhưng nhờ các chiến lược quảng bá và tiêu thụ nên vẫn bằng 90% năm trước.
Thực tế, cũng như Bibica, nhiều DN khác cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường vụ Tết nên đã dự trữ lượng hàng rất lớn. Chẳng hạn, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chuẩn bị được lượng hàng đủ phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm ngoái.
Công ty Cổ phầm Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (VIFON) dự kiến sẽ tăng khoảng 20% sản lượng phục vụ mùa Tết so với năm ngoái. DN này cũng đặt kỳ vọng vào lượng tiêu thụ những sản phẩm như mì tươi hấp chín, gia vị, nước chấm… Công ty Sài Gòn Food dù không tung ra sản phẩm mới nhưng lại phát triển vị mới trên sản phẩm cũ, với dự báo sức tiêu thụ tăng trưởng 30% so với các tháng thường và tăng 25% so với năm trước…
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, sức mua trên thị trường trong nước vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2021 sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đến nay có 33/63 tỉnh thành có kế hoạch dự trữ bình ổn thị trường. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết 2020; tại TP HCM là 19.680 tỷ đồng, trong đó dành 7.132 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường.
Thay đổi theo nhu cầu thị trường
Trong cuộc sống bình thường mới người tiêu dùng sẽ quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, 49% người tiêu dùng cho biết sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu, 65% nói sẽ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để có sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đồng thời, 62% người tiêu dùng cho hay sẽ ăn uống ở nhà nhiều hơn. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đưa ra các giải pháp để cung ứng sản phẩm hàng hóa tiện lợi hơn, giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng.
Chính vì hiểu được những xu hướng này, trong vụ Tết, các DN đã và đang cố gắng sản xuất các mặt hàng đa dạng hơn, bao bì bắt mắt, phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều DN cho biết còn thay đổi cách thức bán hàng và tiếp thị. Đơn cử, mới đây, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đã ra mắt website kinh doanh thực phẩm trực tuyến VISSANMART, với bước đầu phục vụ khách hàng nội thành TPHCM. Hình thức này sẽ có tính năng giao nhận hàng linh hoạt, thuận lợi trong thanh toán…
Ngoài ra, nhiều DN cho biết cũng đang đẩy mạnh bán hàng qua các trang thương mại điện tử. Tiêu biểu, lượng hàng hóa bán ra của Công ty Cổ phần DalatFoodie Việt Nam đến nay có đến 80% đơn hàng được thực hiện qua mạng, chỉ 20% đơn hàng trực tiếp. Ngoài ra, nhiều DN còn cho biết đã liên kết, hợp tác với các DN logistics để tăng cường khả năng giao nhận, phục vụ khách hàng trên khắp cả nước mùa cao điểm.