Doanh nghiệp nhỏ và vừa và câu chuyện chuyển đổi xanh: Vì sao còn ngần ngại?

Sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế.
sản xuất xanh
Sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới

Hiện nay, những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt,… sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Làn sóng tăng trưởng xanh rộng khắp...

Tại Việt Nam, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh. Đồng thời, lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, tại Việt Nam đã hình thành nên các trang trại xanh, có phương án sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt; phát triển sản xuất gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân tại các địa phương đã tham gia các hợp tác xã sản xuất rau sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng theo mô hình sản xuất sạch liên hoàn, khép kín theo tiêu chuẩn thấp nhất là VietGAP từ cây ăn quả, chăn nuôi nên được đối tác tin cậy, xuất khẩu đạt hiệu quả cao.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, sản xuất xanh đã và đang lan tỏa sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình.

dệt may
Trong những năm gần đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên

Đối với ngành Dệt May, trong những năm gần đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Cụ thể, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo… Bên cạnh đó, Vitas cũng phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành Dệt May. Hiện đã có hơn 70 doanh nghiệp trong ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tham gia cùng ký cam kết chung để đạt được tầm nhìn và mục tiêu bền vững ngành Dệt May Việt Nam.

Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, khách sạn, du lịch, hiện nay có không ít doanh nghiệp ưu tiên sản xuất, phân phối, sử dụng các sản phẩm “xanh” như bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần…

Có thể thấy rằng, việc hướng tới mô hình sản xuất xanh chính là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời, tham gia được vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, tạo ra sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Đây cũng là 'tấm giấy thông hành' mang tính bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa được hàng hóa, dịch vụ vào các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…

tiêu dùng xanh
Các sản phẩm “xanh” như bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường được sử dụng thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần

...Và những nguyên nhân của những ngần ngại

Rõ ràng, lợi ích mà chuyển đổi sang sản xuất xanh mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì nhiều lý do vẫn trì hoãn, thậm chí tránh né việc chuyển đổi.

Mới đây, trong báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trình Chính phủ có đề cập một thực tế đáng suy nghĩ là có đến trên 60% doanh nghiệp trên tổng số 2.730 doanh nghiệp được khảo sát chưa hề có chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh.

Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa "thật thà" cho biết, có quan tâm đến chuyển đổi xanh, nhưng hiện tại chỉ coi đây đang là xu hướng chứ không bắt buộc.

Theo họ, chuyển đổi xanh quá khó, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, phải làm cái gì đầu tiên vì thấy cái gì cũng phải đổi, mà đổi như thế nào cũng mông lung. Chưa kể để đáp ứng các tiêu chí xanh doanh nghiệp phải bỏ số vốn rất lớn, và để vay được vốn cũng không phải dễ. Một chủ doanh nghiệp còn cho biết thêm: "Kinh tế khó khăn, chỉ lo giữ được đơn hàng, duy trì được hoạt động doanh nghiệp đã khó, nói gì đến chuyển đổi xanh".

Có một thực tế cần lưu ý, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào 2050 tại Hội nghị COP26. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tới 2030 được ban hành, đưa ra các yêu cầu với doanh nghiệp trong chuyển đổi sản xuất. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu cũng đều đưa ra quy định khắt khe về giảm phát thải carbon với hàng nhập khẩu.

Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, hiện 27 thị trường thuộc EU đều thắt chặt tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may - dù muốn hay không cũng phải thay đổi.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư chuyển đổi xanh là có nhưng hiếm, đa phần là các tập đoàn có tiềm lực lớn. Hoặc phải là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu không chuyển đổi xanh.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định, Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ trong việc đưa mức phát thải ròng bằng 0, tại các hội thảo, diễn đàn, nghiên cứu... nhiều ý kiến đã đề cập, bàn luận, kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện khung pháp lý vẫn được nhận định là còn chậm và chưa bám sát những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp; chưa có cơ chế giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

công nghiệp xanh
Làn sóng chuyển đổi xanh được khởi nguồn từ một số doanh nghiệp lớn, "đầu đàn" trong các lĩnh vực như năng lượng, dệt may, nông nghiệp, bất động sản... đang tiếp tục lan rộng, dần trở thành một xu thế

Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 95% trong tổng số lượng doanh nghiệp của Việt Nam. Do vậy, có thể nói rằng, để mục tiêu chuyển đổi xanh nền kinh tế theo các cam kết của Chính phủ thành công thì thúc đẩy chuyển đổi xanh ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần rất quan trọng.

Điều đáng mừng là, làn sóng chuyển đổi xanh được khởi nguồn từ một số doanh nghiệp lớn, "đầu đàn" trong các lĩnh vực như năng lượng, dệt may, nông nghiệp, bất động sản... đang tiếp tục lan rộng, dần trở thành một xu thế đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đứng ngoài nếu muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng, đối tác.

Chính vì vậy, để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, các cơ quan xây dựng chính sách cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành sớm các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và các công cụ chính sách khác..

Đồng thời, bên cạnh việc khuyến khích, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay, cần tập trung các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó tập trung khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp. Đây là một cách hiệu quả để củng cố sự đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi xanh dựa trên những ý tưởng và sáng kiến mới.

 

Thái Duy