Doanh nghiệp sử dụng phân bón mong sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế 5%

Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008 quy định, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị giă tăng (GTGT) 5%. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng Luật số 71, phân bón thuộc đối tượng không phải chịu khoản thuế này.
phân bón
Từ khi áp dụng Luật số 71 đến nay, giá phân bón tăng đến 30% so với trước/-strong/-heart:>:o:-((:-h

Tưởng chừng ưu đãi đối với người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, nhưng thực chất quy định này lại nảy sinh những khó khăn, do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng cao…

Doanh nghiệp sản xuất khó khăn khi phân bón không bị áp thuế

Phân bón là mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn Hồng - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) cho biết, từ khi áp dụng Luật số 71 đến nay, giá phân bón tăng đến 30% so với trước.

Theo dẫn chứng của ông Hồng, trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau chỉ khoảng 300 nghìn đồng, chiếm khoảng 1/3 trong tổng chi phí đầu vào. Từ sau năm 2014, giá phân bón tăng cao, khiến chi phí đối với phân bón đội lên gần 500 nghìn đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón tăng 30-35% và “ăn mòn” lợi nhuận của bà con nông dân. “Nếu Nhà nước không có cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp, trong khi giá phân bón được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, sẽ khiến bà con nông dân bị đuối sức, nhất là các hộ sản xuất nhỏ lẻ”, ông Hồng lo lắng.

Một điểm bất cập khác, từ sau năm 2014, các doanh nghiệp phân bón do phải tiết kiệm chi phí nên cũng cắt giảm các chương trình hỗ trợ bà con nông dân về giá bán, hay các hoạt động khảo nghiệm cây con giống. Do đó các hộ sản xuất nông nghiệp càng bị thiệt thòi hơn so với trước. Vì vậy, đại diện ý kiến của các hộ trong hợp tác xã, ông Hồng đề xuất nên đưa phân bón quay trở lại chịu thuế VAT 5% để tạo thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp. Khi giá phân bón giảm, lợi nhuận của người nông dân, người sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên. Những hộ sản xuất lớn sẽ nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người làm nông nghiệp yên tâm hơn trong đầu tư cho sản xuất.

Theo kiến nghị của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chính sách áp dụng thuế GTGT đối với phân bón cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững ngành sản xuất phân bón trong nước, sự phát triển của ngành nông nghiệp, tạo môi trường thuế bình đẳng giữa nhà sản xuất phân bón trong nước và nhà nhập khẩu phân bón, loại trừ cạnh tranh bất lợi cho sản xuất nội địa. Do đó, yêu cầu chuyển đổi phân bón sang chịu thuế GTGT 5% là thật sự cần thiết để tạo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam cần có những đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải, xanh hoá hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu suất của nhà máy, giúp sản phẩm phân bón có chứng chỉ xanh, góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam xuất khẩu. Đây chính là mong mỏi lớn nhất cho người nông dân từ hiệu quả chính sách thuế GTGT phân bón có thể đạt được.

Đại diện tiếng nói của chính những người nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhìn nhận nếu được hoàn thuế GTGT 5% thì chi phí sản xuất phân bón giảm vì không phải hạch toán thuế vào chi phí nên doanh nghiệp có dư địa để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm giá bán cho bà con.

Khi doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế sẽ có điều kiện để tăng đầu tư, tái đầu tư cho sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó góp công sức kiến tạo các mục tiêu xa hơn cho tương lai ngành nông nghiệp.

“Đưa ra quan điểm về góp ý xây dựng chính sách, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng dù ở góc độ nào cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, trong đó cần quan tâm nhiều đến người nông dân, bởi lẽ bà con là lực lượng đông đảo, là lao động chủ yếu của quá trình sản xuất nông nghiệp, đối tượng trực tiếp tiêu dùng phân bón”, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.

phân bón a
Khi áp dụng thuế suất 5% sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%

Giá thành dự kiến giảm 5% nếu áp thuế

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón và máy móc thiết bị nông nghiệp.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết: Dưới góc độ của cơ quan chủ trì soạn thảo, nếu chỉ nhìn góc độ áp thuế giá trị giá tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, như vậy người dân phải chịu thêm 5% vào giá bán có vẻ hợp lý. Nhưng sau khi phân tích, khi áp dụng thuế suất 5% sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%.

Việc áp dụng thuế suất 5% sẽ có tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%). Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường, thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết: “Thông thường thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, doanh nghiệp nộp thay cho người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chịu nhưng thực tế trong đó đều cơ cấu vào giá thành, giá bán cuối cùng là vấn đề hết sức quan trọng. Như vừa qua chúng ta thông qua lộ trình giảm thuế 2% cho một số mặt hàng, đúng ra thuế giá trị gia tăng người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó phải chịu, nhưng thực tế không giảm giá mà nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này”.

 

Nguyệt Anh