Chủ động kiểm soát thực phẩm an toàn tại các kênh phân phối
Chia sẻ trong phiên thảo luận về “Đa dạng kênh phân phối kinh doanh thực phẩm an toàn” tại Hội nghị "Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn" do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, ông Lê Văn Liêm - Giám đốc Khu vực miền Bắc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, ngay từ khi thành lập và xuyên suốt quá trình hoạt động đến nay, Saigon Co.op luôn hướng đến việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Đồng thời, những sản phẩm mà người tiêu dùng nhận được từ các hệ thống phân phối như Saigon Co.op nói riêng và các hệ thống phân phối khác nói chung, dù lớn hay nhỏ cũng phải là những sản phẩm an toàn nhất.
Để làm được điều này, thời gian qua, Saigon Co.op đã triển khai một số hoạt động, cụ thể như lựa chọn nhà cung cấp, kiểm soát chất lượng đầu vào, kiểm tra hồ sơ pháp lý và kiểm soát chất lượng trong quá trình kinh doanh.
Trong đó, Saigon Co.op cũng như hệ thống siêu thị Co.opmart không đặt ra thêm tiêu chí nào ngoài những tiêu chí về hồ sơ pháp lý (như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,…), cũng không đặt ra quá nhiều rào cản để hạn chế sự tiếp cận hệ thống của các doanh nghiệp mà luôn tạo điều kiện, làm cầu nối để sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có thể đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, nhưng ngược lại, các doanh nghiệp bắt buộc phải chấp hành những quy định về pháp lý.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op có những ưu tiên với những doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm có chứng nhận về Global GAP, Viet GAP hoặc hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm OCOP…
Trong quá trình kinh doanh, Saigon Co.op luôn luôn kiểm soát chất lượng hàng hoá, sản phẩm bằng hệ thống kiểm soát quản lý chất lượng ISO9001:2015. Và hàng năm, Saigon Co.op sẽ kiểm tra, cập nhật và đánh giá lại hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị nhằm kiểm soát quy trình cũng như nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp sản phẩm hàng hoá, đồng thời cũng đảm bảo những sản phẩm cung cấp cho hệ thống luôn là những sản phẩm tốt nhất.
Đối với chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển, ông Bùi Văn Hậu - Giám đốc điều hành chuỗi cho biết, Sói Biển có một cách tiếp cận khác so với các chuỗi bán lẻ khác, đó là đồng hành cùng từng hộ sản xuất, từng hợp tác xã trong quá trình sản xuất những sản phẩm an toàn, từ tư vấn bao bì, đóng gói, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm và hồ sơ pháp lý, đồng thời tư vấn đầu ra cho các sản phẩm này không chỉ trong hệ thống Sói Biển mà có thể bán hoàn toàn ra bên ngoài và các hệ thống phân phối khác.
Đồng tình với những quan điểm về sản xuất thực phẩm an toàn của Saigon Co.op và Sói Biển, bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Sàn Thương mại điện tử Postmart, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đề xuất, cần phải nâng cao nhận thức của từng nhà bán hàng cũng như nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong cung cấp đầu vào cho cả kênh bán hàng online và offline thông qua các chương trình, hoạt động đào tạo, tập huấn trực tiếp đối với bà con nông dân.
Tuy nhiên, cũng giống như các sàn thương mại điện tử khác, Postmart cũng gặp khó khăn trong kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào. Có thể, khi cung cấp thông tin, giấy tờ liên quan đến sản phẩm hàng hoá cũng như được bộ phận thu mua của sàn liên hệ, trực tiếp ký cam kết, thế nhưng trong quá trình vận hàng đơn hàng, các nhà bán hàng vẫn có thể giao những sản phẩm không đúng và không đủ chất lượng cho người tiêu dùng.
Vì vậy, đơn vị vận chuyển của Postmart cũng sẽ tham gia vào khâu kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu lấy hàng đến kiểm tra sơ bộ trước khi đơn hàng được giao đến tay khách. Bên cạnh đó, Postmart cũng khuyến khích khách mua hàng có những phản hồi, khiếu nại lại với sàn để sàn có thể có những biện pháp với nhà cung cấp, có thể là ngừng hợp tác hoặc đào tạo, tập huấn lại nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nâng cao hiệu quả kiểm soát thực phẩm an toàn tại các kênh phân phối
Theo ông Bùi Văn Hậu, một sản phẩm thực sự an toàn nhưng trong quá trình sơ chế, chế biến hay bảo quản không đúng cách cũng có thể gây lây nhiễm chéo vi khuẩn từ đó làm ngộ độc thực phẩm, vì vậy, khi nào khách hàng ăn xong đến sáng mai không đau bụng thì đó mới được đánh giá là thực phẩm an toàn.
“Và đối với chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm hay Clever Fruits,… việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.” - Ông Bùi Văn Hậu nhấn mạnh.
Tại Toạ đàm, ông Bùi Văn Hậu cũng đề xuất một vài giải pháp để xây dựng hành lang pháp lý để phát triển rộng và đa dạng hơn nữa các mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn trong thời gian tới.
Một là, các Bộ, ban, ngành cần phải siết chặt về nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm, có cơ chế giám sát vùng nguyên liệu để sản xuất ra thực phẩm bao gồm cả thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực phẩm,…
Hai là, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo kiến thức ở các địa bàn cơ sở nhất định nhằm gỡ khó cho hoạt động sản xuất, giúp hệ thống phân phối ổn định chất lượng sản phẩm, tự tin cung cấp những sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Về phía Saigon Co.op cũng đề ra một số giải pháp xoay quanh các vấn đề như (i) nhân sự; (ii) trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ; (iii) kết nối với các cơ quan nhà nước và (iv) đồng hành cùng nhà cung cấp.
Cụ thể, về nhân sự và trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, trong quá trình kinh doanh hệ thống siêu thị, Saigon Co.op đã thành lập phòng quản lý chất lượng nhằm kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình kinh doanh của chuỗi về ngành hàng thực phẩm. Tại mỗi đơn vị, mỗi điểm bán của Saigon Co.op sẽ có một chuyên viên quản lý chất lượng và sẽ tiến hành test nhanh, test định kỳ với những sản phẩm kinh doanh trong hệ thống.
Saigon Co.op đã bỏ ra rất nhiều chi phí để đầu tư phòng lab tại các trung tâm phân phối lớn của đơn vị, cũng như đào tạo nhân sự làm việc tại phòng lab này phải biết cách lấy mẫu như thế nào và kiểm tra mẫu ra sao,… Mỗi năm, phòng lab này sẽ test khoảng 24.000 mẫu nhằm kiểm soát đầu vào của hàng hoá, chủ yếu là thực phẩm tươi sống.
Đối với nhà cung cấp, Saigon Co.op luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua các Hội nghị kết nối để giúp các nhà cung cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có cơ hội đưa hàng hoá, sản phẩm vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op.
Còn đối với sàn thương mại điện tử Posrtmart, hiện nay, sàn cũng đã đưa ra được nhiều quy chuẩn để góp phần quảng bá tất cả các sản phẩm nông sản của bà con nông dân không những tại thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.
Thời gian tới, sàn thương mại điện tử Postmart sẽ rà soát lại các nhà bán hàng tiêu biểu là nững nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn để tăng cường quảng bá cũng như coi đây là tấm gương để các nhà bán hàng khác có thể nhìn vào học hỏi.
Đồng thời, Bưu điện Việt Nam sẽ cùng với 63 bưu điện tỉnh, thành phố tiếp tục đào tạo, tập huấn tại các địa phương nhằm nâng cao nhận thức trong tất cả quy trình sản xuất thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về các sản phẩm nông sản tại sàn thương mại điện tử Postmart. Trong đó, Postmart sẽ tập trung đưa các sản phẩm OCOP lên như một “điểm nóng” của sàn. Từ nay đến tháng 12/2023, sàn sẽ cập nhật 100% sản phẩm OCOP 5 sao, 4 sao và sẽ cố gắng đưa khoảng 90% sản phẩm OCOP 3 sao lên sàn.
Thông qua những đề xuất, giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát thực phẩm an toàn của đại diện các doanh nghiệp trên sẽ phần nào thúc đẩy việc hoàn thiện kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ngành Công Thương vào hệ thống phân phối, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đưa thực phẩm thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.