Doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ ngoại: Thêm mối liên kết

Các nhà bán lẻ ngoại không chỉ là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.

Thời gian qua, hàng hóa của Việt Nam liên tục được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhưng tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp vẫn còn thấp. Vì vậy, đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, được kỳ vọng sẽ tạo thêm sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà bán lẻ nước ngoài. 

Còn không ít khó khăn


Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, có khoảng 110 cơ sở bán lẻ vốn đầu tư nước ngoài có diện tích 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart… Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ “ngoại” còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại các thị trường nước ngoài.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, các nhà bán lẻ ngoại không chỉ là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt trên thị trường thế giới. 

Ông Bùi Hữu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt (số 201, phường Sài Đồng, quận Long Biên) cho biết: “Việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế nên các doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn nhất định”. 

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, thực tế cho thấy, trong hàng chục doanh nghiệp với nhiều chủng loại sản phẩm cũng chỉ chọn được một số sản phẩm, mặt hàng có đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài. Do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu, yếu về chuyên môn, kỹ năng cũng như khả năng tài chính nên không đáp ứng được yêu cầu từ các nhà phân phối. Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá hàng hóa dẫn tới giao thương chưa đạt hiệu quả cao. 


Đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối nước ngoài


Theo Bộ Công Thương, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai. Hiện, Bộ Công Thương đang kêu gọi doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam để giới thiệu cho các hãng phân phối nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới - là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ Việt Nam mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài.

Trên thực tế, hiện có nhiều siêu thị Việt Nam tại nước ngoài đang hoạt động hiệu quả, đã xây dựng thương hiệu riêng. Vì vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể phối hợp, kết nối qua kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam tới toàn cầu, qua đó xuất khẩu hàng Việt ra thế giới. Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống bán lẻ FairPrice (Singapore). Hệ thống này hỗ trợ trong việc cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang hệ thống FairPrice tại Singapore; đồng thời, Singapore hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op tại Singapore.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, trong quá trình triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hai nhà phân phối bán lẻ lớn có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là Big C (do Tập đoàn Central Group sở hữu) và Aeon (do Tập đoàn Aeon sở hữu) đều cam kết với Bộ Công Thương hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, cũng như thu mua xuất khẩu ra nước ngoài. Riêng Big C, từ năm 2017 đến nay, thường xuyên xuất khẩu 46 triệu USD/năm trở lên và đang đẩy con số này lên cao hơn vì còn nhiều dư địa đối với mặt hàng dệt may, nông sản. Hiện, Aeon đã xuất khẩu 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam gia công qua Aeon, thông qua thương hiệu Top Value (hàng độc quyền của Aeon). Đồng thời, ký cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 nâng con số này lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD. Hay MM Mega Mark (trước đây là Metro), sau khi được Tập đoàn TCC (Thái Lan) thu mua, đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam, phấn đấu xuất khẩu mỗi tuần 10 container...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị Aeon và Central Group trở thành đối tác chiến lược của đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Qua đó giúp chọn lọc, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực của doanh nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng vào hệ thống phân phối của các tập đoàn này, đẩy mạnh việc thu mua hàng hóa các loại có nguồn gốc từ Việt Nam để xuất khẩu vào hệ thống phân phối của tập đoàn. Các tập đoàn cũng có thể tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang chuỗi siêu thị tại các nước trong khối. 

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới cũng cần chủ động đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… để có thể từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn.