Trước đó, ngày 02 tháng 6 năm 2014, DOC đã đăng thông báo về việc tiến hành cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ hai thuế chống bán phá giá với cá tra-basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 11 tháng 6 năm 2014, Nguyên đơn đã thông báo về việc tham gia vào cuộc rà soát. Tiếp đó, ngày 02 tháng 7 năm 2014, Nguyên đơn đã nộp Bản phản hồi về quyết định rà soát của DOC, tuy nhiên, DOC không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía bị đơn của vụ việc. Do đó, DOC đã quyết định tiến hành cuộc rà soát rút gọn (kéo dài trong 120 ngày) (theo quy định tại mục 751(c)(3)(B) của Đạo luật Thuế quan 1930 và điều 19 CFR 351.218(e)(1)(ii)(C)(2).
1. Một số thông tin chung về vụ việc
- Ngày khởi xướng điều tra: Ngày 28 tháng 6 năm 2002;
- Sản phẩm bị kiện: cá tra-basa có mã HS 1604.19.4000, 1604.19.5000, 0305.59.4000, 0304.29.6033.
- Ngày 12 tháng 8 năm 2003, DOC đã ra lệnh áp thuế chống bán phá giá với Việt Nam là từ 36,84 - 63,88%. Vụ việc đã trải qua 10 đợt rà soát hành chính (POR), nhiều cuộc rà soát thay đổi hoàn cảnh, rà soát với nhà xuất khẩu mới và cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ nhất vào năm 2009.
- Kết quả các đợt rà soát hành chính:
Đơn vị: USD/kg
Bị đơn bắt buộc
Thuế riêng rẽ
Thuế toàn quốc
POR 6
0.00
0.02
0.00
POR 7
0.00
0.03
2.11
POR 8
0.19
1.34
0.77
POR 9
0.00 – 1.20
1.20
2.11
POR 10 (sơ bộ)
0.58 – 2.39
0.58
2.39
2. Nội dung kết luận của DOC
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, DOC sẽ đưa ra kết luận về khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá dựa trên việc xem xét 02 yếu tố về biên độ phá giá và lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra sau khi có lệnh áp thuế. DOC đã kết luận như sau: (i) sau khi áp dụng lệnh thuế chống bán phá giá, biên độ bán phá giá được xác định trong các cuộc rà soát đều hơn mức tối thiểu và phần lớn các nhà sản xuất xuất khẩu của Việt Nam hiện tại đang chịu mức thuế chống bán phá giá cao hơn mức tối thiểu, mức thuế toàn quốc của Việt Nam cũng tương đối cao; (ii) sau khi lệnh áp thuế có hiệu lực, lượng nhập khẩu cá tra-basa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng, thậm chí còn cao hơn lượng nhập khẩu trước khi áp thuế. Do đó, nếu lệnh áp thuế được thu hồi, có khả năng hành vi phá giá sẽ còn tiếp tục tái diễn.
Ngoài ra, theo quy định, DOC sẽ phải thông báo cho Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) về biên độ phá giá có thể nếu lệnh áp thuế bị dỡ bỏ. DOC đã lựa chọn biên độ phá giá trong quyết định cuối cùng của vụ việc (63,88%) làm biên độ phá giá có thể xảy ra nếu lệnh áp thuế bị dỡ bỏ, vì biên độ này phản ánh được đúng hành vi của các nhà xuất khẩu khi không có lệnh áp thuế.
Dựa trên phân tích lập luận của Nguyên đơn và các số liệu thu thập được, DOC khuyến nghị tiếp tục lệnh áp thuế chống bán phá giá với cá tra-basa từ Việt Nam. DOC cũng đã thông báo về quyết định của mình cho ITC. Theo quy trình, ITC cũng tiến hành rà soát để đưa ra kết luận của mình.