UBND tỉnh Thái Nguyên đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, từng bước xây dựng vùng đồng bào DTTS ngày càng khang trang, hiện đại.
Đoàn kết vươn lên đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh Thái Nguyên hiện được Trung ương xác định là Trung tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, với 51 dân tộc cùng chung sống trong đó có hơn 38 vạn đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 29,87% dân số của tỉnh. 08 dân tộc chiếm số đông trong tỉnh là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Dao, Sán Chay và Hoa, tạo nên một cộng đồng đa dạng, giàu bản sắc văn hóa.
Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc miền núi, tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Hiện nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 98% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá, 100% xóm có điện lưới quốc gia, trên 96% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại. Tính đến nay toàn tỉnh đã giảm được 7/15 xã đặc biệt khó khăn, có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2022 giảm 3,36% (3.100 hộ); năm 2023 giảm 2,72% (2.635 hộ); năm 2024 phấn đấu giảm 2% (3.448 hộ).
Những kết quả trên là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, phát huy lợi thế, tiềm năng để hội nhập và phát triển bền vững của Thái Nguyên, là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời cho thấy hiệu quả từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Phát huy hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia
Theo đánh giá của ông Phan Đức Cường- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên: Giai đoạn qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công và thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình theo đúng các quy định để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình.
Qua đó, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo, không xảy ra những điểm nóng phức tạp. Đồng bào đón Tết vui mừng, phấn khởi, không còn hộ nghèo không có Tết. Các hoạt động lễ hội vùng DTTS diễn ra vui tươi, an toàn, tiết kiệm như Lễ hội đình - đền – chùa Cầu Muối, huyện Phú Bình; Lễ hội đền Đuổm, huyện Phú Lương.”
Tổng kế hoạch vốn được sử dụng trong năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thái Nguyên là 566.638 triệu đồng. 10 tháng năm 2024, ước thực hiện giải ngân 195.011/566.638 triệu đồng, đạt tỷ lệ 34,5%. Trong đó, vốn đầu tư 158.769/264.616 triệu đồng, đạt tỷ lệ 60%; vốn sự nghiệp 36.242/302.021, đạt tỷ lệ 12% với nhiều dự án phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện đời sống người dân vùng sâu, vùng xa.
Điển hình như Dự án 1, nội dung “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, UBND các huyện bố trí vốn thực hiện xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung tại Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ và Thành phố Thái Nguyên. Tính đến nay đã hoàn thành 01 công trình tại Đại Từ với số hộ thụ hưởng là 300 hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 27 hộ và hỗ trợ đất ở cho 10 hộ từ nguồn vốn đầu tư phát triển. Với nguồn vốn sự nghiệp, UBND các huyện đã triển khai rà soát, lập danh sách các đối tượng thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, các hộ thiếu nước sinh hoạt, đất ở để phê duyệt và triển khai hỗ trợ theo quy định, qua đó đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 120 hộ (Đại Từ 33 hộ, Phú Lương 75 hộ, Phổ Yên 12 hộ) và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 75 hộ tại Phú Lương.
“Phát huy những thành tựu đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách về mức sống với các vùng phát triển. Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Ban chỉ đạo sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS; phối hợp nắm bắt, khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra ở vùng DTTS; chủ động nắm bắt tình hình các địa bàn nhạy cảm về an ninh trật tự không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp.
Đồng thời tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới ban hành; đảm bảo chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống”, ông Phan Đức Cường chia sẻ.