Kiều hối giảm mạnh
Năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu được dự báo sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và nhiều hoat động bị đình trệ.
Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư, đây là nhóm đối tượng dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại.
Dòng kiều hối chảy về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỷ USD, gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2020, kiều hối sụt giảm sau khi lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 554 tỷ USD trong năm 2019.
Dự báo dòng kiều hối chảy vào tất cả các khu vực của Nhóm Ngân hàng Thế giới đều sẽ giảm xuống, đáng chú ý nhất là châu Âu và Trung Á (27,5%).
Tiếp theo là Châu Phi cận Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Phi ( 19,6%), Mỹ Latinh và Caribê (19,3%) và Đông Á và Thái Bình Dương (13%).
Cho dù sụt giảm như vậy nhưng kiều hối được dự kiến vẫn là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với các quốc gia này bởi FDI dự báo còn giảm sâu hơn (trên 35%).
Năm 2019, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vượt lượng vốn FDI, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc giám sát nguồn lực chảy vào các nước đang phát triển.
Ngân hàng Thế giới ước tính năm 2021 lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD.
Triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của COVID-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trước đây, dòng chảy kiều hối thường có xu hướng ngược chu kỳ, có nghĩa là trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn người lao động có xu hướng gửi tiền về nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng bất định.
Giảm chi phí chuyển tiền
Theo các nghiên cứu, kiều hối đóng vai trò trong việc hỗ trợ giảm nghèo ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chi tiêu cho giáo dục và hạn chế lao động trẻ em đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Kiều hối giảm sẽ khiến các hộ gia đình khó chi trả cho những khoản mục này vì tài chính sẽ được ưu tiên cho lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác.
Chủ tịch WB, ông David Malpass nhận định, kiều hối là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Chúng hỗ trợ các hộ gia đình mua thực phẩm, thanh toán dịch vụ y tế và các nhu cầu cơ bản.
Ngân hàng Thế giới đang tiến hành hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc giám sát dòng kiều hối qua nhiều kênh khác nhau, chi phí và mức độ thuận tiện của việc chuyển tiền cùng các quy định về minh bạch tài chính có ảnh hưởng đến dòng kiều hối.
Ngân hàng hiện đang phối hợp với các nước G20 và cộng đồng quốc tế để giảm chi phí chuyển tiền và cải thiện tài chính toàn diện cho người nghèo.
Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu Nhóm Bảo trợ Xã hội và Việc làm, Ngân hàng Thế giới, cho rằng, việc xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả là rất quan trọng nhằm bảo vệ người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong thời điểm khủng hoảng này ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tác động đến xuất khẩu
Nguồn cung ngoại tệ lớn sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với các nước đang phát triển và cần rất nhiều vốn như Việt Nam, giúp đất nước giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, mà còn giúp tỷ giá Việt Nam ổn định.
Hiện nay, có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức. Mỗi năm, có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó rất nhiều người về để tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Đến nay, cả nước đã có khoảng 3.500 công ty được thành lập hoặc góp vốn từ kiều bào, với tổng số vốn đăng ký hơn 8,4 tỷ USD.
Vì thế, nếu kiều hối về Việt Nam giảm, có thể tác động đến xuất khẩu nước ta theo hai hướng. Hướng trực tiếp, làm suy yếu các công ty có vốn góp từ kiều bào, trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Hướng thứ hai, gián tiếp. Nếu kiều hối giảm, khiến đồng nội tệ mất giá, làm cho việc nhập khẩu nguyên liệu để xuất khẩu có chi phí trên thực tế cao hơn. Từ đó làm cho hàng xuất khẩu nước ta trở nên đắt đỏ hơn, tính cạnh tranh suy giảm.
Đáng lưu ý là rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta phải nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài như dệt may, da giày, gỗ, hạt điều… Đây là nhóm hàng chịu tác động chủ yếu nếu kiều hối về nước suy giảm mạnh.
Trong quý I năm 2020, trung bình chi phí gửi 200 USD vẫn ở mức cao khoảng 6,8%, chỉ thấp hơn một chút so với năm trước. Châu Phi cận Sahara tiếp tục là khu vực có chi phí gửi tiền trung bình ở mức cao nhất, khoảng 9%.
Tuy nhiên lao động di cư giữa các quốc gia trong khu vực ở châu Phi cận Sahara chiếm tới hơn hai phần ba tổng số lao động di cư trên toàn thế giới.