Dự báo thị trường tăng trưởng mạnh, Masan Consumer (MCH) đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục

Quy mô thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam được Frost & Sullivan dự báo sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên đến 9,7% trong vòng 5 năm tới.

Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã cổ phiếu MCH - sàn UPCoM) vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2024 với loạt thông tin đáng chú ý.

Trong đó, ban lãnh đạo Masan Consumer đánh giá thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào sự phát triển kinh tế vững chắc, thu nhập khả dụng ngày càng tăng và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Dữ liệu của Frost & Sullivan cho thấy, quy mô thị trường FMCG của Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 9,7% từ năm 2024, đạt 58,4 tỷ USD vào năm 2029.

Thị trường tăng trưởng giá trị cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi trong mô hình bán lẻ, đặc biệt là sự gia tăng thâm nhập của các hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi. Từ những thay đổi trong nhu cầu và thói quen tiêu dùng những năm gần đây, có thể thấy rõ rằng một số xu hướng tiêu dùng đang trở thành động lực chính, tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam trong năm 2025.

Masan Consumer
Masan Consumer hiện sở hữu danh mục hơn 50 nhãn hiệu sản phẩm FMCG trong nhiều phân khúc tại Việt Nam.

Theo đó, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu năm nay từ 33.500 - 35.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 8% - 15% so với mức thực hiện của năm 2024. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất lịch sử của công ty.

Để đạt mức tăng trưởng trên Masan Consumer cho biết sẽ thực hiện các chiến lược tăng trưởng chủ chốt và phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme”. Đồng thời cao cấp hóa trong ngành hàng Gia vị và Thực phẩm tiện lợi, củng cố vị thế dẫn đầu phân khúc cao cấp bằng cách mở rộng thị trường mì ăn liền vào các bữa ăn sẵn như (Lẩu tự sôi, Cơm tự chín, Lẩu cầm tay…) nhằm nắm bắt xu hướng tiêu thụ bên ngoài gia đình.

Xem thêm: "Triển khai mô hình cửa hàng mới, WinCommerce có thể mở thêm 1.000 điểm bán trong năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đồng thời, Masan Consumer lên kế hoạch ra mắt sản phẩm trong ngành hàng Đồ uống & Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Cụ thể, công ty sẽ mở rộng danh mục sản phẩm Wake-up 247 và gia tăng thị phần trong phân khúc trà đóng chai với các sản phẩm cải tiến BupNon Tea365; tối ưu hoá danh mục để tập trung vào các cải tiến nhãn hiệu Chanté và Net, đồng thời gia nhập thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược “Go Global”, tập trung vào các thị trường chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.

Tính đến cuối năm 2024, Masan Consumer hiện sở hữu danh mục hơn 50 nhãn hiệu sản phẩm FMCG trong nhiều phân khúc tại Việt Nam; trong đó, một số nhãn hiệu có doanh thu hàng năm vượt ngưỡng 100 triệu USD như CHINSU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Wake-up 247…

Trong một diễn biến có liên quan, Masan Consumer vừa thực hiện đợt chào bán thêm hơn 326,8 triệu cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ cổ phiếu được phân phối thành công là 99,83%. Qua đó, vốn điều lệ của công ty tăng mạnh từ mức 7.355 tỷ đồng lên 10.623 tỷ đồng.

Sau đợt chào bán trên, tỷ lệ sở hữu của Công ty TNHH MasanConsumerHoldings thuộc Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) tại Masan Consumer giảm xuống còn 70,4%.

Duy Quang