Dự báo về một số đồng tiền chủ chốt

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhân dân tệ hiện vẫn chưa phải là một đồng tiền mang tính toàn cầu, nhưng nó sẽ trở thành đồng tiền quốc tế nhanh hơn nhiều so với dự đoán

Nhân dân tệ có thể sớm thay thế USD

Sự quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ cũng sẽ hướng hệ thống dự trữ tiền tệ toàn cầu sang cơ cấu dự trữ đa tiền tệ, ADB cho biết.

Hầu hết các nhà phân tích dự đoán, sự chuyển đổi này sẽ diễn ra hoàn toàn trước năm 2020, thời điểm Trung Quốc biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính quốc tế.

Mới đây, thị trường tài chính quốc tế đã tập trung sự chú ý vào đồng Nhân dân tệ khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết để đồng nội tệ linh hoạt hơn, sau khi neo giá đồng tiền của mình với USD trong gần hai năm qua. Ngay sau đó, đồng Nhân dân tệ đã lên giá đáng kể trên thị trường.

Nghiên cứu của ADB cho thấy đồng Nhân dân tệ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trên toàn cầu và trong khu vực, với điều kiện Trung Quốc phải cải cách thành công chính sách tiền tệ của mình.

Theo báo cáo, một khi đồng Nhân dân tệ trở nên dễ chuyển đổi hơn, nó sẽ dần trở thành tiền tệ quốc tế - chiếm khoảng 3% đến 12% lượng tiền dự trữ quốc tế vào năm 2035.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm dấy lên mối lo ngại về tính ổn định của USD, đồng tiền dự trữ chính trong trên toàn cầu, và nhiều chuyên gia đã kêu gọi thay thế đồng bạc xanh.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kể từ năm 2000, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng 6.150 tỷ USD lên 8.090 tỷ USD đến cuối năm 2009, chiếm 14% GDP toàn thế giới.

Trung Quốc và Nhật Bản chiếm tổng cộng khoảng 43% dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Đồng đôla Mỹ sẽ tăng giá mạnh trong thập kỷ tới

Theo UBS, ngân hàng giao dịch ngoại tệ lớn thứ hai thế giới, đồng USD sẽ trở thành đông tiền tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm tới, dần mất đi vai trò là đồng tiền dự trữ an toàn mà đồng tiền này đã giữ trong thập kỷ qua.

Mansoor Mohi-uddin, trưởng ban chiến lược ngoại tệ của UBS tại Singapore cho rằng đồng USD sẽ trở lại phát triển theo hướng những năm đầu thập kỷ 80 và cuối thập kỷ 90, khi đó đồng tiền này tăng giá do chứng khoán tăng. Theo ông Mohi-uddin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ là ngân hàng trung ương của một nước lớn đầu tiên tăng lãi suất.

"Trong vòng 10 năm tới, nhiều khả năng đồng đôla sẽ chuyển sang vị thế được các nhà đầu tư tin tưởng hơn do nền tảng kinh tế Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn hơn do với khu vực sử dụng đồng euro, Anh hay Nhật".

Dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 1,2% tại Anh, 1,1% tại khu vực đồng euro và 2,1% tại Nhật.

Đồng euro sẽ ngang bằng với USD vào năm 2011

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), có trụ sở tại London, dự báo đồng euro sẽ giảm giá xuống ngang bằng với USD vào năm 2011, nếu đồng tiền này vẫn tồn tại đến thời điểm đó, trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang phục hồi chậm chạp.

Trong báo cáo hàng quý về triển vọng kinh tế toàn cầu công bố mới đây, CEBR cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2010 do kinh tế tăng trưởng mạnh hơn. Trái lại, các chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ vẫn bị kìm chế bởi sự yếu kém của nền kinh tế châu Âu và ngân hàng này sẽ buộc phải giảm lãi suất.

Tổng giám đốc CEBR Douglas McWilliams cho biết bản báo cáo được soạn thảo dựa trên giả định rằng đồng euro sẽ tiếp tục tồn tại trong vòng một năm tới, tính từ thời điểm này, nhưng ông vẫn rất bi quan về triển vọng dài hạn của đồng tiền chung châu Âu.

Theo ông McWilliams, một điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra là đồng euro sẽ sụp đổ vào một thời điểm nào đó, có thể là trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, và trong thời gian đó đồng tiền này chắc chắn sẽ rất yếu.

Tổng giám đốc CEBR cho biết đồng euro đã giảm gần 30 cent so với USD trong năm nay và có thể sẽ giảm nốt 20 cent xuống mức tỷ suất ngang bằng với đồng bạc xanh khi có dấu hiệu rõ ràng về việc Mỹ sẽ tăng lãi suất trong khi chi phí đi vạy tại Eurozone sẽ bị giảm xuống do sự yếu kém của kinh tế.

Charles Davis, tác giả bản báo cáo, cho biết sự phục hồi đang diễn ra mạnh một cách đáng ngạc nghiên tại các thị trường đang nổi trong khi vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại các nền kinh tế tiên tiến.

Sự phát triển quá nóng tại các thị trường đang nổi sẽ đòi hỏi việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi tại các nền kinh tế yếu hơn ở phương Tây, nhịp độ tăng trưởng sẽ còn chậm lại hơn nữa khi các gói kích thích kinh tế được rút lại.

Đồng AUD sẽ ngang bằng tỷ giá với đồng USD

Ngân hàng HSBC đã hạ thấp mức dự báo cuối năm đối với đồng AUD do những rủi ro trên thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ bùng nổ, cùng sự thiếu ổn định trong triển vọng tăng trưởng của các quốc gia châu Âu.

Tuy nhiên, đang xuất hiện những dấu hiệu lạc quan rằng đồng AUD sẽ vượt qua mức 0,90 USD vào cuối năm 2010 nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nằm trong tầm kiểm soát, và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ không lan rộng thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Vào cuối tháng Năm vừa qua, đồng AUD đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay là 0,80 USD do những lo ngại về vấn đề nợ châu Âu. Nguy cơ từ khủng hoảng nợ châu Âu và sự lan rộng của nó đã khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn và hướng nhiều hơn tới các kênh đầu tư mang tính an toàn cao, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa.

Giám đốc phân tích tiền tệ thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia John Kyriakopoulos cho rằng mối lo ngại đó đã làm giảm "nhiệt tình" của các nhà đầu tư, đồng thời nhấn chìm giá trị đồng AUD so với đồng USD trên thị trường.

Đồng Rúp sẽ trở thành đồng tiền dự trữ thế giới

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hy vọng đồng Rúp của nước này sẽ trở thành một trong những đồng tiền dự trữ của thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (PIEF) lần thứ 14, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, về việc xây dựng một đồng tiền dự trữ mới của thế giới, “nếu là 3 hay 5 năm trước, điều này rõ ràng là không thể được, nhưng hôm nay chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này”.

Tổng thống Medvedev từng nhiều lần chỉ ra rằng, thị trường toàn cầu cần có một đồng tiền siêu quốc gia đủ năng lực đối trọng với USD. Theo ông, thế giới có thể phải cần tới 6 loại tiền dự trữ. Ông cho biết sẽ đưa thủ đô Moscow của Nga trở thành một trung tâm tài chính, nhằm hỗ trợ cho đồng Rúp trở thành một đồng tiền dự trữ.

Sau khủng hoảng tài chính, nước Nga đang muốn khôi phục lại tiếng nói của họ trên toàn cầu. Năm 2009, GDP của nước này đã bị thu hẹp xuống 7,9%, mức thấp nhất kể từ sau khi Liên Xô cũ tan vỡ năm 1991.

Ông Medvedev cho rằng, nếu thế giới hoàn toàn dựa vào đồng đôla của Mỹ, thì tình hình phát triển của toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn. Theo tiết lộ của Bộ Tài chính Mỹ, tháng 4/2010 là tháng thứ 5 liên tiếp nước Nga bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.