Dự thảo Luật hiện có một số nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành (ban hành năm 2010) như: khái niệm người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, lĩnh vực thu hồi hàng hóa có khuyết tật, các phương thức bán hàng, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng,…
Liên quan đến quy định về giải quyết tranh chấp tại Tòa án có một số sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Về thủ tục giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:...”.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:...”.
Như vậy, Dự thảo Luật hiện sửa đổi cụm từ “thủ tục đơn giản” thành “thủ tục rút gọn”. Việc sửa đổi nêu trên nhằm thống nhất việc sử dụng cụm từ “thủ tục rút gọn” được quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Chương XVIII và XIX).
Việc quy định thống nhất nêu trên sẽ tạo căn cứ pháp lý để áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Về nội dung án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung 01 điều khoản về việc “Tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án”.
Quy định trên được xây dựng trên cơ sở có tính tới các điều kiện khó khăn trong hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, đồng thời, nhằm cụ thể hóa chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh việc người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án thì Dự thảo Luật hiện đang bổ sung thêm chủ thể mới là tổ chức xã hội.
Về nội dung tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung 01 điều khoản: “Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng.”
Trên thực tế, trong quá trình khởi kiện, các tổ chức xã hội, cụ thể là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sử dụng nguồn lực lớn để tham gia vụ kiện, bao gồm: con người, trình độ chuyên môn, chi phí và thời gian. Nếu thắng kiện, các Hội sẽ có thể được bù đắp phần chi phí đã sử dụng nhưng nếu thua kiện, Hội sẽ chịu nhiều khoản chi phí, bao gồm cả án phí, các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện, tiền bồi thường thiệt hại cho bên thắng kiện. Rủi ro như vậy nên thực tế trong giai đoạn 2011-2020 vừa qua, chỉ có 01 vụ kiện được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện theo quy định này .(Vụ kiện “ngộ độc bánh mì” do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre cùng nhiều nguyên đơn khác thực hiện vào năm 2015)
Vì vậy, để khuyến khích các Hội tham gia mạnh mẽ vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tạo cơ chế để tăng cường, hỗ trợ cho công tác bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo Luật hiện bổ sung quy định theo hướng cho phép số tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng.
Về lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện bổ sung 01 điều khoản: “Trong trường hợp pháp luật có quy định, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trực tiếp hoặc trực tuyến.”
Dự thảo trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp trực tuyến đang được áp dụng mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin và thương mại quốc tế. Việc bổ sung quy định nêu trên đồng thời tăng thêm quyền của các chủ thể liên quan trong việc áp dụng các phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong bối cảnh các chủ thể có sự xa cách về mặt địa lý hoặc vì lý do dịch bệnh, sức khỏe…không cho phép tham gia trực tiếp tại các địa điểm xét xử.
Giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực răn đe, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng tại Tòa nói riêng và các quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng khác nói chung là yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.
Hiện tại, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được đăng tải để lấy ý kiến hoàn thiện tại địa chỉ: http://legal.moit.gov.vn/du-thao-van-ban/18.html./.