Đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống quy định về quản lý hóa chất
Sáng 12/9, ngay sau khi khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm hơn, chất lượng được cải thiện, một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương, hoạt động hóa chất đã được quản lý tốt hơn và ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Kể từ thời điểm ban hành Luật, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật liên quan được ban hành mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung.
Mặt khác, thời gian qua Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, Điều ước quốc tế mới về hóa chất dẫn tới Luật Hóa chất cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thành viên công ước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đặc biệt, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022), hóa chất được xác định là ngành công nghiệp nền tảng, được ưu tiên phát triển để đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, cùng với các chủ trương, chính sách xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường….
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước, luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hóa chất năm 2007.
Dự thảo Luật được hoàn thiện trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, việc xây dựng dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, nhằm có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hồ sơ Dự án Luật đã được Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định ngày 29/5/2024, Bộ Tư pháp đã Báo cáo thẩm định số 132/BCTĐ-BTP ngày 6/6/2024. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật.
Ngày 13/6/2024, Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án luật và thông qua tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024. Trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đến nay, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Giảm 5 nhóm TTHC trong lĩnh vực hóa chất so với hiện nay
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát đề cương được duyệt và 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội (không bổ sung chính sách mới), bao gồm: (i) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; (ii) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (iii) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; (iv) Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Luật này quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.
Trên cơ sở các chính sách được xây dựng, đối tượng áp dụng của Luật Hóa chất (sửa đổi) bao gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hóa chất hoặc tham gia đầu tư, xây dựng dự án hóa chất, cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương.
Dự thảo Luật quy định 12 nhóm thủ tục hành chính (TTHC), gồm: 4 nhóm TTHC mới, 06 nhóm TTHC sửa đổi, bổ sung, 2 nhóm TTHC giữ nguyên. Trong quá trình thực hiện Luật Hóa chất (sửa đổi), 9 nhóm TTHC hiện nay trong lĩnh vực hóa chất sẽ được bãi bỏ. Như vậy, mặc dù có phát sinh thêm TTHC mới nhưng số TTHC trong lĩnh vực hóa chất sẽ giảm đi 5 nhóm so với hiện nay. Các TTHC được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Dự thảo Luật không có quy định nào tạo ra sự phân biệt về giới và nội dung dự thảo Luật tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bố cục các chương tại Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)
Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất, gồm 06 điều (từ Điều 9 đến Điều 14)
Chương III. Quản lý hoạt động hóa chất, 30 Điều (từ Điều 15 đến Điều 44)
Chương IV. Thông tin hóa chất, gồm 11 Điều (từ Điều 45 đến Điều 55)
Chương V. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, gồm 3 Điều (từ Điều 56 đến Điều 58)
Chương VI. An toàn hóa chất, gồm 2 Mục, 13 Điều (từ Điều 59 đến Điều 71)
Chương VII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều (từ Điều 72 đến Điều 76)
Chương VIII. Quản lý nhà nước về hóa chất, gồm 10 Điều (từ Điều 77 đến Điều 86)
Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều (Điều 87 đến Điều 89)