Giá trị gia tăng chưa cao
Mặc dù các ngành công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại di động, điện tử và máy tính, phương tiện vận tải và phụ tùng… được cho là đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng không được đánh giá cao do tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chưa nhiều. Thành công nhất cho đến lúc này là ngành công nghiệp xe máy, với công suất 3 triệu chiếc mỗi năm, tỷ lệ nội địa hoá cao, xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia. Thành công của xe máy nước ta được giải thích bằng lý do kinh tế: quy mô thị trường lớn thứ tư thế giới; tỷ lệ người dân sở hữu xe máy đứng thứ hai thế giới. Đây là động lực cho việc hình thành một thị trường linh kiện, phụ kiện xe máy khủng khiếp, cho phép đẩy nhanh tỷ lệ nội địa hoá ngành công nghiệp béo bở này tiến sát ngưỡng 90%.
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).
Đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hoá các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; linh kiện điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%. Tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành điện tử tin học, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao đạt 5%.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát một số cơ sở xuất khẩu Việt Nam, ông Charles Kunanka - Chuyên gia kinh tế trưởng Khối thương mại và cạnh tranh của WB Việt Nam đã đi đến kết luận, thực chất tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam thường thực hiện ở các công đoạn sản xuất có hàm lượng công nghệ không cao. Điều này đặt Việt Nam trước hai ngả rẽ. Một là đẩy mạnh chuyên môn hóa các chức năng gia công lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp như hiện nay. Hai là tìm cách tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hóa và tham gia vào những khâu đem lại giá trị cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, trong một thế giới liên thông như ngày nay, và trong điều kiện một nước đã ký 15 FTAs với các đối tác ở hầu hết các châu lục như nước ta, yếu tố thị trường (nội địa) không còn có ý nghĩa quyết định, mà nhường chỗ cho vai trò năng lực của doanh nghiệp. Hiện năng lực của doanh nghiệp nước ta không cao. Cuộc khảo sát mới đây của WB Việt Nam với gần 1000 doanh nghiệp cho thấy, năng suất của doanh nghiệp Việt Nam khoảng 10.500 USD/năm trên mỗi nhân công, nằm ở mức trung bình trong khu vực, tương đương với Philippines, Indonesia, chỉ thua Singapore và Malaysia. Song mức độ thâm dụng vốn thuộc vào hàng cao nhất khu vực, khoảng 6.600 USD trên mỗi nhân công. Điều đó có nghĩa là năng suất vốn, được tính bằng giá trị gia tăng/vốn, của doanh nghiệp nước ta thuộc loại thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 160%, so với 200% của Lào và Myanmar, 210% của Philippines, 500% của Malaysia.
Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ chiếm 16,5% tỷ trọng trong GDP, thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực có khoảng 15-20%).
Do đó, doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất; đây là nguyên nhân dẫn đến tính tự chủ của nền sản xuất công nghiệp không cao. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu từ 70% đến 90% nguyên liệu. Một hướng khảo sát khác cho thấy, có 23% doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm mới trong 3 năm trở lại đây, cũng là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn của việc đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam là nhằm cắt giảm chi phí, rất ít trong số đó là để giới thiệu những tính năng hoàn toàn mới. Đồng thời, chỉ có 4% doanh nghiệp nước ta mua bằng sáng chế để phát triển sản phẩm, bằng khoảng 1/3 đến ½ so với Philippin, Thái Lan và Malaysia.
Những điều trên dẫn đến, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào ở nước ta thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực. Trong khi 80-90% các doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan sử dụng đầu vào trong nước thì chỉ có khoảng 2/3 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam làm như vậy. Hệ quả cuối cùng là sự lan tỏa của doanh nghiệp FDI ở nước ta không như kỳ vọng, doanh nghiệp trong nước ít tham gia và tham gia không sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là sự “thất bại của thị trường” - tức là để thị trường tự điều tiết.
Hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh
Khi thị trường thất bại thì Nhà nước sẽ can thiệp, theo hai hướng. Thứ nhất, từ trên xuống, tức tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể như quy định các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu là các chính sách hỗ trợ về tín dụng, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thống kê công nghiệp để hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về công nghiệp, phát triển bền vững trong công nghiệp... đang đến hồi cấp bách và cần thiết.
Đồng thời có cơ chế phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, thông qua các dự án đầu tư công, hợp tác công - tư (PPP), mua sắm của chính phủ... phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hướng can thiệp này tạo ra nền tảng cơ bản nhưng không đủ sức nhằm thẳng vào mục tiêu tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Vì thế, cùng với can thiệp từ trên xuống, có hướng thứ hai - từ dưới lên, hướng hẳn sự hỗ trợ vào nhóm doanh nghiệp được lựa chọn.
Công ty sản xuất điện tử Thành Long là một ví dụ điển hình. Đầu tiên, Thành Long nằm trong nhóm doanh nghiệp được lựa chọn để nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ JICA và SIDEC. Qua đó, công ty được tập huấn các kỹ năng quản lý 5S và Kaizen; được trợ giúp tham gia các hội chợ ở châu Âu, được thông tin về nhu cầu của người mua, tức các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam… Sự tiến bộ về công nghệ, quản trị và thông tin khiến Thành Long từ một nhà cung cấp cấp 2 cho Jaguar Việt Nam tiến lên vị trí là nhà cung cấp bảng mạch in cấp 1 cho Canon và đang hoàn tất để trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung.
Thành công của Thành Long và một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử, ô tô cho thấy 2 điều. Thứ nhất, việc hỗ trợ của nhà nước phải nhằm đến những doanh nghiệp được lựa chọn cẩn thận, có đủ năng lực, khát vọng và quy mô nhất định. Các doanh nghiệp nhỏ thường không được các doanh nghiệp FDI “để mắt”, do đó, hỗ trợ những đối tượng này sẽ khó đạt mục tiêu kết nối. Một khảo sát mới đây của WB Việt Nam cho thấy, hỗ trợ các công ty có quy mô từ trung bình trở lên có nhiều khả năng đạt được sự tin cậy cần thiết cho sự liên kết, dễ được các công ty FDI chấp nhận hơn là các công ty nhỏ. Thứ hai, việc hỗ trợ này không chỉ giúp một, một vài doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, mà có tác động lan tỏa đến khát vọng của hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp đi theo con đường này. Kết quả cuối cùng là, tạo ra phong trào “chạy đua” vào kỷ nguyên của chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp và nâng cao tính tự chủ của ngành công nghiệp.
Một ví dụ thứ hai, Công ty Cổ phần Cơ Khí Phổ Yên (FOMECO) có bề dày 20 năm trong sản xuất công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, chuyên cung cấp các sản phẩm, phụ tùng trong lĩnh vực xe máy, ôtô, vòng bi…
Để có thể đứng vững trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki… FOMECO tập trung vào giải quyết 3 vấn đề: Chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng và giá thành sản phẩm. Bên cạnh đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao mức độ tự động hóa, Công ty triển khai các hoạt động 5S và Kaizen.
Đầu năm 2020, Bộ Công Thương tổ chức Cuộc thi Nhóm Cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 - một sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động của “Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, FOMECO đã bắt tay triển khai thực hiện dự án Nâng cao năng suất, chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt.
Trước đây, tại mỗi máy sản xuất là một công nhân đứng máy, cấp phôi thủ công bằng tay, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào thao tác của người thợ, mức độ an toàn lao động trong công việc thấp, rất thấp. Do vậy, để cải thiện, khắc phục những nhược điểm trên, FOMECO đã nghiên cứu, cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt với việc thực hiện 3 mục tiêu chính: (1) Giảm nhân lực trên các dây chuyền; (2) Giảm chi phí phát sinh khi thêm giờ làm; (3) Giảm lỗi phát sinh chất lượng; thoả mãn yêu cầu giảm chi phí từ khách hàng và cải thiện điều kiện làm việc. Khi tiến hành nghiên cứu, triển khai, FOMECO đã phân tích các công đoạn sản xuất và xác định giải pháp trọng tâm như: Thiết kế chế tạo hệ thống cấp phôi tự động thay cho việc cấp phôi bằng tay; Thay đổi dây chuyền từ 1 người đứng 1 máy sang 1 người đứng nhiều máy…
Từ đó, số nhân công trên dây chuyền giảm từ 16 người xuống còn 10 người (giảm 6 người tương ứng 37,5%). Số nhân viên dư ra được điều động sang bộ phận sản xuất hàng xuất khẩu phụ trách gia công hàng kết cấu, xây dựng vốn có số đơn hàng cao; Chi phí tiền lương giảm từ 2,304 tỷ/năm xuống còn 1,440 tỷ/năm (giảm 37,5%).
Ngoài ra, lỗi sản phẩm trong các công đoạn sản xuất giảm mạnh xuống chỉ còn 84 sản phẩm/năm; số giờ làm thêm cũng giảm 100%, từ 2.688 giờ/năm xuống mức không phát sinh. Việc triển khai dự án Nâng cao năng suất chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt còn giúp đảm bảo an toàn lao động trong quá trình vận hành, sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên.
Với phương châm “Cải tiến không ngừng - Nâng cao chất lượng - Hài lòng khách hàng” và đẩy mạnh áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý chất lượng, FOMECO đã liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh, trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô – xe máy và các ngành cơ khí, xây dựng…
Nhiều năm qua, các dòng xe máy Honda “made in Vietnam” như Wave, Future, Dream, Vision, Lead, PCX, Winner đã xuất hiện ở các nước ASEAN; Honda SH, PCX, Shmode, Dio xuất hiện ở châu Âu; Honda SH, Dio, Giono… xuất hiện ở Nhật Bản có sự góp phần của phụ tùng xe máy FOMECO. Phụ tùng xe máy FOMECO chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời giúp FOMECO đứng vững trong chuỗi cung ứng của Honda, Piaggio, Yamaha, Suzuki.
Can thiệp từ trên xuống cùng với hỗ trợ từ dưới lên, hướng thẳng vào nhóm doanh nghiệp được lựa chọn không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, đứng vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn là cơ sở để Việt Nam xây dựng một nền công nghiệp tự chủ, đủ khả năng ứng phó trước những biến động phức tạp của kinh tế thế giới.