Mục tiêu cụ thể đưa ra cho giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.
Đến năm 2025:
- 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;
- Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Đến năm 2030:
- Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%;
- Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ;
- Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.
Để cụ thể hóa Chương trình, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 75/2021/TT-BTC quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Theo Thông tư, kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: Nguồn ngân sách nhà nước (nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương, nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương) và nguồn kinh phí khác (kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình, kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác).
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí căn cứ theo nhiệm vụ được phê duyệt theo nguyên tắc như sau:
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên;
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 70% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ) đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên:;
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp và các tổ chức khác.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng và giải ngân nguồn kinh phí huy động theo đúng phương án huy động các nguồn tài chính, đảm bảo về cơ cấu theo tỷ lệ với nguồn ngân sách nhà nước đã được phê duyệt.
Quy định cụ thể về nội dung và mức chi ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan, tập trung hỗ trợ các nội dung:
- Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ;
- Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước;
- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;
- Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
- Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội;
- Chi phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Chương trình.
Thông tư 75/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/10/2021