Đưa sở hữu trí tuệ thành thế mạnh
Chia sẻ tại Tọa đàm về sở hữu trí tuệ hưởng ứng ngày trí tuệ thế giới (26/4) diễn ra ngày 1/4/2021, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ đã khẳng định vai trò, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sở hữu trí tuệ. Tỉnh Bắc Giang luôn xác định sở hữu trí tuệ đóng vai trò tích cực như một động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Do vậy, trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy hoạt động sáng kiến. Qua đó, đã hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp như hỗ trợ 50 % chi phí tư vấn, thiết kế, đăng ký với mức tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; hỗ trợ 50% thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm với mức tối đa 200 triệu đồng trên một sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa 20 triệu đồng trên một sản phẩm,…
Đặc biệt, là tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hoá phong phú, có giá trị kinh tế cao, trong những năm qua tỉnh đã tập trung hỗ trợ xác lập quyền sở hữu với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm tiềm năng của tỉnh. UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 802/KH-UBND về Phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014-2020.
Riêng đối với sản phẩm vải thiều, tỉnh đã xây dựng đề án "Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia gia đoạn 2017-2020” trong đó thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ để triển khai một số nội dung hỗ trợ như hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP với mức 15 triệu đồng/giấy chứng nhận; hỗ trợ 30% kinh phí mua dây chuyền, thiết bị bảo quản vải thiều với mức tối đa 2 tỷ đồng và 100% kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ cho thiết kế bao bì 25 triệu đồng,…
Đến nay, Bắc Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 1.174 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong đó 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể, còn lại là nhãn hiệu thông thường.
Vải thiều Lục Ngạn mở đường vào thị trường Nhật Bản
Ngày 12/3/2021, “niềm tự hào” của tỉnh Bắc Giang nói riêng và của cả nước nói chung là vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản - đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhưng đồng thời lại là đất nước của những người tiêu dùng khó tính.
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, vải thiều Lục Ngạn là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản, về đích sớm nhất trong số 3 sản phẩm đặc thù đang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại quốc gia này.
Trong thành công này phải kể đến sự chủ động, phối hợp chặt chẽ của tỉnh Bắc Giang với Cục Sở hữu trí tuệ nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, quy trình kỹ thuật. Vải thiều Lục Ngạn đã viết tiếp câu chuyện về các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, góp phần quảng bá cho một đất nước Việt Nam nhiều sản phẩm đặc thù, có danh tiếng, chất lượng cao, có một nền nông nghiệp phát triển.
“Đây là một minh chứng rõ nét của mô hình sử dụng sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm gắn với các địa danh của Việt Nam vươn ra thế giới”, ông Đinh Hữu Phí cho biết.
Năm 2021, dự kiến diện tích vải thiều toàn tỉnh là 27.700 ha, sản lượng là 160.000 tấn (báo cáo của Sở NN&PTNT). Trong đó, rỉêng huyện Lục Ngạn diện tích là 15.450 ha, sản lượng trên 120.000 tấn (báo cáo UBND huyện Lục Ngạn).
“Chuẩn bị vụ vải năm nay, đã có 8 doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua và 1 doanh nghiệp đã đến khảo sát, chọn địa điểm tiến hành triển khai xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. Năm 2021, dự kiến xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản trên 1000 tấn”, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang vui mừng chia sẻ.
Trong thời gian tới, đối với những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.
Bên cạnh đó, Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng số lượng và chất lượng sản phẩm mới được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 4 chỉ dẫn địa lý, 8 nhãn hiệu chứng nhận, 80 nhãn hiệu tâp thể, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 5%/năm. Đến năm 2030, Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh có mức độ khá về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.