Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho biết, đơn vị đã bắt đầu thu mua vải thiều của người dân Lục Ngạn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Cụ thể, Vina T&T đã mua 30 tấn quả của các hộ dân với giá 30.000 đồng/kg. Toàn bộ diện tích vải này được cấp mã số vùng trồng từ năm 2016, sản xuất theo quy trình GlobalGAP.
Sau khi đóng gói tại Lục Ngạn, vải thiều được vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để xử lý dịch hại tại cơ sở chiếu xạ và nhà máy đóng gói đã được Mỹ cấp mã số. Tiếp đó, vải được đưa đi Mỹ bằng đường biển và đường hàng không.
Dự kiến, mỗi tuần, Vina T&T sẽ xuất Mỹ 20 tấn vải thiều Lục Ngạn.
Được biết, sau nhiều năm tìm kiếm, thử nghiệm, ở mùa vụ vải 2020, Vina T&T Group có thể bảo quản được trái vải tươi 45 ngày nên có thể đưa hàng sang Mỹ bằng đường biển, đường hàng không giúp quả vải đến tay người tiêu dùng tại Mỹ vẫn tươi ngon, giá cả hợp lý.
Dự kiến, từ nay đến cuối vụ, Tập đoàn Vina T&T sẽ thu mua khoảng 100 tấn vải gồm các giống: Thanh Hà, u hồng và vải thiều chính vụ để xuất khẩu sang Mỹ.
Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải, nâng tầm giá trị quả vải của thiều Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào đa dạng hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngay từ đầu năm nay, trên cơ sở phân tích những tác động từ dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã sớm phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang (Sở Công Thương) bàn bạc, xây dựng các phương án, kịch bản tiêu thụ quả vải năm 2020.
Năm 2020, các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước được đặc biệt chú trọng để Bắc Giang có thể chủ động ứng phó với kịch bản thị trường xấu nhất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức kết nối giao thương trực tuyến như kết nối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, quảng bá trực tuyến tới các đầu mối mua hàng tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới nổi như Trung Quốc, Singapore, Australia, Nhật Bản… tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều.
Vải thiều chính vụ đã bắt đầu vào thu hoạch và đang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường trong và ngoài nước theo đúng kịch bản mà tỉnh đã xây dựng từ đầu năm. Hiện giá vải thiều tại Bắc Giang cao nhất từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; bình quân cao hơn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Những ngày qua, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất sôi động, với trên 300 điểm cân; dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.