Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quy mô quốc tế, tạo cơ hội quan trọng để giới thiệu, quảng bá về vựa vải thiều Bắc Giang, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, các kênh tiêu thụ với các đầu mối cung ứng vải thiều tại Bắc Giang.
Hội nghị sẽ được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Bắc Giang và kết nối trực tuyến với hàng chục điểm cầu trên cả nước và nước ngoài, kết hợp truyền hình trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, đồng thời phát trực tiếp trên hệ thống các kênh mạng xã hội của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang.
Để chuẩn bị cho sự kiện, Cục Xúc tiến thương mại cùng các cơ quan thuộc Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi) đã có nhiều buổi làm việc chi tiết với Sở Công Thương Bắc Giang, trao đổi về kế hoạch tổ chức, chương trình hoạt động, nền tảng kỹ thuật ứng dụng cho hội nghị trực tuyến, cùng các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trái vải ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Vải thiều chín sớm và vải thiều chính vụ của Bắc Giang đang sắp bước vào vụ quy hoạch. Dù trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương cùng nhiều cơ quan bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chuẩn bị để việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra mới đây, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, không chỉ với quả vải, đơn vị còn chủ động phối hợp hỗ trợ địa phương xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản khác,
Sau hội nghị giao thương trực tuyến cho quả vải, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn trong tháng 7 với mô hình tương tự như tỉnh Bắc Giang.
Liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ quả vải thiều Bắc Giang, mới đây, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công Thương, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức tuần lễ tiêu thụ vải thiều và tổ chức các điểm bán hàng tại nhiều hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phân tích, nếu như trước đây, 60% sản lượng quả vải được tiêu thụ tại thị trường nội địa, 40% là xuất khẩu. Niên vụ vải 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn cả ở thị trường truyền thống Trung Quốc và thị trường mới là Nhật Bản, do vậy, mùa vải 2020, 80% sản lượng vải sẽ được tiêu thụ trong thị trường nội địa.
“Để kích cầu người dân mua sắm, ngày 28/5 tới đây, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức Hội nghị kích cầu mua sắm tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội và ngày 30/5, Tuần hàng nông sản của các tỉnh thành phố cũng được tổ chức tại BigC Thăng Long.
Giữa tháng 6, khi vải vào chính vụ, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp tổ chức Tuần lễ vải thiều để hỗ trợ việc tiêu thụ vải cho các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm vải thiều chính hiệu đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, từ năm 2020, Sở Công Thương đã trao đổi với một số hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức các điểm bán hàng đặc sản của các địa phương. “Mùa nào thức ấy, các địa phương có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến người dân Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Đánh giá về công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại cho quả vải Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mùa vụ vải chỉ kéo dài từ 3 tuần - 1 tháng, do đó, việc xúc tiến tiêu thụ là rất cần thiết, “nếu không làm nhanh chỉ có thể vứt đi”. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại đang có nhu cầu rất lớn với sản phẩm này của ta.
“Hàng trăm thương nhân Trung Quốc sẵn sàng sang đợi chờ các lô vải, chấp nhận thời gian cách ly tại Việt Nam để sau đó có thể mang vải về”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin và khẳng định câu chuyện này không chỉ của riêng đơn vị nào mà cần sự phối hợp của tất cả các Bộ, ngành trong nước để xúc tiến đi các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản,…
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng đang có sự sáng tạo trong nâng cao giá trị chế biến trong quả vải để làm ra các sản phẩm như vải khô, vải đóng hộp... thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu vải tươi.
Đây là hướng giải pháp hợp lý và quan trọng để khắc phục vấn đề mùa vụ của mặt hàng nông sản này, Thứ trưởng khẳng định.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải với sản lượng dự kiến đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, diện tích trồng vải chín sớm là 6.000 ha, cho sản lượng ước đạt khoảng 45.000 tấn, vải chính vụ khoảng 115.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải chín sớm từ ngày 10/5 đến ngày 10/6; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6. Chất lượng vải thiều Bắc Giang luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.