Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ toàn cầu đang trên đà vượt qua ngưỡng dự kiến vì khí gây hiệu ứng nhà kính và El Nino kết hợp khiến nhiệt độ tăng vọt. Những tác động ban đầu của hiện tượng El Nino đã khiến nhiều quốc gia dù mới bước vào đầu mùa hè nhưng đã trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục.
Ở Việt Nam, trong thời gian từ 07 - 13/7, nhiệt độ miền Bắc đã tăng cao ở mức 37-38 0C. Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên phụ tải miền Bắc đã ghi nhận mức công suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay là 465,9 tr.kWh và Pmax đạt 23.094 MW. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng tiêu thụ trung bình ngày của miền Bắc là 104%, công suất đỉnh lớn nhất là 103%.
Về phụ tải toàn quốc, sản lượng trung bình ngày đạt 920,7 tr.kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 39,9 tr.kWh; công suất cực đại trong tuần đạt 45.474 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay, cao hơn 1.723 MW so với tuần trước. Mặc dù phụ tải tăng cao kỷ lục như vậy nhưng do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, sự cố và hiện tượng suy giảm công suất ở các nhà máy nhiệt điện đã được khắc phục kịp thời, tình hình thủy văn các hồ miền Bắc được cải thiện nên tình hình cung cấp điện trong tuần qua vẫn được đảm bảo. Theo tính toán của Cục điều tiết điện lực, tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả điện nhập khẩu trong thời gian từ 7- 13/7 đạt 6,129 tỷ kWh tăng 3,59% so với tuần trước, trung bình ngày đạt 875,6 triệu kWh.
Trong khi đó, số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đã có 13 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết. Đa số các hồ thủy điện còn lại có mực nước thấp hơn nhiều so với quy định trong Quy trình điều tiết hồ chứa, liên hồ chứa, gây khó khăn lớn cho hệ thống điện nước ta, vì thủy điện chiếm 21% cơ cấu công suất nguồn điện.
Thời tiết nắng nóng thì chuyện về điện bao giờ cũng "nóng". Lan man chuyện nắng nóng kỷ lục tại Thổ Nhĩ Kỳ, Băng la đét, chuyện 41- 42 độ C ở Hà Tĩnh, rồi cuối cùng cũng quay về chuyện… điện. Đã xuất hiện thắc mắc, liệu có thể huy động điện năng lượng tái tạo thay cho mua điện từ Lào, Trung Quốc được không? Có 4 lý do để phải nhập khẩu điện.
Thứ nhất, năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió chiếm hơn 27% công suất lắp đặt (không kể điện sinh khối vì công suất quá nhỏ, chiếm 0,49% toàn hệ thống). Nhưng công suất khả dụng không cao. Như điện mặt trời công suất trên 16.500 MW, nhưng công suất khả dụng chỉ 11.000-12.000 MW, vì ban đêm công suất điện mặt trời bằng 0.
Điện gió cũng tương tự. Theo Tổng cục khí tượng thuỷ văn, thời điểm gió tốt nhất là tháng 11 đến tháng 3. Những tháng cao điểm nắng nóng thì gió lại rất ít. Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng cũng củng cố thêm nhận định này: Tổng công suất lắp đặt nguồn điện gió của toàn quốc được công nhận vận hành thương mại (COD) và đưa vào vận hành đến nay là 3.980 MW. Song, qua số liệu thống kê, không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW (tức là 50% so với tổng công suất lắp đặt). Thậm chí, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống thấp còn dưới 1.000 MW vẫn diễn ra phổ biến trong thời gian qua, có thời điểm khả năng phát điện từ gió rất thấp, gần như không đáng kể.
Thứ hai, xuất phát từ nguyên nhân thứ nhất, do tính không ổn định của nguồn điện năng lượng tái tạo nên chúng ta vẫn phải đẩy mạnh phát triển các nguồn chạy nền như nhiệt điện, thủy điện có số giờ hoạt động nhiều, trong đó có cả điện nhập khẩu, để gánh cho các thời điểm mà khả năng phát điện của điện gió, điện mặt trời thấp. Cần nói thêm là, thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn như đã nói ở trên không thuận lợi. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỉ trọng lớn, nhưng tình trạng đảm nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất điện cũng còn khó khăn.
Thứ ba, nhập khẩu điện chủ yếu phục vụ các tỉnh phía Bắc. Nếu huy động nguồn điện năng lượng tái tạo (tập trung tới 90% ở miền Trung và miền Nam) ra Bắc sẽ không đảm bảo năng lực truyền tải. Một chuyên gia năng lượng cho biết, hiện đường truyền tải từ Nam ra Bắc đã hết công suất, muốn tăng thì cần vài ba năm đầu tư, xây dựng.
Thứ tư, việc nhập khẩu điện của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2005. Đối với Lào, Việt Nam đã ký kết Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước năm 2016, theo đó, sẽ nhập khoảng 3.000 MW điện vào năm 2025, nâng lên 5.000 MW điện vào năm 2030. Như vậy, nhập khẩu điện không phải xuất phát từ khả năng phụ tải cao trong mùa nắng nóng hiện nay, mà xuất phát từ chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia từ nhiều năm nay.
Hơn nữa, nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỉ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế -thương mại với các nước trong khu vực. Cụ thể, sản lượng điện nhập khẩu của Việt Nam hiện nay là tương đối nhỏ; nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, nhập từ Trung Quốc khoảng 4 triệu kWh/ngày. Nếu so sánh riêng với mức tiêu thụ điện ở miền Bắc hàng ngày khoảng 450 triệu kWh thì tổng phần điện nhập khẩu chỉ chiếm 2,44%.
Những lý do trên đây đều liên quan đến mối quan hệ giữa bảo đảm công suất dự phòng nhằm duy trì tính ổn định, tin cậy của hệ thống điện với bảo đảm tính tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập Đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, các công trình lưới điện phục vụ đấu nối nhập khẩu điện để đảm bảo hiệu quả tối đa sản lượng điện nhập khẩu theo các hợp đồng, thỏa thuận đã ký.
Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.