Bảy giải pháp đảm bảo cung ứng điện
Chia sẻ với báo chí chiều 26/5/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã có nhiều chỉ đạo về việc đảm bảo cung ứng điện, trong đó giao Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên cùng các đơn vị có liên quan như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) xác định đảm bảo điện là mục tiêu cao nhất, không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Việt Nam đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nhiệt độ tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng điện cũng tăng theo. Mực nước các hồ thủy điện xuống thấp khiến công suất các nhà máy thủy điện cũng giảm, đặc biệt dòng chảy một số hồ chỉ ở mức 20% - 50% so với bình quân các năm trước.
Qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải 4 tháng đầu năm tăng nhanh, đến tháng 5 sản lượng trung bình ngày theo kế hoạch sẽ đạt 808 triệu kWh. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 25/5, công suất trung bình ngày cả nước đã lên đến 818 triệu kWh, tăng 8% so với kế hoạch. Đặc biệt, có những ngày ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ kỷ lục, như ngày 19/5 đã chạm mốc 923,9 triệu kWh. Công suất tiêu thụ cực đại của hệ thống đạt 44.666 MW, tăng 9%.
Về nguồn điện, một số tổ máy có công suất lớn của các nhà máy điện gặp sự cố, phải sửa chữa trong thời gian kéo dài như Nghi Sơn 2, Vũng Áng 1, Phả Lại, Cẩm Phả,… cũng gây khó khăn cho đảm bảo cung ứng điện.
Đứng trước tình hình này, ngày 18/5, Thủ tướng đã họp với Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị, chỉ đạo bằng mọi cách phải đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, có 7 giải pháp mà Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành Điện đã triển khai trong thời gian qua, đồng thời cũng là các giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, đảm bảo độ tin cậy vận hành của các nhà máy điện, đặc biệt các nhà máy nhiệt điện và tuabin khí. Mới đây, PVN đã đưa vào vận hành 2 tổ máy của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tăng cường thêm nguồn cho hệ thống điện.
Thứ hai, tất cả các nhà máy điện, các đơn vị, Tổng công ty thuộc EVN và các doanh nghiệp có nhà máy điện phải bằng mọi giải pháp, quyết liệt lo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện (than, dầu, khí). Đến nay, EVN đã huy động được khoảng 900 triệu tấn dầu phục vụ phát điện, trong bối cảnh khó khăn về tài chính đây là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn.
Thứ ba, đề nghị PVN làm việc với các mỏ để tăng cường khai thác, cấp thêm khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Thứ tư, chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc đáp ứng đủ nguồn cung than theo nhu cầu của các nhà máy điện
Thứ năm, EVN điều tiết các hồ chứa thủy điện hợp lý, phối hợp giữa các nguồn điện năng để khi nào mực nước xuống quá thấp sẽ có giải pháp giữ nước lại, dùng các nguồn điện than, điện khí để đẩy lưu lượng nước lên, giữ công suất cho nhà máy thủy điện.
Thứ sáu, thúc đẩy tiết kiệm điện.
Thứ bảy, đối với các dự án điện chuyển tiếp, chỉ đạo EVN khẩn trương thảo luận giá, nếu chưa có giá chính thức thì đàm phán giá tạm và cho vận hành phát điện lên lưới điện, phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm hòa lưới, vừa tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, vừa giúp tăng nguồn cung cho hệ thống điện.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá, thực hiện chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ngành Điện bao gồm EVN và các chủ đầu tư dự án điện đã hết sức cố gắng, phối hợp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định và cung cấp đủ điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Dự báo thời gian tới, phụ tải những ngày tới sẽ cao hơn, miền Bắc vẫn ở cao điểm mùa khô và nền nhiệt cao, nhưng miền Trung và miền Nam bước vào mùa mưa nên phụ tải có thể giảm nhẹ.
“Hệ thống điện quốc gia hiện có khoảng 80.000MW công suất, trong khi công suất tiêu thụ cực đại ở mức 44.666MW, như vậy nếu đảm bảo các nhà máy điện vận hành ổn định, nhiên liệu đủ, điều tiết tốt các hồ thủy điện và tăng cường tiết kiệm điện, chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đảm bảo cung ứng điện cần rất nhiều nỗ lực của các bên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện chuyển tiếp theo đúng quy định pháp luật
Liên quan đến các dự án điện chuyển tiếp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng đinh, 3 quan điểm lớn về xử lý vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: (i) Việc giải quyết các vấn đề phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật; (ii) Giải quyết trên tinh thần “lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ”; (iii) Giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Thống kê cho thấy, hiện có 8 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/1/2021 và 77 nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/1/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện FIT tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng công suất của 85 nhà máy điện chuyển tiếp này là 4.736 MW.
Ngày 24/5/2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 3184/BCT-ĐTĐL gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Cũng trong ngày 24/5, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cùng đoàn công tác Bộ Công Thương và EVN đã tổ chức Hội nghị với Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện các dự án.
Ngày 25/5/2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 3219/BCT-ĐTĐL-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực về việc triển khai thực hiện Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị "khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhằm sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư”.
Tính đến thời điểm ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đã đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).
Đã có 39 dự án với công suất 2.363 MW đề xuất với EVN ký hợp đồng sau khi đàm phán giá tạm.
Đối với 16 dự án hòa lưới thử nghiệm, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm, xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.
“Tất cả các phần trách nhiệm của EVN liên quan đến thỏa thuận đấu nối cho các dự án chuyển tiếp, EVN phải khẩn trương hoàn thiện”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82 MW và hiện có thêm 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5/2023.
Đã có 5 dự án hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý, đủ điều kiện phát điện thương mại và sẵn sàng hòa lưới, với công suất 303MW.
Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Theo thống kê, tính đến 26/5/2023 có 18/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép cho toàn bộ phần công suất đã đầu tư và 9/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép cho một phần công suất.
Đối với 19 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời thì đã có 13 nhà máy điện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong đó 12 nhà máy điện được cấp với toàn bộ công suất theo quy hoạch, 1 nhà máy điện gió mới được cấp giấy phép một phần.
Tuy vậy, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 01 dự án điện mặt trời), cho thấy việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN phải hoàn tất việc đàm phán giá tạm với tất cả các nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trước ngày 27/5/2023 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
"Hiện nay chúng ta có các đường dây liên kết với Lào, Campuchia, Trung Quốc. Sản lượng điện nhập khẩu hiện nay chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, khoảng 9-10%. Tuy nhiên, không phải vì thiếu chúng ta mới nhập. Đối với Trung Quốc, chúng ta đã mua điện từ năm 2005, qua Lào Cai và Hà Giang. Đối với Lào, chúng ta đã ký kết Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước, theo đó sẽ nhập khoảng 5.000 MW điện vào năm 2030 và 3.000 MW vào năm 2025. Đây là một phần trong hoạt động kết nối lưới điện trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) nói riêng và hợp tác quốc tế nói chung ở lĩnh vực năng lượng" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói về vấn đề nhập khẩu điện.