Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn năng lượng quán triệt thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng (đặc biệt là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đã chỉ ra trong các thông báo, kết luận, văn bản chỉ đạo, đặc biệt là tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022 của Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023, Quyết định số 163/QĐ-BCT ngày 6/2/2023 của Bộ Công Thương phê duyệt Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 và đặc biệt là Thông báo số 35/TB-BCT ngày 3/3/2023 của Bộ Công Thương thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tại buổi làm việc với các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV về các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tăng cường hợp tác giữa ba Tập đoàn.
“Trong mọi tình huống các Tập đoàn chịu trách nhiệm toàn diện đảm bảo đủ nguồn cung về năng lượng (than, khí, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ)”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các bên chủ động, tăng cường công tác phối hợp hiệu quả với các đơn vị có liên quan, tổ chức thực hiện nghiêm cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận cung cấp nhiên liệu đã ký kết và thực hiện các giải pháp cần thiết, cấp bách để đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho nhu cầu sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện theo yêu cầu của hệ thống điện quốc gia.
Riêng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương yêu cầu:
Khẩn trương tổ chức tổng kiểm tra, rà soát công tác quản lý vận hành trong toàn Tập đoàn, khẩn trương có giải pháp khắc phục triệt để đối với từng các tồn tại, hạn chế (nếu có). Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các đơn vị quản lý vận hành trong việc đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
Khẩn trương đàm phán và hướng dẫn Chủ đầu tư các dự án nguồn điện mới đã sẵn sàng phát điện trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý và điều kiện kỹ thuật cần thiết nhằm đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẵn sàng vào vận hành; Đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án điện đã ký kết tại Lào.
Chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện/Đơn vị phát điện nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện, đặc biệt là các nhà máy điện đang xảy ra tình trạng thiếu than như: Hải Phòng, Thái Bình 1, Duyên Hải 1; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho hoạt động của nhà máy điện; chủ động xây dựng các phương án để chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tiếp nhận than (cầu cảng, nạo vét luồng, thiết bị bốc dỡ, kho bãi tiếp nhận than, ....) và duy trì sẵn sàng, đầy đủ lượng than dự trữ định mức trong kho đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp than cho sản xuất điện.
Chỉ đạo các Đơn vị phát điện quản lý, vận hành các nhà máy điện chạy dầu Thủ Đức, Cần Thơ, Ô Môn đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện yêu cầu vận hành; phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý cụm nhà máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau để đảm bảo khả năng sẵn sàng và thực hiện chuyển đổi sang chạy dầu DO theo nhu cầu phụ tải điện toàn hệ thống, đặc biệt trong thời gian bảo dưỡng sửa chữa hoặc sự cố các hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn, Cửu Long, PM3-CAA.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, các công trình lưới điện phục vụ đấu nối nhập khẩu điện để đảm bảo hiệu quả tối đa sản lượng điện nhập khẩu theo các hợp đồng/thỏa thuận đã ký.
Chỉ đạo các Đơn vị trực thuộc sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn tối đa thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn-lưới điện trong thời gian cao điểm nắng nóng. Chỉ đạo Tổng công ty Phát điện 2 tập trung khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành tổ máy S2 nhà máy điện Phả Lại 1, tổ máy S6 nhà máy điện Phả Lại 2.
Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực tăng cường kiểm tra tất cả các tuyến đường dây, những khu vực hành lang tuyến có nguy cơ cháy cao, lưu ý các khu vực đã xảy ra cháy rừng trước đây, các khu vực có nhiều cây, cỏ khô, thực bì dễ gây cháy rừng, khu vực mà người dân có tập quán đốt nương làm rẫy để có biện pháp xử lý kịp thời.
Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Tp Hà Nội: i) Tiếp tục rà soát, chuẩn bị và thỏa thuận/thống nhất các phương án điều chỉnh phụ tải điện, tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt thép, xi măng, các trung tâm thương mại,…) để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Bắc; ii) Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kế hoạch cung ứng điện cao điểm nắng nóng năm 2023, những khó khăn trong việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt cho miền Bắc năm 2023 để toàn xã hội hiểu, chia sẻ khó khăn với ngành điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.
Kiểm tra, rà soát các chi phí sản xuất - kinh doanh, ưu tiên các hạng mục phục vụ công tác vận hành, nguồn cung nhiên liệu cho phát điện, tiết kiệm các chi phí cho các hoạt động thường xuyên, không cấp bách.
Thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố lớn và các khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhằm đạt được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp về các khó khăn hiện nay về tình hình cung cấp điện.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương yêu cầu:
Phối hợp chặt chẽ với EVN về việc cung cấp khí theo đúng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 và Hợp đồng mua bán khí đã ký giữa các bên, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, tăng cường khai thác, nhập khẩu các nguồn khí không để xảy ra việc thiếu khí cho sản xuất điện.
Chủ động phối hợp với EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chuẩn bị các điều kiện pháp lý và kỹ thuật cần thiết để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi hệ thống điện có nhu cầu.
Chỉ đạo, đôn đốc khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện (tổ máy S1 nhà máy điện Vũng Áng 1), đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ Công Thương yêu cầu:
Phối hợp chặt chẽ với EVN về việc cung cấp than theo đúng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 và Hợp đồng mua bán than đã ký giữa các bên.
Chỉ đạo, đôn đốc khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện (tổ máy S2 nhà máy điện Cẩm Phả), đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống.
Đối với Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp chặt chẽ với EVN về việc cung cấp than theo đúng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 và Hợp đồng mua bán than đã ký giữa các bên.
Đối với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương yêu cầu:
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Chịu trách nhiệm thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp để cung cấp trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho hoạt động của nhà máy điện.
Tăng cường công tác kiểm tra, củng cố các thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện.
Đối với Cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo cung cấp điện, hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị phát điện hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khẩn trương đưa vào vận hành.
Theo ghi nhận của ngành Điện cả nước, những ngày qua, nhiều trung tâm thương mại, cảng hàng không, công sở, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… đã chủ động tắt biển quảng cáo, giảm hệ thống chiếu sáng, điều chỉnh hệ thống điều hoà nhiệt độ phù hợp. Đây là những việc làm rất thiết thực chung tay cùng ngành Điện trong tình hình cung ứng điện mùa nắng nóng gặp nhiều khó khăn.