Theo đó kết thúc cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2019, các nhà hoạch định chính sách của ECB quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt như hiện tại, cụ thể lãi suất tiền gửi là -0,4%; lãi suất tái cấp vốn là 0%; lãi suất cho vay cận biên là 0,25%.
Quyết định giữ nguyên lãi suất được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một báo cáo cảnh báo sự giảm tốc của kinh tế khu vực đồng euro có thể sẽ kéo dài trong bối cảnh khu vực đang bị bao vây bởi xung đột chính trị và rủi ro toàn cầu như chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Kết quả cuộc khảo sát về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được công bố trước đó cho thấy sản xuất của Đức đã bị thu hẹp lần đầu tiên sau 4 năm, kéo nền kinh tế khu vực đồng euro vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 2013.
Trong bối cảnh đó, rất có thể ECB sẽ không tăng lãi suất trong khoảng thời gian “trị vì” còn lại của ông Mario Graghi. Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra sau đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi – người sẽ mãn nhiệm vào tháng 10 tới - đã thừa nhận rằng các rủi ro đối với kinh tế khu vực đồng tiền chung đã chuyển sang suy giảm. Mặc dù ngôn từ của ông vẫn cho thấy khả năng tăng lãi suất sau mùa hè năm nay, nhưng các nhà đầu tư và nhà kinh tế tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng việc tăng lãi suất có thể đến muộn hơn, thậm chí là sau khi ông mãn nhiệm.
Còn nhớ Draghi cũng từng phát biểu trước các nhà lập pháp châu Âu hồi đầu tháng 1 rằng, khối này đang tiến vào suy thoái. Mặc dù thừa nhận rằng sự không chắc chắn tiếp tục đối với triển vọng kinh tế đang làm suy giảm niềm tin, song ông cho biết vẫn có lý do cho sự lạc quan: Thất nghiệp tiếp tục giảm trong khu vực và tiền lương đang tăng lên, khiến ECB tin rằng lạm phát sẽ tăng dần.
Đối với một số nhà hoạch định chính sách bao gồm Sabine Lautenschlaeger và Estonia, Ardo Hansson, điều đó có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển như dự kiến và việc tăng lãi suất vào cuối năm nay vẫn có khả năng.
Tuy nhiên, dư địa để ECB thắt chặt chính sách đang hẹp dần, theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế. Đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu mà một trong những nguyên nhân là sự chậm lại của kinh tế khu vực đồng tiền chung. Các nhà kinh tế cũng dự đoán ECB sẽ cắt giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực khi công bố các dự báo cập nhật vào tháng 3 tới.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, để duy trì chính sách tiền tệ dễ dãi, ECB cho biết cho biết họ dự định tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn, những trái phiếu đã được mua vào theo chương trình mua tài sản quy mô 2,6 nghìn tỷ euro (3 nghìn tỷ USD) của mình, trong một thời gian dài thậm chí vượt qua cả lần tăng lãi suất đầu tiên.
Không chỉ ECB mà nhiều NHTW lớn khác trên thế giới cũng đang tỏ ra thận trọng hơn với việc thu lại các chính sách kích thích được đưa ra trong giai đoạn khủng hoảng. Ngay cả Fed, thời gian gần đây cũng đã thay đổi quan điểm khi liên tục tuyên bố sẽ “kiên nhẫn” với việc tăng lãi suất để giảm bớt tác động tiêu cực tới các thị trường; trong khi Trung Quốc cũng đang triển khai nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ có mục tiêu để hãm lại đà giảm tốc của nền kinh tế.
“Những cú sốc đến cùng lúc có thể tác động lâu dài đến tình cảm ở khu vực đồng euro và kéo giảm tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019. Dự báo của chúng tôi cho rằng kinh tế khu vực chỉ tăng trưởng khiêm tốn trong quý đầu năm, nhưng chúng tôi hy vọng việc mở rộng kinh tế sẽ trở lại tốc độ bình thường hơn trong các quý sau”, các nhà kinh tế Jamie Murray, David Powell và Maeva Cousin của Bloomberg Economics cho biết.