Ngày 26/8, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 với chủ đề “Sản phẩm Nghề truyền thống Quảng Nam – nâng tầm và hội nhập” sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam từ ngày 28-31/8/2024.
Chương trình với chuỗi hoạt động đặc sắc, bao gồm: Lễ khai mạc Festival, Chương trình nghệ thuật; Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập”; Chương trình biểu diễn Nghệ thuật; Chương trình trình diễn, tái hiện nghề; Lễ tưởng niệm Bách tổ nghề, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi; Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm nghề, làng nghề với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; Con đường nghệ thuật “Không gian nghề truyền thống xứ Quảng”; Triển lãm sản phẩm nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền, ẩm thực.
Lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 diễn ra vào lúc 19h00 ngày 28/8 và Lễ bế mạc Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 diễn ra vào ngày 31/8, tại Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Sự kiện sẽ tái hiện một cách sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, góp phần tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề, hướng đến các giải pháp bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề Quảng Nam trong thời gian đến.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 là một trong những hoạt động trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo cơ hội quảng bá, thúc đẩy cho các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ.