Thời gian gần đây, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá qua các hoạt động văn hoá - du lịch. Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.
Đây cũng là một trong những kênh phân phối tiềm năng, đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chia sẻ tại Toạ đàm "Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 01/12, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho rằng, thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, du khách đến Tuyên Quang rất đông. Đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên của tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút một lượng du khách rất lớn với đối tượng rất phong phú. Khi đến Tuyên Quang thì khách du lịch cũng muốn mua những sản phẩm của địa phương đó, có thể mua để sử dụng hoặc đem về làm quà tặng.
Du khách thông qua các hoạt động văn hoá du lịch, đặc biệt du lịch ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng núi, muốn có những trải nghiệm, muốn mua sản phẩm của bà con nhân dân ở khu vực này trực tiếp sản xuất, trực tiếp chế biến để mang về làm quà cũng như tiêu dùng trực tiếp. Qua đó đã thúc đẩy hoạt động du lịch, hoạt động văn hóa phát triển hơn, đồng thời tăng cường việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân ở các xã vùng sâu vùng xa.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các hoạt động văn hoá - du lịch, TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt, đã giúp thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của bà con khu vực này.
Không chỉ thông qua các kênh truyền thống như là bán hàng tại chợ hoặc là thông qua các siêu thị hay những hình thức khác thì việc khách du lịch đến tại vườn ăn ở và thu hái, mua sắm đã tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn. Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch.
Hơn 15 năm xây dựng và giữ gìn, phát triển văn hóa thổ cẩm, các sản phẩm của thương hiệu Thổ cẩm Lan Rừng đã được các du khách nước ngoài rất ưa chuộng và mua làm quà mỗi khi đến tham quan và du lịch tại Sa Pa. Ông Võ Văn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng cho rằng, việc xây dựng nên những khu du lịch đặc thù, để du khách có thể đến tham quan và trải nghiệm trực tiếp từ tập thêu, tập dệt, tập nhuộm vải thổ cẩm sẽ là bước đột phá trong việc quảng bá sản phẩm thổ cẩm của địa phương, từ đó sẽ thu hút nhiều hơn lượt khách không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Rõ ràng sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch đã tạo ra sự đa dạng hóa cho chính ngành du lịch, đó là văn hóa du lịch, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch khám phá và cũng như du lịch sinh thái khác. Từ đây thấy được triển vọng tương lai của du lịch, kết hợp với văn hóa và tiêu thụ sản phẩm cho vùng miền núi, vùng sâu vùng xa.
Từ những chia sẻ thực tiễn của các vị khách mời có thể thấy, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các hoạt động văn hoá - du lịch đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để tận dụng được hết tiềm năng, thế mạnh của các hoạt động văn hoá - du lịch, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp, gắn kết hơn nữa, có những định hướng và chính sách phù hợp hơn để thực sự giúp các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.
Từ đó, không chỉ quảng bá truyền thống văn hoá đặc sắc của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn thu hút nhiều hơn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của bà con dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.