Giá cao su sụt giảm mạnh nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây

Trong ngày 6/1, giá cao su trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) đã có mức giảm mạnh nhất trong vòng 7 tháng sau khi các số liệu được công bố cho thấy lượng dự trữ cao su tại Trung Quốc đã tăng lê

Giá cao su giao tháng 6/2014 trên sàn Tocom đã sụt giảm mạnh tới 4,3% trong ngày 6/1; đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/5/2013. Chốt phiên giao dịch, giá cao su giao tương lai đạt 262,6 Yên/kg (2.517 USD/tấn). Trong năm 2013, giá cao su giao tương lai đã giảm 9,3% - đánh dấu năm giảm giá đầu tiên của cao su kể từ năm 2011.

Giá cao su sụt giảm mạnh do lượng dự trữ cao su được theo dõi bởi Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã tăng 0,9% lên mức 176.027 tấn – mức cao nhất kể từ tháng 11/2004. Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) trong tháng 12/2013 của Trung Quốc do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn logistics và mua hàng Trung Quốc (CFLP) thực hiện, được công bố vào ngày 1/1, đã giảm xuống mức thấpnhất trong vòng 4 tháng gần đây, chỉ đạt 51 điểm; giảm so với mức 51,4 điểm trong tháng 11/2013. Điều này đã gia tăng dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và gây lo ngại nhu cầu sử dụng cao su của Trung Quốc sẽ giảm xuống.

Ông Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích tại công ty môi giới Fujitomi Co. (Nhật Bản), nhận định: “Lượng cao su dự trữ tại Trung Quốc tăng lên đã gia tăng lo ngại nhu cầu sử dụng cao su của Trung Quốc không đủ mạnh để hấp thụ lượng cung cao su dư thừa”.

Theo một báo cáo của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) công bố trong tuần trước, sản lượng cao su của các nước thành viên ANRPC đã tăng 4,7% lên mức 11,15 triệu tấn trong năm 2013, chủ yếu do sản lượng cao su tại Thái Lan, Indonesia, và Trung Quốc tăng lên. Đặc biệt, sản lượng cao su của Việt Nam đã tăng mạnh 21% lên mức 1,04 triệu tấn và vưojt qua Malaysia để trở thành nước sản xuất cao su lớn thứ ba thế giới. Sản lượng cao su của các quốc gia thành viên thuộc ANRPC chiếm đến 93% tổng sản lượng cao su trên toàn cầu.

Theo một báo cáo được công bố vào ngày 25/12/2013 của công ty nghiên cứu thị trường cao su The Rubber Economist Ltd., mức dư cung cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể tăng từ 336.000 tấn trong năm 2013 lên mức 366.000 tấn trong năm 2014. Nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên trên toàn cầu trong năm 2014 được The Rubber Economist dự báo có thể chỉ tăng được 3,1% lên mức 11,599 triệu tấn; thấp hơn mức 4,1% được hãng này dự báo vào hồi tháng 9/2013. Trong khi đó, sản lượng cao su thiên nhiên trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng 3,3% lên mức 11,965 triệu tấn trong năm 2014; cao hơn mức 3% được dự báo trước đó.

Giá cao su giao tháng 5/2014 trên sàn SHFE đã giảm 2,2%, đóng cửa tại mức 17.245 NDT (2.849 USD)/tấn. Trước đó, giá cao su trên sàn SHFE đã có mạch giảm dài 4 ngày liên tiếp đến ngày 3/1, giảm 4,4%.

Theo Viện nghiên cứu cao su Thái Lan, giá cao su Thái Lan giao tại cảng trong ngày 6/1 đã giảm 1,2% xuống còn 80,65 Baht (2,44 USD)/kg.