Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 30/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 0,7% xuống mức 104,4 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng giảm 0,34% xuống 96,68 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 29/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã tăng mạnh 4,1% lên 105,09 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 4,2% lên 97,01 USD/thùng. Đây đều là những mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt ghi nhận mức tăng 4,4% và 2,5%.
Đà tăng của giá dầu thô hiện nay chủ yếu nhờ tâm lý kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác cân bằng thị trường trong trường hợp lượng xuất khẩu dầu thô của Iran tăng mạnh trở lại khi nước này đạt được thoả thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trong tuần trước, Saudi Arabia đã cảnh báo OPEC có thể cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn đà sụt giam của giá dầu thô và nhấn mạnh diễn biến giá dầu trên thị trường tương lai không phản ánh đúng thực tế tình trạng căng thẳng nguồn cung hiện nay trên thị trường giao ngay. Liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp định kỳ vào ngày 5/9 tới đây để quyết định chính sách khai thác dầu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các thông tin mới nhất cho thấy tình trạng bạo lực tại Libya, một quốc gia thành viên khối OPEC, đang bùng phát trở lại và có thể khiến hoạt động khai thác dầu tại đây bị đình trệ.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô phần nào bị kìm hãm bởi việc đồng USD chạm mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này khiến các loại hàng hoá vốn được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác. Đà tăng của đồng USD đến từ việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell phát tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, thúc đẩy các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa bất chấp rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể làm giảm triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất cao trên toàn cầu cũng sẽ tác động tiêu cực đến các kênh đầu tư rủi ro cao như thị trường hàng hoá dầu mỏ.
Thị trường hiện đang tập trung quan sát các thông tin về hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga hiện đã vượt các nhận định trước đây, bất chấp các tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. IEA cũng cho biết các quốc gia thành viên có thể sẽ tiếp tục sử dụng nguồn dầu thô dự trữ quốc gia để “hạ nhiệt” tình trạng căng thẳng nguồn cung hiện nay.